Mặc dù nội dung và độ tin cậy của các tài liệu này vẫn bị hoài nghi nhưng có một thực tế Ukraine không thể bỏ qua là sự cấp thiết phải bổ sung các tên lửa phòng không cũng như thay thế các loại vũ khí có từ thời Liên Xô bằng các loại vũ khí tiên tiến của phương Tây.
Trong trường hợp tính xác thực của các tài liệu bị rò rỉ được công nhận, thì điều này cho thấy rủi ro lớn với Ukraine nếu Nga có cơ hội cơ hội thực hiện các hoạt động tấn công bằng máy bay chiến đấu vào sâu trong lãnh thổ Ukraine.
Khi đó, các mục tiêu ở Ukraine sẽ dễ dàng bị phá hủy do các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga. Những thông tin được tiết lộ nêu bật sự thiếu cân bằng về sức mạnh không quân giữa hai nước và nhấn mạnh sự cần thiết của việc phương Tây phải duy trì viện trợ quân sự cho Ukraine trong một cuộc chiến lâu dài hơn.
The Drive cho biết, trong số các tài liệu bị rò rỉ, có một tài liệu quan trọng liên quan đến dự trữ tên lửa phòng không của Ukraine, cung cấp cái nhìn tổng quan về tỷ lệ sử dụng tên lửa của Ukraine cũng như dự đoán thời gian cạn kiệt các loại tên lửa này.
Tài liệu dự đoán, các hệ thống phòng không của Ukraine được sử dụng để bảo vệ quân đội ở tiền tuyến sẽ "suy giảm hoạt động hoàn toàn" vào ngày 23/5. Nếu điều này xảy ra, lực lượng không quân của Nga sẽ ít gặp trở ngại hơn khi hoạt động trên chiến trường, trong khi đó, quân đội Ukraine sẽ gặp nhiều rủi ro.
Một khi vượt qua được hệ thống phòng không đặt trên mặt đất của đối phương, máy bay Nga có thể tiến xa hơn về phía Tây, dễ dàng tấn công các thành phố và cơ sở quân sự, trong đó có cả căn cứ không quân và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác.
Khi hệ thống phòng không của Ukraine bị xói mòn, Nga có khả năng khắc phục tốt hơn những thách thức mà nước này đang phải đối mặt, chẳng hạn như sự sụt giảm nguồn cung vũ khí tầm xa.
Các loại vũ khí này không chỉ có giá thành cao mà còn rất khó sản xuất do thiếu linh kiện và trang thiết bị sau khi phương Tây các biện pháp trừng phạt mạnh tay của phương Tây đối với Nga. Vì thế Moscow sẽ gặp nhiều khó khăn khi muốn bổ sung chúng vào kho dự trữ.
Nếu không quân Nga có nhiều cơ hội hành động hơn do hệ thống phòng không của đối phương suy yếu, họ có thể tăng cường sử dụng vũ khí tầm ngắn. Trong trường hợp dự đoán của Lầu Năm Góc về kho dự trữ tên lửa của Ukraine trở thành sự thật, toàn bộ bức tranh về cuộc chiến trên không sẽ thay đổi đáng kể.
Tổ hợp tên lửa phòng không S-300. (Ảnh: RIA Novosti)
Nguy cơ đặt ra với Ukraine
Đến thời điểm hiện tại, cả Nga và Ukraine vẫn chưa giành được quyền kiểm soát bầu trời. Sau giai đoạn đầu của cuộc xung đột, máy bay chiến đấu và trực thăng của Nga đã hoạt động thận trọng hơn trước sự kháng cự quyết liệt của lực lượng phòng không Ukraine.
Các máy bay chiến đấu của Nga, với cảm biến và vũ khí hiện đại hơn so với đối phương, có xu hướng hoạt động bên ngoài không phận Ukraine và tận dụng mọi cơ hội để bắn tên lửa tầm xa.
