5 lý do khiến truyền thông thế giới không lạc quan về kết quả Thượng đỉnh Mỹ - Triều

Nhà báo Kiều Tỉnh |

Hai nhà lãnh đạo này có cá tính rất mạnh mẽ và thất thường, có thể thay đổi trong giây lát, vì vậy mọi dự đoán đều có thể bị đảo lộn.

Ngày 10/6/2018, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã lên đường tới Singapore chuẩn bị cho gặp gỡ thượng đỉnh dự định vào lúc 09h00 (giờ địa phương) ngày 12/6/2018 tại Khách sạn Capella Hotel trên đảo Sentosa.

Hầu hết dư luận báo chí các nước đều cho rằng không mấy lạc quan về kết quả lần gặp đầu tiên này do những nguyên nhân sau:

1- Xét về lịch sử quan hệ cũng như thái độ, quan điểm và chính sách của hai nước kể từ "Đàm phán 6 bên" tới nay đều diễn biến rất thất thường, không bên nào giữ lời cam kết.

2- Chủ trương và quan điểm về một lộ trình cụ thể phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên của hai bên hiện nay còn cách xa nhau và chưa cụ thể. Hai kịch bản là "Giải quyết cả gói" hay "Theo từng giai đoạn" vẫn còn chưa ngã ngũ.

3- Quá trình diễn biến cho cuộc gặp gỡ thượng đỉnh này cũng rất thất thường kể từ khi hai bên đồng ý gặp gỡ từ tháng 3/2018 tới nay, lúc hủy bỏ, lúc nối lại.

4- Hai nhà lãnh đạo này có cá tính rất mạnh mẽ và thất thường, có thể thay đổi trong giây lát, vì vậy mọi dự đoán đều có thể bị đảo  lộn.

Khi đánh giá về Kim Jong Un, ông Trump cho biết: "Kim Jong Un là người có sức mạnh, khi ông ta lên nắm quyền đất nước này chỉ mới 26 - 27  tuổi, nắm trong tay rất nhiều tướng lĩnh tài ba. Sau đó, những biện pháp của  ông ta làm người ta khó tin nổi, như hôm nay thanh trừng ông chú rể, ngày mai bãi nhiệm người thân tín. Đây là quyền lực và cũng thể hiện sức mạnh. Kim Jong Un không làm theo cách thông thường như trước đây."

Còn Tổng thống Trump thay đổi rất thất thường, một minh chứng rõ nhất là ngày 9/6/2018, ông còn ca ngợi Thủ tướng Canada Justin Trudeau, nhưng ngày 10/6/2018 ngay khi ra về, ông đã phê phán mạnh mẽ ông Trudeau.

 5- Những mâu thuẫn từ nội bộ hai nước cũng rất phức tạp, nhất là nội bộ nước Mỹ giữa hai Đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Vì vậy dự kiến hồi kết của cuộc gặp thượng đỉnh này không mấy lạc quan.

Báo chí Mỹ cho biết Phó Tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố với Đảng Cộng Hòa rằng tất cả những cam kết trong Hiệp định đạt được với Kim Jong Un sẽ đệ trình lên Quốc hội, bất kỳ một thỏa thuận nào cũng phải có sự đồng ý quá bán của Thượng viện thì mới được phê chuẩn.

Trước đó Đảng Dân Chủ cảnh cáo ông Trump rằng nếu không nghiên cứu tham khảo những yêu cầu của họ, thì họ sẽ không ủng hộ việc dỡ bỏ trừng phạt đối với Triều Tiên. Đảng Dân Chủ yêu cầu Triều Tiên phải tiến hành phi hạt nhân hoa triệt để, từ bỏ "vũ khí hóa học và sinh học", chấm dứt việc sản xuất và làm giàu nguyên liệu hạt nhân và hiệp định thỏa thuận này phải mang tính vĩnh cửu.

