Đòi lại tài sản quốc gia bị quan tham tẩu tán ra nước ngoài như thế nào?

Hiệu Minh |

Theo World Bank (WB) và LHQ ước tính, hàng năm có khoảng từ 20 đến 40 tỉ USD bị ăn cắp do tham nhũng từ các nước đang phát triển, có số liệu còn khủng hơn, lên đến hàng ngàn tỉ.

Theo ước tính của các chuyên gia, chỉ cần thu hồi 1% số tiền đó (200 triệu USD) cũng đủ tiêm chủng cho 8 triệu trẻ sơ sinh, hay nửa triệu người nghèo có nước sạch dùng cho cả năm, hoặc chữa chạy cho 1,2 triệu người nhiễm HIV.

Ngân hàng Thụy Sỹ không còn an toàn

Rất đáng tiếc, tiền của các nước lớn cho các nước nghèo vay, do tham nhũng, có thể quay về nơi xuất phát. Một trong những thiên đường "rửa tiền" là các ngân hàng tên tuổi. Người ta nhắc nhiều đến hệ thống ngân hàng Thụy Sỹ nổi tiếng bảo mật cho khách hàng. Ngày nay tiền còn chạy sang Mỹ. 

Tháng 9-2007, Liên Hiệp Quốc và Ngân Hàng Thế giới đưa ra sáng kiến Stolen Asset Recovery (StAR – Lấy lại tài sản đã bị đánh cắp) nhằm đấu tranh chống tham nhũng, tìm ra tài sản bị mất để trả lại cho quốc gia bị thiệt hại, kể cả việc lôi ra ánh sáng những kẻ ăn cắp của người nghèo.

Với sự cam kết của các nước giàu, những tài khoản bí mật kia có cơ bị khui ra vì Thụy Sỹ cũng phải cam kết toàn cầu. Gần hai năm sau (2-2009), Bộ Tư pháp Thụy Sỹ đã không công nhận số tiền 6 triệu USD đang được gửi trong tài khoản của một ngân hàng tại nước này là thuộc về sở hữu của gia đình cựu Tổng thống Duvalier (Haiti).

Tòa án đã ra lệnh trả lại số tiền trên cho đất nước Haiti rất nghèo ở Mỹ Latinh.

François Duvalier (còn gọi là "Papa Doc") làm Tổng thống Haiti từ 1957 đến 1971. Khi ông ta chết, con trai Jean-Claude Duvalier (còn gọi là "Baby Doc") lên thay và tiếp tục sự nghiệp của cha là điều hành đất nước trong độc tài, tham nhũng và khủng bố. Khoảng 30 ngàn người đã chết, mất tích và hàng chục vạn người khác phải đi lánh nạn vì bị đàn áp.

Đòi lại tài sản quốc gia bị quan tham tẩu tán ra nước ngoài như thế nào? - Ảnh 1.

Jean -Claude Duvalier (Baby Doc) và vợ năm 1980. Ảnh: AP

Tiếp theo là các Tổng thống Suharto (Indonesia) và Marcos (Philippines), mang tiền của gửi tại ngân hàng Thụy Sỹ cũng bị điều tra và hàng trăm triệu USD đã được trả lại cho quốc gia bị quan chức trộm cắp đem giấu ở nước ngoài.

Hoa Kỳ không phải là thiên đường giấu của

Hoa Kỳ tỏ ra mạnh tay với những quan chức có bàn tay vấy bẩn. Bà Gulnara Karimova, con gái của Tổng thống Uzbekistan, đang bị tòa án Mỹ điều tra khoản tiền 300 triệu USD gửi ngân hàng Mỹ do nhận hối lộ từ Nga và các công ty viễn thông nước ngoài muốn làm ăn tại nước này.

Trần Thủy Biển, cựu lãnh đạo Đài Loan, cùng vợ bị kết án 20 năm tù năm 2009, nhưng có tài sản là căn hộ đắt tiền ở Manhattan và nhà khủng nhìn ra vùng núi rộng lớn ở Virginia bị tòa án Đài Loan cho là được mua bằng tiền nhận hối lộ. 

Tiền đi qua tài khoản tại nhà băng ở British Virgin (đảo thuộc Anh) và tài khoản bên Thụy Sỹ, rồi con trai của họ dùng tiền mua tài sản bên Mỹ. Tòa án Mỹ đang xem xét và có thể tịch thu tài sản trên để trả lại cho Đài Loan.