Theo tài liệu bị rò rỉ, các hệ thống phòng không S-300 và Buk có từ thời Liên Xô chiếm 89% khả năng phòng không tầm trung và tầm xa của Ukraine, tính đến ngày 28/2. Nếu Kiev cạn kiệt các loại tên lửa chuyên dụng dành cho chúng, những hệ thống này có khả năng bị tê liệt.
Trong khi đó, các hệ thống phòng không mà phương Tây đã và đang chuyển giao cho Ukraine không có sẵn với số lượng lớn và chúng chủ yếu được sử dụng để bảo vệ các khu vực quan trọng như thủ đô Kiev, hoặc các trung tâm đầu não.
Khi xung đột bắt đầu diễn ra, Ukraine có khoảng 250 bệ phóng các loại dành cho tên lửa đất đối không tầm xa (SAM) S-300P (SA-10 Grumble) và một số lượng nhỏ tên lửa dành cho tổ hợp phòng không S-300V1.
Không một nước thành viên NATO nào sử dụng tổ hợp S-300V, vì thế NATO không có khả năng chuyển giao cho Ukraine loại tên lửa này.
Còn S-300P vẫn được một số ít quốc gia sử dụng. Bulgaria có một hệ thống S-300PMU hoàn chỉnh, trong khi Hy Lạp có 12 phiên bản S-300PMU-1 cải tiến. Với số lượng ít ỏi như vậy, sớm hay muộn kho dự trữ tên lửa S-300 dành cho Ukraine cũng sẽ bị cạn kiệt.
Vấn đề tương tự cũng xảy ra với hệ thống phòng tên lửa đất đối không tầm trung di động Buk. Ở giai đoạn đầu xung đột, Ukraine có 72 hệ thống Buk-M1.
Hiện không có quốc gia nào trong NATO sử dụng hệ thống này. Phần Lan – quốc gia vừa gia nhập NATO, trước đây từng vận hành Buk nhưng sau đó đã loại bỏ toàn bộ hệ thống.
Không thể cung cấp cho Ukraine các hệ thống Buk hoặc tên lửa chuyên dụng danh cho chúng, Mỹ đã đồng ý chuyển giao tên lửa RIM-7 Sparrow được cho là tương thích với các hệ thống Buk của Ukraine.
Nhưng không rõ quá trình tích hợp tên lửa tiêu chuẩn NATO vào hệ thống có từ thời Liên Xô này sẽ mất bao lâu và liệu sự kết hợp này có mang lại hiệu quả hay không?
Phương Tây đã chuyển giao rất nhiều hệ thống phòng không tiên tiến cho Ukraine như hệ thống IRIS-T SLM của Đức, hệ thống Crotale NG của Pháp, hệ thống MIM-23 HAWK của Mỹ, Aspide 2000 của Tây Ban Nha và SkyGuard Aspide/Spada của Italy.
Tuy vậy, việc tiếp các hệ thống phòng không khác nhau từ nhiều nguồn khác nhau đã khiến Ukraine gặp nhiều khó khăn trong quá trình vận hành, bảo trì.
Dù đã sở hữu nhiều hệ thống phòng không tiên tiến của phương Tây, nhưng Ukraine vẫn có tương đối ít máy bay chiến đấu. Trong khi đó, Nga có khả năng không đối không vượt trội hơn nhiều so với đối phương.
Khi máy bay chiến đấu của Nga tiến sâu hơn vào không phận Ukraine, nhiều khả năng sẽ xảy ra một cuộc cận chiến trên không giữa máy bay chiến đấu của hai bên, và phía Ukraine có thế gặp bất lợi.
Tóm lại, nếu các nỗ lực củng cố hệ thống phòng không của Ukraine thất bại, không quân Nga sẽ có nhiều cơ hội giành ưu thế trên không hơn, hoặc ít nhất là có thể hoạt động lâu hơn tại một số khu vực nhất định mà Kiev đang kiểm soát.
Khi tình hình trên chiến trường đang bế tắc, việc giành ưu thế trên không sẽ có thể làm thay đổi cục diện xung đột.