Rõ ràng Bình Nhưỡng không thể chấp nhận những yêu cầu này của Đảng Dân Chủ. Nếu ông Trump thỏa hiệp với Triều Tiên sẽ bị chống đối mạnh mẽ ở trong nước.

Ông Trump thừa nhận rằng những người thuộc Đảng Dân chủ luôn lợi dụng những sơ hở của ông "nhằm thông qua bầu cử giữa nhiệm kỳ để họ lên nắm quyền và hạ bệ tôi."

Ông Trump trước đây cho rằng việc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với ba nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hơn là so với bờ tây Thái Bình Dương của Mỹ. Bởi vậy, một trong những điều kiện về tài trợ kinh tế đối với Triều Tiên sẽ do ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đảm nhiệm. Mỹ sẽ không tài trợ hoặc nếu có chỉ là tỉ lệ rất nhỏ. Điều này rất khó thực hiện.

Tin tức từ phía Mỹ cho biết cuộc gặp này có thể kéo dài 2 ngày và các quan chức Mỹ đang chuẩn bin cho kịch bản này, tuy nhiên các quan chức Mỹ cũng cho biết nếu đàm phán không thuận lợi thì ông Trump có thể kết thúc ngay. Hãng tin Bloomberg cho hay nguy cơ tan vỡ cũng rất lớn, thậm chí cuộc gặp chỉ diễn ra mấy phút.

Ông Trump cho biết ông sẽ không gây sức ép với Triều Tiên, nhưng ông vẫn khẳng định sức ép lớn nhất vẫn có hiệu quả tuyệt đối và ông có thể tiếp tục sử dụng sau gặp gỡ thượng đỉnh.

Khi rời Canada đi Singapore ngày 10/6/2018, ông Trump hình dung đây là "Sứ mệnh hòa bình" của ông trong cuộc gặp gỡ thượng đỉnh này, đồng thời cho rằng ông Kim Jong Un "chỉ có một cơ hội này để làm một việc tốt cho dân chúng của ông ta".

Tuy nhiên ông Trump cũng cho rằng "về ý nghĩa thực sự nào đó thì vẫn chưa biết ở lĩnh vực nào, nhưng tôi cảm thấy tin tưởng". Ông cho rằng ông rất nhanh chóng nhận biết được. Nếu tôi cho rằng không có kết quả tích cực thì tôi không lãng phí thời gian. Lần này tôi không muốn lãng phí thời gian."

5 lý do khiến truyền thông thế giới không lạc quan về kết quả Thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh 2.

Ông Trump từng nói: "Nếu như thương lượng tiến hành tốt, chúng tôi có thể đàm phán 2 ngày, cùng nhau dùng cơm. Thậm chí tôi có thể mời ông Kim tới thăm Mỹ, tới làm khách tại trang viên cá nhân của tôi, cùng nhau chơi Golf, cùng nhau thương lượng vấn đề từ bỏ hạt nhân mang tính giai đoạn, hoặc có thể trong mùa thu năm nay, mời ông ấy tới trang viên của tôi ở California, đây cũng là nơi tôi tiếp đón Chủ tịch Tập Cận Bình. Đương nhiên, nếu như đàm phán thương lượng tiến triển không tốt, tôi có khả năng kết thúc sớm cuộc gặp gỡ này."

Ông cũng cho rằng "Tôi và ông Kim Jong Un không chỉ có một lần gặp gỡ mà có thể tiến hành 2, 3, 4, 5 lần gặp gỡ."

Ngoài ra, dư luận cho rằng những yếu tố bên ngoài, như "Yếu tố Trung Quốc" cũng rất quan trọng, ngay từ khi lên nắm quyền, ông Trump lớn tiếng cho rằng Mỹ có thể tự mình giải quyết vấn đề Triều Tiên mà không cần sự trợ giúp của Trung Quốc, tuy nhiên thời gian qua cho thấy nhân tố Trung Quốc đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy ông Kim Jong Un tới bàn đàm phán và sẽ tiếp tục tác động để cuộc gặp gỡ này không phải là một "kịch bản tồi"./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại