Hệ thống Patriot chính thức đến tay Ukraine được ông Oleksii Reznikov, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine xác nhận trong thông báo hôm 19/4: "Ngày hôm nay bầu trời Ukraine xinh đẹp của chúng ta trở nên an toàn hơn vì hệ thống phòng không Patriot do phương Tây cung cấp đã đến Ukraine".
Tổ hợp Patriot Ukraine vừa tiếp nhận từ Đức chứ không phải do Mỹ cung cấp. Theo bộ trưởng Reznikov, khẩu đội này bao gồm 8 bệ phóng được nạp 4 tên lửa mỗi bệ.
Những bệ phóng này là sự kết hợp giữa những tên lửa đánh chặn đạn đạo có tầm bắn từ 30 - 60km và tên lửa đánh chặn với đầu đạn phân mảnh để đối phó với nhiều loại mục tiêu khác có tầm bắn hiệu quả tới 160km.
Vị bộ trưởng Ukraine tiết lộ thêm rằng, hệ thống Patriot đã được chuyển giao cho Ukraine cùng với một loạt vũ khí và trang thiết bị khác như 18 xe tăng chủ chiến Leopard 2A cùng đạn, 40 xe chiến đấu bộ binh MARDER cùng đạn, 2 xe tăng quét mìn WINSENT, 34 máy bay không người lái trinh sát…
Trong tuần này, Ukraine cũng đã nhận được từ Đức 76 xe tải Zetros, 42 hệ thống ăng ten di động, 83.520 quả đạn 40mm, 4 xe thiết giáp DACHS và 124 phương tiện đặc biệt khác để tăng cường bảo vệ biên giới…
Ngay trước khi Ukraine xác nhận đã có Patriot, Tổng thống Nga Putin nói Moscow luôn có "thuốc trị độc" đối phó hệ thống Patriot.
"Những bên đối địch với Nga đã quyết định chuyển giao tên lửa Patriot cho Ukraine với lý do nó là vũ khí phòng thủ. Chúng ta sẽ ghi nhớ điều đó, cũng như luôn có thuốc trị độc với chúng", Tổng thống Vladimir Putin nói.
Tổng thống Nga cho rằng Đức, Mỹ và một số nước phương Tây chuyển tên lửa Patriot cho Kiev là điều vô ích và chỉ càng kéo dài xung đột.
"Hãy để họ chuyển Patriot đến Ukraine, chúng ta sẽ xử lý nó", ông chủ Điện Kremlin nói thêm.
Đại tá David Shank thuộc lực lượng phòng thủ Mỹ cũng thừa nhận, tổ hợp Patriot sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn khi được triển khai tại môi trường tác chiến phức tạp như Ukraine. Bởi hiện tại, Nga đang sở hữu nhiều loại vũ khí có thể đối phó với Patriot.
"Tên lửa diệt radar sẽ là một trong những vũ khí chính để Nga có thể đối phó với Patriot. Radar bị phá hủy sẽ khiến hệ thống này trở nên vô dụng", Đại tá Shank nói.
Phi đội tiêm kích đa năng như Su-30SM và Su-35S Nga tham chiến tại Ukraine thường xuất kích với tên lửa diệt radar Kh-31P có tầm bắn 110km. Phiên bản nâng cấp Kh-31PD/PM có tầm bắn 260km và đầu dò thụ động phổ rộng, có thể phát hiện và bám bắt tín hiệu từ nhiều loại đài radar khác nhau.
Điều khiến Kh-31 trở nên nguy hiểm là bởi chúng dùng tầng đẩy sơ cấp để đạt tốc độ vượt âm, sau đó kích hoạt động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet) để duy trì vận tốc siêu thanh trên toàn hành trình. Phiên bản Kh-31P thường bay ở độ cao lớn để bám theo tín hiệu radar đối phương, cho phép nó đạt tốc độ hơn 4.300km/h.
Những tên lửa Kh-31 được coi là một trong những vũ khí chiến thuật nguy hiểm nhất đối với các khẩu đội Patriot và tàu chiến Mỹ, buộc Washington tìm phương án đối phó.
Hình ảnh được cho là hệ thống Patriot tại Ukraine.
Lầu Năm Góc hồi thập niên 1990 phải tìm mọi cách mua mục tiêu bay MA-31 được Nga phát triển từ nền tảng Kh-31, sau khi hàng loạt dự án phát triển mục tiêu bay có tốc độ cao và tính năng tương đồng loại vũ khí này lần lượt thất bại.
Quân đội Nga cũng sở hữu nhiều loại tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái (UAV) tự sát có thể được sử dụng trong đòn đánh phối hợp nhắm vào trận địa Patriot, vốn được triển khai trên diện tích 100ha và không thể thay đổi vị trí trong thời gian ngắn.
Khi lực lượng tình báo, trinh sát và do thám (ISR) Nga phát hiện trận địa Patriot trên lãnh thổ Ukraine, quân đội nước này sẽ ưu tiên tung đòn tập kích, mở màn bằng các loại UAV tự sát có tầm hoạt động hàng nghìn km và rất khó bị đánh chặn.
UAV tự sát được thiết kế để dùng một lần trong đòn tập kích vào phía sau phòng tuyến đối phương. Loại vũ khí này có kích thước nhỏ, trọng lượng nhẹ và dễ dàng triển khai. Chúng rất khó bị các hệ thống radar, cảm biến phát hiện và có thể xuất phát từ khoảng cách xa, tạo ra thách thức rất lớn với các hệ thống phòng không Ukraine.
Quân đội Ukraine và tình báo Mỹ cho rằng Nga đang sử dụng UAV tự sát Shahed-136 do Iran sản xuất, với khả năng tập kích mục tiêu từ khoảng cách 2.000-2.500km, mang theo đầu đạn nặng 40 kg với tốc độ bay tối đa 185km/h.
Những UAV tự sát có giá 20.000 USD này có thể được phóng với loạt lớn, làm quá tải hệ thống phòng không của Ukraine. Quân đội Ukraine khó phóng những quả đạn trị giá 4 triệu USD trong tổ hợp Patriot để đánh chặn, mà phải dựa vào các hệ thống phòng không tầm thấp để đối phó UAV.
Sau đòn đánh bầy UAV, Nga nhiều khả năng sẽ tiếp nối đòn tập kích bằng lượng lớn tên lửa hành trình, gồm Kalibr phóng từ tàu chiến, Iskander-K và P-800 Oniks triển khai từ bệ phóng mặt đất, tên lửa hành trình tầm xa Kh-22 và Kh-101 phóng từ oanh tạc cơ chiến lược, cũng như tên lửa đối đất chiến thuật Kh-59 với tầm bắn 115-285 km tùy phiên bản.
Các tên lửa đạn đạo chiến thuật cũng có thể được sử dụng để tung đòn quyết định vào trận địa Patriot. "Nga có thể tung đòn tấn công cường độ lớn, sử dụng nhiều loại vũ khí từ nhiều hướng để gây quá tải cho hoạt động phòng thủ của tổ hợp Patriot", ông Shank cho biết.
Điều này được thể hiện trong cuộc tấn công vào thủ đô Kiev và hàng loạt thành phố trên lãnh thổ Ukraine hồi cuối năm 2022, khi tổng tư lệnh quân đội Ukraine Valeriy Zaluzhny cho biết Nga đã phóng 72 tên lửa Kalibr, Kh-101 và Kh-22, cùng 4 quả Kh-59 và Kh-31P để chế áp các trận địa phòng không bị lộ vị trí khi tham gia đánh chặn.
Từ khi ra mắt năm 1984, hệ thống Patriot đã được triển khai trên khắp châu Âu và Trung Đông, từng bắn hạ hơn 100 tên lửa đạn đạo trong các chiến dịch quân sự. Tuy nhiên, Patriot sẽ đối mặt với màn thử lửa thực sự nếu Nga tung ra các loại "thuốc trị độc" mà Tổng thống Putin đề cập.