Trái đất của chúng ta có tổng cộng bao nhiêu "loài" sinh vật ? Nhắc lại là "số lượng loài", chứ không phải số lượng các sinh vật trên Trái đất đâu nhé.
Đây thực chất cũng là câu hỏi khiến giới khoa học phải trăn trở trong hàng thế kỷ. Bạn nghĩ con số sẽ là bao nhiêu nhỉ? Hàng triệu, chục triệu, trăm triệu, hay... vài tỉ?
Câu trả lời là hơn 1 ngàn tỉ loài! Đây là kết quả từ nghiên cứu mới nhất do ĐH Indiana (Mỹ) thực hiện, đồng thời cũng là nghiên cứu lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực này của con người.
Và điều này cũng chứng minh rằng hiện con người mới xác định được một phần rất nhỏ trong số các loài vật đang tồn tại trên Trái đất này - chỉ 5,6 triệu loài bao gồm cả các loài vi sinh vật, tức là chỉ chiếm khoảng 0,001%.
Theo Jay T.Lennon - một trong những nhà nghiên cứu thuộc ĐH Indiana:
"Việc xác định được số lượng loài trên Trái đất vẫn luôn là thách thức rất lớn của khoa học. Nghiên cứu của chúng tôi sử dụng gần như tất cả số liệu sinh học hiện nay để xác định đa dạng sinh học của hành tinh".
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm cách tính số lượng loài trên Trái đất. Tuy nhiên, các phương pháp cũ chỉ dựa trên mẫu đa dạng sinh học cá biệt nhằm đánh giá số lượng loài.
Với công nghệ xác định trình tự gene mới, chúng ta đã có thêm rất nhiều thông tin về đa dạng sinh học, cho phép đưa ra một con số chính xác hơn.
Nhờ nó, các nhà khoa học đã có thể dự đoán có bao nhiêu loài vật chưa được xác định vẫn đang tồn tại trong cùng môi trường sống.
Lenon cho biết: "Theo tính toán của chúng tôi, số lượng sinh vật có trên Trái đất còn nhiều hơn sao trời. Và phát hiện này có thể dẫn đến một sự thay đổi rất lớn về nhận thức của con người, thậm chí sách giáo khoa cũng cần được viết lại".
Nghiên cứu được công bố trên Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (Mỹ).
Nguồn: Science Alert