Pavlo Lazarenko từng là thủ tướng Ukraine những năm 1990 và nhận tiền hoa hồng hàng chục triệu USD. Sợ bị bắt nên đã trốn sang New York năm 1999 và sau chuyển vào trong ngôi nhà 20 phòng ở California. Ông ta bị tòa án Mỹ buộc tội rửa tiền, từng ngồi tù, hiện đang bị chính quyền Ukraine đòi trả lại khoản tiền 250 triệu USD gửi ở nước ngoài. 

Tuy nhiên, việc xử tại tòa kéo dài nhiều năm nhưng chưa xong. Lazarenko từng bị tổ chức Minh bạch toàn cầu xếp thứ 8 trên thế giới về ăn hối lộ.

Đòi lại tài sản quốc gia bị quan tham tẩu tán ra nước ngoài như thế nào? - Ảnh 2.

Biệt thự sang trọng ở California, Mỹ được ông Lazarenko mua với giá 6,7 triệu USD. Ảnh: AP

Tướng độc tài Sani Abacha của Nigeria tuy đã chết nhưng chính phủ Nigeria đang đòi lại tài sản 630 triệu USD do gia đình ông ta nắm giữ tại Hoa Kỳ. Năm 2014, Nigeria đã thắng kiện và tòa án Hoa Kỳ đã ra lệnh trả khoản tiền 480 triệu USD.  

Tại Philippines, doanh nhân Janet Lim-Napoles bị buộc tội đã ăn cắp hàng chục triệu USD tiền viện trợ nhân đạo và chương trình phát triển khác. Chính quyền Philippines đang yêu cầu Hoa Kỳ tìm tài sản khoảng 12 triệu USD trong tài khoản ở Mỹ do bà này trộm cắp mà có, kể cả căn hộ đắt tiền ở  Los Angeles, xe hơi Porsche, nhà nghỉ gần Disneyland và nhiều tài sản khác ở California.

Mất tiền do tham nhũng là mất rất lớn

Dù có StAR, biết có tài khoản và tài sản ở nước ngoài do quan chức tham nhũng tẩu tán, nhưng quốc gia bị thiệt hại cũng gặp nhiều khó khăn khi đi đòi. Cuộc chiến pháp lý bao giờ cũng hao tiền, mất thời gian, luật sư nước sở tại giúp "giữ lại" tài sản bị đánh cắp một cách hợp pháp bằng án phí, bằng lý luận "khách hàng của tôi bao giờ cũng đúng".

Ăn cắp đã tệ hại, nhưng ăn cắp của người nghèo không thể chấp nhận được. StAR cho rằng, các nước giàu và nghèo phải hợp tác chặt chẽ để chống tham nhũng, đảm bảo tài sản bất minh dù giấu ở đâu cũng phải theo nguyên tắc "của Caesar phải trả về cho Caesar".

Đòi lại tài sản quốc gia bị quan tham tẩu tán ra nước ngoài như thế nào? - Ảnh 3.

Số tiền hàng chục tỉ kia lẽ ra đưa vào phát triển đất nước nghèo đói, thì lại chui vào túi các quan tham. Dù chục năm sau, StAR có thể tìm ra và trả về, quốc gia đã trả một giá quá lớn vì thiếu những nguồn tài chính đáng ra dành để phát triển. Lợi bất cập hại, kẻ tham nhũng có thể bị đưa ra tòa, nhưng tiền lại vào túi các nước giàu do quan tham trốn sang đó.

Tại các nước nghèo, nghe tin tiền tỉ USD được vay to vật vã như "con voi", nhưng có khi đến phần dân được hưởng chỉ còn bằng "con kiến".

Đợi đến lúc StAR thu hồi hộ sau mấy chục năm, mấy tỉ vay đã thành chục tỉ USD, do lãi mẹ đẻ lãi con, trong khi đất nước không phát triển.

Mất vì tham nhũng là mất rất lớn. Người bị mất cắp è cổ trả nợ, quốc gia điêu đứng, tiền lại chạy sang nước giàu do quan tham tự nộp mình sang đó, nếu người dân mà mất lòng tin, thì sao còn sáng tạo cho phát triển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại