Doanh nghiệp Nhật đánh giá Việt Nam hấp dẫn nhất, Trung Quốc tụt hạng

Đỗ Quyên (Theo Kyodo) |

Các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại châu Á xem Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực, nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam cũng như với vai trò là trung tâm sản xuất, cùng thị trường tiêu thụ rộng lớn, theo khảo sát NNA.

Hãng thông tấn Kyodo (Nhật) ngày 10-1 dẫn kết quả khảo sát thực hiện với 630 doanh nghiệp Nhật Bản tại Đông Á, Đông Nam Á, Ấn Độ và Úc cho biết kết quả trên. Theo đó, 35,7% các doanh nghiệp trên lựa chọn Việt Nam là nền kinh tế triển vọng nhất cho hoạt động đầu tư, vượt xa so với Ấn Độ - nước đứng ở vị trí thứ hai với 17,8%.

Một quan chức trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã khẳng định rằng khi các doanh nghiệp đã vào Việt Nam, họ có thể cân nhắc mở rộng hoạt động tại Campuchia, Lào và Myanmar.

Cũng theo khảo sát được thực hiện từ ngày 26-11 đến 9-12 năm ngoài này, mức tăng trưởng cao của Ấn Độ cũng có tiềm năng thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản. Một doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nhấn mạnh tiềm năng tăng tưởng của Ấn Độ ở sự gia tăng dân số, thu nhập cũng như nhu cầu với các sản phẩm mới.

Một số doanh nghiệp ở các nước khác cũng tán thành điều này. Dù sự bất cân bằng thu nhập ở Ấn Độ vẫn tồn tại nhưng một quan chức trong lĩnh vực sản xuất của Nhật Bản đề cao Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vì các chính sách kinh tế và phát triển hạ tầng của ông đã thúc đẩy tăng trưởng.

Trong khi đó, Trung Quốc nằm ở vị trí thứ 3 trong danh sách các điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất với doanh nghiệp Nhật Bản với tỉ lệ bầu chọn là 7,9%. Con số này giảm đáng kể so với mức 12,6% mà Trung Quốc đạt được trong cuộc khảo sát năm 2017 của NNA, chủ yếu do sự bất ổn ngày càng tăng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Ngoài ra, Thái Lan giữ vị trí thứ 4 với 7,3%. Kết quả này đạt được nhờ sự ghi nhận của các doanh nghiệp Nhật về sự phục hồi kinh tế của Thái Lan, dẫn đầu là lĩnh vực ô tô.

Indonesia, một trong những nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, xếp ở vị trí thứ 5 với 6,7%. Myanmar xếp ngay sau đó với 6,5%, giảm so với 8,7% hồi năm 2017 do cuộc khủng hoảng di cư Rohingya tại nước này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại