CH-47 Chinook là trực thăng vận tải hạng nặng do Boeing Integrated Defense Systems thiết kế và chế tạo, nó thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 21/9/1961, chính thức được giới thiệu năm 1962 và đã có 1.179 chiếc xuất xưởng.
Công năng của máy bay này là chuyển quân, chuyển vũ khí hạng nặng và hỗ trợ hậu cần cho chiến trường. CH-47 được điều khiển bởi kíp lái 4 người; chiều dài 30,1 m; đường kính rotor 18,3 m; chiều cao 5,7 m; trọng lượng rỗng 11.148 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 22.680 kg.
Hai động cơ Lycoming T55-GA-714A công suất 4.733 mã lực (3.529 kW) cho tốc độ tối đa 315 km/h, trần bay 6.100 m, tầm bay chuyển sân 2.252 km; tốc độ leo cao 7,73 m/s, tải trọng tối đa mang được lên tới 12.700 kg hoặc 55 binh sĩ.
Trực thăng vận tải CH-47 Chinook
Trong đoạn video dưới đây, một chiếc CH-47 đã được mang ra để thử nghiệm "Cộng hưởng mặt đất".
Đó là hiện tượng gây ra sự mất cân bằng trong vòng quay của rotor trực thăng, khi các lưỡi cánh quạt bị chụm lại một bên mặt phẳng quay và gây ra dao động cùng tần số với tác động của máy bay lên càng đáp đang ở trên mặt đất.
Hiệu ứng này tương tự như quần áo trong máy giặt bị dồn về một phía do lực ly tâm, nó xảy ra khi bộ phận hạ cánh bị giữ lại không cho di chuyển trên mặt phẳng nằm ngang, điều này có thể gây ra tác hại cực lớn.
Trong điều kiện khắc nghiệt, cú sốc ban đầu sẽ gây dao động dữ dội, dẫn đến phá hủy kết cấu của khung máy bay, ví dụ như tại phần thân, thùng nhiên liệu hay động cơ, ngay cả khi rotor vẫn đang hoạt động ở tốc độ thông thường.
Trực thăng CH-47 Chinook thử nghiệm "cộng hưởng mặt đất"
Chiếc CH-47 Chinook trong thử nghiệm trên với góc nhìn ngang
Các trực thăng hiện đại khắc phục hiện tượng này bằng cách bổ sung bộ giảm chấn trên lưỡi cánh quạt cũng như trên một vài thiết bị liên quan khác.
Mặc dù vẫn có thể xảy ra nhưng cộng hưởng mặt đất ít khi xuất hiện trên trực thăng sử dụng bánh đáp, mà chủ yếu là loại dùng càng như UH-1 hay AH-1, giải pháp khẩn cấp là nhanh chóng nâng máy bay lên để tránh dao động cùng tần số.