Độc đáo chương trình phát triển tên lửa chống tăng bằng động năng MGM-166 LOSAT

ĐTN |

MGM-166 LOSAT (Line of Sight Anti Tank/Tên lửa chống tăng theo đường ngắm thẳng) do Lockheed Martin (ban đầu là Vought) thiết kế để tiêu diệt xe tăng và các mục tiêu cá nhân khác.

Điểm độc đáo của MGM-166 LOSAT là thay vì sử dụng đầu đạn nổ lõm (HEAT) như các tên lửa chống tăng khác, nó lại được trang bị thanh xuyên bằng thép cứng và dùng động năng để phá hủy mục tiêu.

Hệ thống LOSAT có trọng lượng khá nhẹ, được tích hợp trên khung gầm xe thiết giáp Humvee kéo dài với một container chứa 4 tên lửa KEM (Kinetic Energy Missile/Tên lửa động năng) sẵn sàng phóng. Tổ hợp có khả năng vận tải bằng đường hàng không.

Mặc dù LOSAT không được chấp nhận đưa vào trang bị trong Quân đội Mỹ, nó vẫn là tiền đề quan trọng đối với sự ra đời của phiên bản nhỏ gọn hơn là CKEM (Compact Kinetic Energy Missile/Tên lửa động năng nhỏ gọn).

Độc đáo chương trình phát triển tên lửa chống tăng bằng động năng MGM-166 LOSAT - Ảnh 1.

Hệ thống LOSAT sử dụng khung gầm xe thiết giáp Humvee kéo dài

Lịch sử phát triển

HVM

LOSAT được phát triển dựa trên một dự án trước đó của Vought, đó là Tên lửa vận tốc cao (High Velocity Missile/HVM). Đây là vũ khí đa nền tảng được đặt hàng bởi Không quân Mỹ cho những chiếc A-10 Warthog của họ; cùng với Lục quân và Thủy quân Lục chiến Mỹ cho máy bay trực thăng và các loại xe khác.

HVM cung cấp hiệu suất tương tự như hệ thống tên lửa chống tăng AGM-114 Hellfire, nhưng có khả năng "bắn và quên" bán tự động nhờ được trang bị các cảm biến hồng ngoại (FLIR) theo dõi và hướng dẫn tên lửa thông qua chùm tia laser công suất thấp.

Tên lửa HVM tích hợp được trên bất kỳ nền tảng nào có thiết bị FLIR với hệ thống điều khiển đặt bên ngoài, hoặc có khả năng gắn vào các thiết bị chỉ thị mục tiêu hiện có.

Do sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, Không quân Mỹ đã rút khỏi dự án, dẫn đến công tác phát triển HVM dường như phải kết thúc vào cuối thập niên 1980.

Độc đáo chương trình phát triển tên lửa chống tăng bằng động năng MGM-166 LOSAT - Ảnh 2.

Tên lửa vận tốc cao (High Velocity Missile/HVM) của Vought

AAWS-H

Vào khoảng thời gian đó, năm 1988, Lục quân Mỹ phát hành một yêu cầu mới đối với hệ thống chống tăng trên mặt đất, được biết đến như Hệ thống Vũ khí chống tăng hạng nặng tiên tiến (Advanced Anti-Tank Weapon System-Heavy/AAWS-H).

AAWS-H quy định một khung gầm hạng nhẹ có thể vận chuyển bằng đường hàng không, có khả năng tiêu diệt bất kỳ xe tăng hiện tại hoặc trong tương lai gần với tầm bắn xa.

Tên lửa TOW có thể bắn đi từ các địa điểm bí mật nhưng không cung cấp tầm bắn cần thiết và tốc độ bay tương đối chậm (khoảng 250 m/s so với 1.650 m/s của HVM), vì vậy nó dễ bị tổn thương trên đường tiếp cận mục tiêu.

Độc đáo chương trình phát triển tên lửa chống tăng bằng động năng MGM-166 LOSAT - Ảnh 3.

LOSAT Bradley - Một dự án lắp hệ thống LOSAT trên khung gầm Bradley

Để lấp đầy AAWS-H, Vought phát triển phiên bản mở rộng tầm bắn lớn hơn một chút của HVM gọi là KEM (Kinetic Energy Missile/Tên lửa động năng). Trong khi đối tác của họ, Texas Instruments cung cấp hệ thống ngắm mục tiêu với cảm biến hồng ngoại FLIR mới mà họ đã làm việc trên tổ hợp TOW nâng cấp.

Một số xe đã được nghiên cứu để trang bị hệ thống, bao gồm M2 Bradley và M8 Armored Gun System. Tuy nhiên để giảm chi phí cũng như cải thiện tính di động trong giai đoạn sau Chiến tranh Lạnh, LOSAT cuối cùng được đặt trên khung gầm Humvee kéo dài với một container chứa 4 tên lửa KEM sẵn sàng bắn, cùng một rơ moóc kéo theo chứa 8 tên lửa để nạp lại.

Hệ thống dẫn đường mới có thể điều khiển 2 tên lửa bay đến 2 mục tiêu riêng biệt, cho phép chiếc xe bắn loạt nhằm chống lại một nhóm xe tăng chỉ trong vài giây.

Đạt tốc độ 1,5 km/s, LOSAT khi được phóng đi và bay đến mục tiêu ở khoảng cách tối đa chỉ hết dưới 4 giây, khiến việc bắn trả nó cực kỳ khó khăn. Phạm vi hoạt động của LOSAT xa hơn tầm bắn của pháo tăng, giúp nó khai hỏa và di chuyển trước khi xe tăng kịp cơ động vào vị trí để đáp trả.

Độc đáo chương trình phát triển tên lửa chống tăng bằng động năng MGM-166 LOSAT - Ảnh 4.

Xe phóng đặt trên khung gầm Humvee kéo theo một rơ moóc chứa 8 tên lửa dự trữ

Quá trình thử nghiệm hệ thống LOSAT

Tên lửa động năng KEM được thử nghiệm bắn lần đầu tiên vào năm 1990, dẫn tới hợp đồng ký kết với Lục quân Mỹ để tiếp tục phát triển.

Tuy nhiên tốc độ diễn ra khá chậm và phải đến năm 1997, Chương trình biểu diễn khái niệm công nghệ tiên tiến (Advanced Technology Concept Demonstrator) mới bắt đầu đưa hệ thống vào sản xuất. Hợp đồng cung cấp 12 xe LOSAT và 144 tên lửa KEM sẽ được chuyển giao vào năm 2003.

Ngay trước khi hợp đồng trên hoàn tất, vào tháng 8/2002, Quân đội Mỹ tiếp tục yêu cầu số lượng lên tới 108 tên lửa. Chiếc đầu tiên của 12 tổ hợp LOSAT được giao trong tháng 10/2002 và hệ thống bắt đầu loạt 18 cuộc thử nghiệm trong tháng 8/2003 tại White Sands Missile Range ở New Mexico.

Đến tháng 3/2004, 18 tên lửa KEM đã được bắn vào các mục tiêu dưới nhiều điều kiện, cả ban ngày lẫn ban đêm, trong khi 8 tên lửa khác khai hỏa vào mùa hè năm 2004 tại Fort Bliss, như một phần của quá trình đánh giá.

Độc đáo chương trình phát triển tên lửa chống tăng bằng động năng MGM-166 LOSAT - Ảnh 5.

Thử nghiệm bắn tên lửa động năng KEM

Đáng tiếc là khi công tác thử nghiệm hoàn thành, Lục quân Mỹ hủy chương trình LOSAT sau đợt sản xuất số lượng thấp với khoảng 435 đạn.

Lý do là bởi thời điểm này họ bắt đầu làm việc trên một hệ thống được gọi là Tên lửa động năng nhỏ gọn (Compact Kinetic Energy Missile/CKEM), dựa trên khái niệm LOSAT nhưng nhỏ hơn và nhẹ hơn, phù hợp hơn với các mối đe dọa thực tế.

Độc đáo chương trình phát triển tên lửa chống tăng bằng động năng MGM-166 LOSAT - Ảnh 6.

Tên lửa động năng nhỏ gọn (Compact Kinetic Energy Missile/CKEM)

Tuy nhiên dự án trên lại không kêu gọi đủ tài trợ, dẫn tới việc các chương trình LOSAT buộc phải chấm dứt hoàn toàn, những thành tựu của nó đành phải để dành cho các hệ thống vũ khí tương lai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại