Đọ dàn vệ sĩ "người thép chạy bộ" của ông Kim với đội đặc vụ lấy thân đỡ đạn của ông Trump

Thi Anh |

Vệ sĩ Triều Tiên được mệnh danh là lá chắn sống "kiến cũng không chui lọt". Mật vụ Mỹ thì được huấn luyện để có phản xạ "đỡ đạn" cho Tổng thống.

Vệ sĩ Triều Tiên: Thành quả của huấn luyện khắc nghiệt

Dùng đầu đập vỡ bê tông, dùng búa đập vỡ cả chồng đá hoa cương đặt trên ngực, làm vỡ bóng điện bằng một ngón tay - đó là những kỹ năng thiết yếu cần có nếu bạn muốn trở thành vệ sĩ của lãnh đạo Triều Tiên. Trong video của kênh truyền hình của Triều Tiên, các vệ sĩ trình diễn taekwondo và võ thuật rất điêu luyện.

Lee Young-guk, vệ sĩ của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Il, một người đào tẩu, cho biết ông phải trải qua quá trình huấn luyện tương tự trước khi đủ năng lực làm vệ sĩ.

"Huấn luyện rất khắc nghiệt", ông Lee nói, "Vì sao phải làm như vậy? Một khẩu súng ngắn thì không dẫn tới thắng trận và biết taekwondo cũng không có nhiều tác dụng nhưng nó đem tới lợi ích về mặt tinh thần, tạo nên sự trung thành".

Trong cuộc phỏng vấn với CNN, Lee cho biết quá trình huấn luyện của ông bao gồm cả những phương pháp truyền thống như tập bắn bia, tập tạ, tập thể hình, chiến thuật, bơi lội và sử dụng thuyền.

Vào thời của Lee, tất cả các trường phổ thông đều tham gia vào quá trình tuyển chọn quy mô lớn để tìm ra vệ sĩ cho ông Kim Jong-Il. Tất cả các ứng viên phải trải qua những bài kiểm tra tổng quát về hình thể cũng như tính cách.

"Yếu tố quan trọng nhất là lý lịch gia đình", Lee nói, "Họ chú ý tới việc liệu người thân của bạn có phải là tù nhân chính trị hoặc từng đào tẩu sang Hàn Quốc hay không".

Lá chắn sống "kiến không chui lọt" của ông Kim

Khi bước qua biên giới sang phía Hàn Quốc dự cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4, ông Kim Jong-un đã được hộ tống bởi một đội vệ sĩ được tuyển chọn nghiêm ngặt dựa trên các tiêu chí về thể lực, tài thiện xạ, kỹ năng võ thuật và cả ngoại hình.

Các vệ sĩ Triều Tiên vận âu phục gọn gàng, cài huy hiệu Triều Tiên màu đỏ, súng giắt bên hông và đeo tai nghe liên lạc có dây - loại phụ kiện "ưa thích" của các mật vụ Mỹ. Lực lượng này cũng xuất hiện cùng em gái lãnh đạo Triều Tiên Kim Yo-Jong khi bà tới Hàn Quốc dự Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang.

Trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và cả tại Singapore lần này, các vệ sĩ của ông Kim đều thực hiện một thao tác đặc biệt. Đó là chạy bộ bên cạnh và phía sau xe ô tô chở ông Kim, tạo thành một lá chắn sống.

Đọ dàn vệ sĩ người thép chạy bộ của ông Kim với đội đặc vụ lấy thân đỡ đạn của ông Trump - Ảnh 1.

Vệ sĩ chạy bộ quanh xe ông Kim Jong-un tại thượng đỉnh liên Triều. Ảnh: AP

Triều Tiên là một trong những nước được kiểm soát chặt chẽ nhất thế giới. An ninh cho lãnh đạo nước nhà là bất khả xâm phạm. Các vị khách nước ngoài tham gia vào bất cứ sự kiện nào có sự góp mặt của ông Kim đều sẽ phải trải qua nhiều giờ kiểm tra an ninh và không được mang theo bất cứ thiết bị điện tử nào, kể cả điện thoại.

