Doanh nghiệp BOT “kêu khóc” làm vì danh dự, vì lao động: “Chắc ông ấy chỉ nói đùa!”

Nguyễn Thoan |

Nhận xét xung quanh vấn đề lợi nhuận của nhà đầu tư BOT, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội chia sẻ: “Tôi có nghe nói, trong hội thảo tổng kết 5 năm BOT tại Việt Nam, có doanh nghiệp kêu khóc là làm vì anh dự, vì lao động. Tôi chắc là ông ấy chỉ đang nói đùa!” Tweet

Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức hội thảo “Những vấn đề đặt ra đối với dự án BOT và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”. Phát biểu tại buổi hội thảo, đa phần các ý kiến đều thống nhất rằng chọn các dự án BOT được coi là con đường đúng đắn của Việt Nam trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, còn nhu cầu về cơ sở hạ tầng lớn như hiện nay.

Nhận xét về thực trạng các dự án BOT hiện nay ở Việt Nam, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, dự án BOT không còn mới mẻ gì với Việt Nam.

Sau 10 năm đã triển khai, lĩnh vực giao thông vận tải luôn là đi đầu trong các dự án BOT. Các địa phương cũng đều có kinh nghiệm làm BOT, đặc biệt 5 năm trở lại đây đã thực hiện rất nhiều dự án.

Tuy nhiên, theo ông Kiên, để nhìn nhận đúng về BOT, chúng ta cần xét về mặt bản chất.

Doanh nghiệp BOT “kêu khóc” làm vì danh dự, vì lao động: “Chắc ông ấy chỉ nói đùa!” - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Ông Kiên cho biết, nhà nước khi thực hiện BOT là để kêu gọi vốn của các nhà đầu tư. Nó dựa trên nguyên tắc thị trường, các nhà đầu tư hoặc huy động được vốn của thị trường, hoặc là các nhà tư bản có nguồn vốn lớn.

Với các nhà đầu tư có vốn lớn, trong lĩnh vực họ quen thuộc đã bão hòa, không còn thu lợi được nữa thì họ chuyển sang lĩnh vực khác đảm bảo lợi nhuận lớn hơn. Và BOT là một trong những dự án có tính đảm bảo cao nhất.

Tuy nhiên, chúng ta đang vướng phải một sai lầm lâu nay là bảo lãnh cho các nhà đầu tư vay tiền ở các ngân hàng thương mại để làm BOT, buộc các ngân hàng thương mại phải chuyển vốn từ ngắn hạn của người dân sang dài hạn cho các nhà đầu tư BOT.

Trong khi đó, đáng ra là nhà đầu tư phải có vốn thực và kinh nghiệm thực, thì chúng ta lại đang để cho nhà đầu tư “tay không bắt giặc”. Đó là lý do tại sao mà gánh nặng về tài chính bị chuyển sang cho các ngân hàng và Chính phủ thì bảo lãnh cho nhà đầu tư, ông Kiên nhận định.

“Nếu làm doanh nghiệp mà đầu ra có, tiền đã có Chính phủ bảo lãnh, đầu ra cũng được bảo lãnh thì lỗ làm sao được? Thế mà hôm trước, tại hội thảo tổng kể 5 năm BOT ở Việt Nam, tôi có nghe nhà đầu tư BOT kêu khóc làm vì danh dự, vì lao động. Chắc ông ý chỉ nói đùa thôi”, ông Kiên nói.

Phân tích những bức xúc của người dân trong thời gian vừa qua với các dự án BOT, ông Kiên cho biết, chúng ta (theo nghĩa Nhà nước) với tư cách chính quyền của dân đã quên nghĩa vụ của mình!

Theo đó, nhà nước được ủy quyền để cung ứng cho người dân, xã hội một cơ sở dịch vụ phù hợp với đóng góp của dân. “Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà chúng ta để nhà đầu tư không cho người dân khả năng lựa chọn phương án người ta có thể đáp ứng”, ông Kiên chỉ ra.

Ông Kiên bổ sung: Nhà nước định ra các khoản thuế và phí thì phải cung ứng cho người dân hạ tầng theo khả năng trả phí của họ. Sau đó mới phân ra, những người có kinh tế hơn, giàu có hơn thì có quyền lựa chọn cái tốt hơn, dịch vụ cao hơn như BOT, còn nếu không người ta vẫn đi đường cũ xây bằng tiền thuế của dân.

Hiện nay, có nhiều thắc mắc xung quanh vấn đề dự án BOT là của nhà nước hay là của tư nhân? Trả lời câu hỏi này, ông Kiên khẳng định, đứng về mặt pháp lý, BOT là việc nhà nước ủy quyền cho nhà đầu tư thực hiện 1 số chức năng của nhà nước mà hiện nay nhà nước do điều kiện cân đối vĩ mô nên chưa thể đầu tư, nhưng nhà nước mong muốn có cơ sở tốt hơn để đẩy nhanh phát triển kinh tế.

Vì thế, các dự án BOT không phải hoàn toàn của tư nhân. Cơ quan quản nhà nước không được bỏ qua vai trò của mình, mà cần dùng ngân sách để nghiên cứu tiền khả thi, đến khả thi, sau đó mới đấu thầu. Như thế mới minh bạch và rõ ràng được, ông Kiên khuyến cáo.

Cùng với đó, ông Kiên đề xuất, Kiểm toán Nhà nước cần đóng vai trò lớn trong việc tham gia kiểm toán các dự án BOT. Theo đó, kiểm toán thẩm định xem có nằm trong quy hoạch phát triển giao thông không? Có cân đối với nguồn lực của chúng ta không? Khả thi, tiền khả thi có đúng với luật không? Và cái gì theo Luật kiểm toán thì kiểm toán vào kiểm tra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại