Cuộc đối đầu biên giới Trung-Ấn hiện đã kéo dài sang tháng thứ hai giao tranh. Đáng chú ý, thời điểm này, đội ngũ lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cũng bước vào quỹ thời gian của hội nghị bí ẩn nhất Quốc - "hội nghị Bắc Đới Hà".
Đây là một hội nghị không chính thức để thảo luận các vấn đề liên quan đến quốc gia của các nhà lãnh đạo cấp cao đương nhiệm và lão thành Trung Quốc.
Hội nghị này thường diễn ra vào cuối tháng 7-đầu tháng 8 hàng năm tại khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà, tỉnh Hà Bắc
Những năm gần đây, hội nghị Bắc Đới Hà được cho đã "thường thái hóa" khi hoàn toàn chuyển sang trạng thái mới - thời gian nghỉ dưỡng đơn thuần của các lãnh đạo Trung Quốc.
Truyền thông Ấn Độ gần đây tiết lộ, phía New Delhi đặc biệt quan tâm tới hội nghị lần này của Bắc Kinh. Giới quan sát dự đoán, "hội nghị Bắc Đới Hà" năm nay sẽ quyết định phương châm giải quyết vấn đề Trung-Ấn trong tương lai.
Đầu tháng 8, trước thềm diễn ra hội nghị Bắc Đới Hà 2017, loạt cơ quan truyền thông lớn và bộ trung ương Trung Quốc đã tập trung lên tiếng, cảnh cáo mạnh mẽ New Delhi về vấn đề tranh chấp biên giới. Một số ý kiến cho rằng, đây có thể là "tối hậu thư" Bắc Kinh gửi cho New Delhi.
Tờ The Hindu (Ấn Độ) ngày 12/8, dẫn lời các quan chức cấp cao nước này cho biết, "cuộc đối đầu biên giới Trung-Ấn có thể được giải quyết hay không thì phải trông chờ vào hai tuần tới".
Tờ này đánh giá, tình hình biên giới Trung-Ấn chắc chắn sẽ trở thành vấn đề tham luận quan trọng của hội nghị Bắc Đới Hà 2017.
Báo Ấn Độ còn dẫn lời cựu Tổng thư ký Bộ ngoại giao Ấn Độ Shyam Saran cho biết, "chiến tranh Trung-Ấn năm 1962 do Chủ tịch Mao Trạch Đông quyết định tại hội nghị Bắc Đới Hà vào tháng 8 năm đó".
Ông Saran nhận định, Ấn Độ cần chú ý "tình hình những ngày tới", nắm bắt tín hiệu Trung Quốc phát đi sau hội nghị quan trọng này.
Ngoài ra, tờ Sputnik (Nga) phân tích chỉ ra, đối đầu Trung-Ấn phát sinh trước thềm Đại hội 19 đảng cộng sản Trung Quốc là điều bất lợi cho Bắc Kinh, đối với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, nhiệm vụ quan trọng hiện nay chính là chuẩn bị chu tất chào mừng Đại hội 19.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiện cần một thắng lợi ngoại giao để khích lệ tinh thần dân chúng, tạo bầu không khí hài hòa cho Đại hội 19. Do đó, xét từ góc độ của ông Tập và ĐCSTQ, cuộc đối đầu Trung-Ấn không thể kéo dài nên hội nghị Bắc Đới Hà lần này sẽ thảo luận về những quyết sách liên quan đến tranh chấp biên giới Trung-Ấn.
Hôm thứ 6 (11/8), Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley phát biểu trước quốc hội nước này rằng, quân đội Ấn Độ đã "sẵn sàng cho mọi cuộc xung đột vũ trang", theo Indian Express.
Cùng ngày, một nguồn tin quân đội Trung Quốc nói với Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP - Hồng Kông), Giải phóng quân Trung Quốc PLA mong muốn giảm căng thẳng để tránh cuộc đối đầu không cần thiết.
"Nhưng PLA từ lâu đã xác định không đụng độ với quân Ấn Độ trên mặt đất. Thay vào đó, họ sẽ triển khai máy bay và tên lửa chiến lược làm tê liệt lực lượng Ấn Độ đang đóng quân ở biên giới giáp Trung Quốc trên dãy Himalaya", nguồn tin này dự đoán, quân đội Ấn Độ sẽ không trụ được một tuần.
Một nguồn tin quân sự khác nói với SCMP, binh lính và sĩ quan chiến khu phía Tây đã nhận được chỉ thị sẵn sàng tác chiến với New Delhi tại khu vực Donglang/Doklam.
Theo SCMP, cả hai nguồn tin trên đều nhấn mạnh, "PLA nhận định, bất cứ xung đột nào đều phải được kiểm soát, tránh lây lan sang khu vực tranh chấp khác".
Tuy nhiên, các chuyên gia quốc phòng Ấn Độ đã cảnh báo rằng, một khi xô xát xảy ra, cuộc xung đột có thể leo thang thành cuộc chiến toàn diện. "Trong một cuộc chiến toàn diện, hải quân Ấn Độ sẽ ngăn không cho Trung Quốc tiến vào Vịnh Bengal hay Ấn Độ Dương", một chuyên gia quân sự Ấn Độ nói với SCMP.