Bộ Tư lệnh Cảnh vệ Tối cao, đơn vị quân đội có nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho lãnh đạo Triều Tiên, là một cơ quan ưu tú thân cận với trung tâm quyền lực của Triều Tiên.

Ri Yong Guk, một lính Triều Tiên đào tẩu từng phục vụ trong đơn vị bảo an cho ông Kim Jong-Il, viết trong cuốn hồi ký năm 2013 rằng, có tới 6 vòng vệ sĩ bảo vệ cho lãnh đạo Triều Tiên trong các chuyến đi thị sát, dù là đơn vị quân đội, nông trại hay dây chuyền sản xuất.

"Đó là một trong những vỏ bọc an ninh chặt chẽ nhất thế giới, ngay cả một con kiến cũng khó lọt qua", ông Ri viết trong hồi ký.

Được biết, mức độ bảo an cho lãnh đạo Triều Tiên hiện nay còn chặt chẽ hơn. Trong cuộc diễu binh kỉ niệm 70 năm thành lập quân đội hồi tháng 2, có sự xuất hiện của 3 lực lượng an ninh khác nhau, cùng đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho ông Kim.

Theo tờ Asahi Shimbun (Nhật Bản), năm 2017, ông Kim Jong-un đã thuê khoảng 10 cựu điệp viên chống khủng bố từng hoạt động trong lực lượng tình báo KGB (của Liên Xô) để huấn luyện cho vệ sĩ của mình cách phát hiện và đáp trả các cuộc tấn công khủng bố.

Các cựu điệp viên này có vai trò như "cố vấn quân sự" giúp lực lượng an ninh của Triều Tiên tăng cường khả năng bảo vệ lãnh đạo Kim Jong-un trước các âm mưu ám sát.

Bộ Tư lệnh Cảnh vệ Tối cao chịu trách nhiệm cho sự an toàn của ông Kim Jong-un, gia đình của ông và nhiều quan chức cấp cao của Triều Tiên, đồng thời đảm bảo an ninh cho một số tòa nhà chính phủ quan trọng và các nhà máy vũ khí.

Ngoài nhiệm vụ vệ sĩ, nhân viên của cơ quan này còn đảm nhiệm một số công tác như vận chuyển tài liệu, hỗ trợ công nghệ thông tin và xây dựng, bảo dưỡng hạ tầng.

Mật vụ Mỹ: Lấy thân làm "khiên đỡ đạn"

Cơ quan Mật vụ Mỹ (USSS) nổi tiếng thế giới về năng lực bảo an siêu việt. Những nhân vật được bảo vệ cố định, như Tổng thống và Đệ nhất phu nhân Mỹ, có đặc vụ riêng. Tất cả các cựu Tổng thống Mỹ hiện nay đều được mật vụ Mỹ bảo vệ trọn đời.

Cựu mật vụ Mỹ Dan Bongino, người từng bảo vệ Tổng thống Barack Obama và George W. Bush kể rằng: "Họ huấn luyện để anh có thể "phình to". Điều đó có nghĩa là khi có nổ súng và mọi người đều né tránh thì anh phải khiến thân mình to hết mức có thể để cản đường của viên đạn".

Ông Bongino nhắc lại trường hợp của đặc vụ Tim McCarthy năm 1981 để làm ví dụ:

"Ông ấy giang rộng tay, chân, đẩy thân mình về phía viên đạn và lãnh lấy nó. Đó là thứ mà họ huấn luyện anh: Phình to. Anh không phải suy nghĩ về chuyện đó. Hãy nhìn McCarthy, ông ấy không nghĩ gì cả, cứ thế mà làm thôi".

Đọ dàn vệ sĩ người thép chạy bộ của ông Kim với đội đặc vụ lấy thân đỡ đạn của ông Trump - Ảnh 3.

Đặc vụ Tim McCarthy trong nỗ lực bảo vệ Tổng thống Mỹ. Ảnh: NBC news

Tim McCarthy là đặc vụ bảo vệ Tổng thống Mỹ Ronald Reagan vào ngày 30/3/1981, ngày mà John Hinckley Jr. bắn 6 phát từ khẩu súng 22 li. Ông McCarthy đã lao ra đỡ đạn cho Tổng thống Reagan.

Sau này khi được phóng viên hỏi: "Phản xạ tự nhiên của con người là tránh. Nhưng ông lại nhảy ra phía trước Tổng thống. Đó có phải là kết quả của quá trình huấn luyện hay không", McCarthy đã nói:

"Trong Cơ quan Mật vụ Mỹ, chúng tôi được huấn luyện để che chắn và sơ tán cho Tổng thống. Để che chắn, anh phải gồng mình lên ở mức lớn hết cỡ có thể chứ không phải nằm bẹp xuống sàn. Thế nên, tôi phải nói là, có thể chuyện đó không liên quan nhiều tới sự dũng cảm mà đa phần là phản ứng do luyện tập".

"Những đặc vụ giỏi mà tôi biết đều nhủ thầm trong đầu như thế này: Nếu có nổ súng, mình phải túm lấy Tổng thống, rẽ trái đi xuống sảnh. Nếu ai đó bắt tay quá mạnh, mình sẽ kéo ngón cái của họ ra. Bạn cứ nghĩ đi nghĩ lại như vậy để rồi khi sự việc xảy ra thì bạn chỉ cần làm thôi", Bongino nói.

Cựu mật vụ Mỹ cũng chia sẻ: "Chúng tôi ở đó không phải là để chiến đấu, mà là chạy trốn. Đây không phải cuộc thi "ai cơ bắp hơn". Chúng tôi ở đó là để đưa Tổng thống ra. Chúng tôi có đơn vị đảm nhận nhiệm vụ chiến đấu, nhưng không phải là đặc vụ bảo vệ Tổng thống. Đặc vụ chúng tôi ở đó là để chạy bởi chúng tôi phải giữ mạng sống cho Tổng thống".

Tổng thống Mỹ là "tối cao"

Đặc vụ Mỹ không chỉ bảo vệ Tổng thống Mỹ mà còn bảo vệ các quan chức cấp cao cũng như lãnh đạo nước ngoài. Theo Atlantic, mặc dù USSS thường nói rằng các nhân vật cấp cao được dành mọi nguồn lực vốn dùng để bảo vệ Tổng thống Mỹ nhưng điều đó không hề đúng.

Đặc vụ Bảo vệ Tổng thống Mỹ là tối cao. Khi đoàn xe của Tổng thống Mỹ đi qua, tất cả đều phải dừng lại, kể cả đoàn xe chở một lãnh đạo thế giới như trong cuộc họp Đại hội đồng năm 2009. Ở trong nước, vị này được đối xử gần như hoàng gia, tuy nhiên, khi rời khỏi trụ sở Liên Hợp Quốc, đoàn xe của ông đã bất ngờ bị chặn lại.

Ông này liền hỏi người đặc vụ đang lái xe: "Sao ta phải dừng lại?"

"Đó là Tổng thống Obama", người đặc vụ đáp lời, "Ông ấy đang rời khỏi khách sạn". Vị lãnh đạo trầm ngâm một lúc rồi nhún vai và ngả người vào ghế.

Đọ dàn vệ sĩ người thép chạy bộ của ông Kim với đội đặc vụ lấy thân đỡ đạn của ông Trump - Ảnh 4.

Đoàn xe hộ tống Tổng thống Obama tại Đức. Ảnh: Pete Souza

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thì không được điềm tĩnh như vậy. Một lần, đoàn xe của ông bị chặn khi đang tới gần khách sạn Sheraton. Đặc vụ USSS bảo vệ ông Erdogan đề nghị ông đợi cho tới khi đoàn xe của ông Obama đi qua nhưng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ không nghe.

Ông Erdogan mở cửa xe và các đặc vụ Thổ Nhĩ Kỳ có vũ trang bắt đầu ra khỏi ô tô. "Đừng làm thế!", người đặc vụ Mỹ nói. Tuy nhiên, đoàn tùy tùng của ông Erdogan đã tìm cách tiếp cận đoàn xe của ông Obama.

Không biết những người nước ngoài mang súng là ai, một đặc vụ trong nhóm bảo vệ Tổng thống Mỹ đã hét lên qua loa cầm tay. Chỉ trong vài phút, khoảng 10 đặc vụ Mỹ đã lao ra khỏi xe, rút súng và người Thổ Nhĩ Kỳ bị khống chế.

Cấp cứu 10 phút

Muốn trở thành Mật vụ Mỹ, bạn phải ở trong độ tuổi từ 21 đến 37, sở hữu bằng lái xe, có sức khỏe tốt và trải qua một quá trình điều tra lý lịch toàn diện. USSS cấm các nhân viên của mình có các dấu vết cơ thể nhìn thấy được (như hình xăm, nghệ thuật hình thể) ở đầu, mặt, cổ, tay và ngón tay.

Đọ dàn vệ sĩ người thép chạy bộ của ông Kim với đội đặc vụ lấy thân đỡ đạn của ông Trump - Ảnh 5.

Mật vụ Mỹ bảo vệ ông Trump. Ảnh: Reuters

Ngày nay, USSS đặc biệt quan tâm tới tuyển dụng các vận động viên đại học, đặc biệt là những người giỏi bóng đá, bóng rổ.

Các mật vụ Mỹ sẽ phải trải qua nhiều tháng huấn luyện chuyên sâu tại Trung tâm Huấn luyện Thi hành Luật Liên bang (FLETC) ở Glynco, Georgia và sau đó là 14 tuần tập huấn chuyên môn ở các cơ sở huấn luyện của USSS gần Washington, D.C.

Khoá huấn luyện gồm quy trình cảnh sát, sử dụng súng cầm tay, tập thể hình, tâm lý, quan hệ cộng đồng, luật hình sự, sơ cứu, luật bắt giữ, thu thập và khám xét, các kỹ thuật phòng vệ, quy định miễn trừ ngoại giao, các trình tự và hiệp ước quốc tế.

Các mật vụ Mỹ sẽ tiếp tục duy trì quá trình huấn luyện liên tục trong suốt sự nghiệp của mình. Những người được phân công nhiệm vụ bảo an cũng phải tham gia vào các tình huống tập huấn mô phỏng khủng hoảng.

Theo Jeffrey Robinson, đồng tác giả cuốn tự truyện của đặc vụ Joseph Petro, USSS phải đảm bảo các đặc vụ thông thạo "cấp cứu 10 phút", hoặc có khả năng làm tất cả những gì có thể để duy trì sự sống của Tổng thống Mỹ cho tới khi Tổng thống được chuyển cho các nhân viên y tế có chuyên môn.

Quá trình này cũng đã góp phần giữ được mạng sống cho cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan. Sau khi bị trúng đạn, ông Reagan nghĩ mình chỉ bị thương nhẹ ở mạng sườn và kế hoạch là đưa ông trở về Nhà Trắng, nơi được cho là an toàn nhất.

Tuy nhiên, khi ở trong xe, đặc vụ Jerry Parr lại để ý thấy máu đỏ có bọt chảy ra từ miệng Reagan - dấu hiệu cho thấy ông bị tổn thương ở phổi. Và Reagan được đưa tới bệnh viện. Tại đó các bác sĩ phát hiện ra phổi của Reagan đã bị đạn bắn trúng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại