Khi đang trong một tàu ngầm để điều tra sự đa dạng sinh học của một ngọn núi dưới đáy biển - Hannibal Bank, vốn được biết đến như một “điểm nóng” của hệ sinh thái, các nhà khoa học đã được chứng kiến một cảnh tượng “hiếm có khó tìm” ở độ sâu 355-385 m.
Vị trí của Hannibal Bank trên bản đồ.
Hàng nghìn sinh vật đỏ ồ ạt tấn công bên sườn phía tây bắc của ngọn núi biển, với mật độ dày đặc, khoảng 78 con/m2.
Hình ảnh hàng nghìn con cua đỏ tấn công vùng biển ngoài khơi của bờ biển Panama vào tháng Tư năm 2015.
Sau khi phân tích ADN, các nhà khoa học đã xác định đó là một loài cua đỏ có tên Pleuroncodes planipes. Loài cua này có màu đỏ cam, mai lớn, vỏ ngoài cứng và dài khoảng 3,3 cm.
Những con cua đỏ chủ yếu “đóng đô” ở vùng biển Baja (California) - ngoài khơi bờ biển phía tây bắc của Mexico, và dọc Hải lưu California.
Tuy nhiên, chúng có thể sẽ xuất hiện nhiều ở bờ biển phía nam và trung tâm California khi vùng biển Tây Thái Bình Dương ấm hơn mức bình thường và gây ra hiện tượng El Niño.
Giáo sư sinh vật học Jesús Pineda của Viện Hải dương học Woods Hole – WHOI (Mỹ), người dẫn đầu nhóm nghiên cứu khẳng định, loài cua này chưa bao giờ tiến xa để “xâm lược” phía nam.
Ông Pineda nói với báo chí:
“Khi tàu ngầm của chúng tôi dần tiến về phía đáy biển, chúng tôi nhận thấy nước bỗng trở nên u ám hơn, đục ngầu. Và chúng tôi không thể nhìn thấy gì ngoài lớp đục này, cũng không thể giải thích nguyên nhân tại sao.
Ban đầu, chúng tôi nghĩ rằng chúng là đá hoặc những kiến trúc hữu cơ; nhưng khi nhìn thấy chúng di chuyển – bò “lổm ngổm” giống như côn trùng – Chúng tôi không thể tin vào mắt mình nữa”.
Các nhà khoa học bất ngờ khi chứng kiến đoàn sinh vật đỏ tấn công núi biển.
“Chứng kiến một loài sinh vật duy nhất với số lượng quá “đông đảo và hung hãn” là một hiện tượng bất thường”, ông Pineda khẳng định.
Ông cũng nói thêm, loài sinh vật này thường xuất hiện tại vùng nước nông. Chúng có thể sống tại khu vực nghèo oxy để tránh kẻ săn mồi.
Hiện tượng những con cua này “nhuộm” đỏ sườn núi biển được các nhà khoa học ghi nhận xảy ra vào tháng Tư năm 2015.
Một năm sau, hàng loạt con cua mắc cạn trên bãi biển San Diego, và mẫu gen đã xác nhận rằng chúng cùng loài Pleuroncodes planipes ở Hannibal Bank.
Điều này cho thấy rằng loài cua đỏ Pleuroncodes planipes rất có thể đã mở rộng địa bàn hoạt động, đang tiến đến “lấn chiếm” phía nam, các nhà nghiên cứu cho biết.
Hơn nữa, các ngọn núi biển vốn được biến đến là nơi “lưu trữ” sự đa dạng sinh học, ít được biết đến là môi trường sống của các loài động vật hoang dã.
Hình ảnh những con cua đỏ làm náo loạn một vùng biển Thái Bình Dương.
Và cảnh tượng ‘đội quân đỏ’ đang tấn công núi biển có thể giúp các nhà khoa học phát hiện thêm nhiều loại sinh vật khác sống trong quần thể động vật này, đồng thời, cho biết các nghiên cứu mới trong tương lai về sự tương tác giữa các loài, các nhà nghiên cứu cho biết.
Phát hiện này được công bố vào ngày 12 tháng 4 trên tạp chí PeerJ.