Nguồn gốc của chiến lược "3 loại hình chiến tranh" (3Ws) chưa được xác định rõ ràng, tuy nhiên, theo nguồn tin của Times of India (TOI), năm 2003, Ủy ban Quân sự Trung Ương Trung Quốc (CMC) đã thông qua những khái niệm định hướng đối với "các chiến dịch thông tin cho quân đội Trung Quốc, hay còn được gọi là "3 loại hình chiến tranh".
Bao gồm chiến tranh truyền thông/dư luận, chiến tranh tâm lý và chiến tranh pháp lý, chiến lược "3 loại hình chiến tranh" là nhân tố quan trọng của phương án mà Bắc Kinh sử dụng trong tranh chấp lãnh hải. Theo TOI, chiến lược này cũng đang được áp dụng trong cuộc đối đầu tại Doklam.
Chiến tranh truyền thông
Đối đầu với Ấn Độ tại Doklam, Trung Quốc đang tìm cách tác động tới dư luận trong nước và quốc tế để giành lấy sự ủng hộ trong tranh chấp lãnh thổ với Bhutan.
Các hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, thậm chí Ngoại trưởng Vương Nghị đã đưa ra hàng loạt phát ngôn, tiến hành họp báo, đăng tải nhiều bài xã luận với mục đích ngăn cản Ấn Độ hành động tại khu vực tranh chấp.
Chiến tranh tâm lý
Trong khi các phương tiện truyền thông Ấn Độ đưa tin về các thông điệp Trung Quốc đưa ra, Bắc Kinh đang sử dụng chính người Ấn Độ để gây sức ép với chính phủ Ấn Độ và khiến họ phải rút lui, đa phần là do nghi ngờ lập trường của New Delhi.
Trung Quốc đã viện tới rất nhiều hình thức, từ việc gọi Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj là "kẻ dối trá", cho tới những lời đe dọa như "đã bắt đầu đếm ngược", "giải phóng Sikkim khỏi sự đàn áp của Ấn Độ". Tất cả đều nhằm mục đích "hủy hoại khả năng tiến hành các chiến dịch chiến đấu bằng cách làm đối phương bàng hoàng, mất tinh thần".
Bức tranh về cuộc chiến năm 1962 cũng được truyền thông Trung Quốc đề cập tới. Đây vốn là vấn đề nhạy cảm tại Ấn Độ. Nhiều tờ báo Trung Quốc còn đưa tin rằng, các cựu binh năm 1962 sẽ đưa con cái tới chiến đấu với Ấn Độ bởi họ tức giận tới mức ấy.
Tuy nhiên, như TOI đã chỉ ra, vấn đề Doklam còn không nằm trong top 50 xu hướng được bàn tán nhiều trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.
Chiến tranh pháp lý
Hồi đầu tuần, một quan chức Trung Quốc tuyên bố rằng, Bhutan đã "công nhận" chủ quyền của Trung Quốc đối với Doklam, và phát ngôn này đã buộc Thimphu phải lên tiếng bác bỏ.
Theo nhà sử học Ấn Độ Srinath Raghavan, thỏa thuận năm 1890 mà Trung Quốc lấy làm căn cứ không phải cơ sở bắt buộc đối với Bhutan. Vì vậy, yêu sách đòi coi núi Gipmochi làm giao điểm như trong thỏa thuận 1890 của Trung Quốc cũng "có vấn đề".
"Nguyên tắc xác định biên giới là đường phân nước, tức đường cao nhất trên núi phân chia dòng chảy của sông về các phía. Đây là phương pháp logic nhất để xác định biên giới ở vùng núi. Tuy nhiên, các khảo sát sau này cho thấy núi Gipmochi không phải đường phân nước cao nhất trong vùng".
"Đỉnh Gipmochi cao 4425m so với mực nước biển, trong khi Merugla và Sinchela cao lần lượt là 4653m và 4429m. Như vậy Batangla - Merugla - Sinchela là đường phân nước cao nhất trong khu vực. Bhutan đã coi đó là đường biên giới với Tây Tạng và khu vực Doklam theo đó cũng thuộc lãnh thổ của mình".
Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc lại đưa rất nhiều thông tin nhấn mạnh rằng Thỏa thuận 1890 là không thể bác bỏ và núi Gipmochi là giao điểm chứ không phải Batangla.
Có điều, ông Raghavan nói, nếu Trung Quốc đúng và không hề có tranh chấp thì vì sao Trung Quốc lại phải tiến hành 24 vòng đàm phán chưa ngã ngũ với Bhutan về vấn đề này?
Viết cho IDSA (Viện Phân tích và Nghiên cứu Quân sự), học giả Abhijit Singh cho rằng, "Chiến lược 3Ws của Trung Quốc đã vượt ra khỏi chiến tranh tuyên truyền và các chiến dịch tung tin sai lệch. Mở rộng chiến tranh thông thường ra phạm vi chính trị, có vẻ 3Ws đang nhằm mục đích đánh bại Ấn Độ mà không cần khai hỏa".