Kỳ cuối: Đóng góp lớn của Garbo
Garcia rời Tây Ban Nha và thông báo với các đặc vụ Đức rằng ông đã tới London thành công, nhưng thực tế, ông đã ở rất gần quê nhà vì ông đã di chuyển tới Lisbon (Bồ Đào Nha).
Đây là nơi mà sự sáng tạo và trí tưởng tượng của Garci thực sự được phát huy. Sử dụng sách hướng dẫn bằng tiếng Tây Ban Nha dành cho khách du lịch, tạp chí và lịch trình tàu chạy, Garcia đã vẽ ra toàn bộ cuộc đời của mình ở Anh.
Không chỉ Đức quốc xã mắc mưu mà cả người Anh (sau khi chặn được một số báo cáo của Garcia) cũng bắt đầu truy lùng điệp viên này ở Anh khi mà ông còn thậm chí không ở đó.
Tomás Harris, người phụ trách Garcia ở MI5. Ảnh: warhistoryonline
Người Anh sớm nhận ra Garcia không thể nào ở nước mình và các báo cáo này do ông bịa ra.
Trong các báo cáo, Garcia mô tả những đơn vị quân đội, những động thái của binh lính và kế hoạch quân sự không hề tồn tại. Ông cũng mắc vô số lỗi cơ bản về cuộc sống ở Anh.
Tuy nhiên, người Đức tin rằng Garcia nói thật. Garcia giải thích lý do thư từ của mình đều được đóng dấu ở Bồ Đào Nha là vì một trong 27 điệp viên của ông là một phi công thường xuyên bay qua lại giữa London và Lisbon và phi công này sẽ lén mang thư của Garcia và gửi chứng từ Bồ Đào Nha.
Ngoài ra, Garcia cũng dùng tin tức trên báo để bổ sung thêm thông tin thật vào thư gửi người Đức. Người Anh sớm nhận ra Garcia có thể đóng một vai trò rất giá trị trong chiến tranh, đặc biệt là khi Garcia thông báo cho người Đức rằng có một hạm đội tàu Anh đang ở Malta trong khi hạm đội tàu này không hề tồn tại.
Phía Đức đã huy động lực lượng lớn để đối phó với hạm tàu tưởng tượng trên. Khi họ phát hiện ra không có dấu vết tàu Anh nào ở đó, Garcia đã giải thích thuyết phục và vẫn được người Đức tin cậy.
Sau sự việc này, người Anh đã đưa Garcia và gia đình tới Anh, cấp cho ông một số tiền hào phóng và cử một đặc vụ tình báo nói tiếng Tây Ban Nha hỗ trợ ông thực hiện nhiệm vụ. Khi đã ở trong tình báo quân đội Anh, Garcia đã có thể tận dụng tối đa trí tưởng tượng. Người Anh cung cấp thông tin giả cho Garcia chuyển tới người Đức.
Cơ quan tình báo Anh MI5 đã hỗ trợ để giúp báo cáo của Garcia đáng tin cậy hơn. Khi người Đức bắt đầu nghi ngờ về những thông tin do Garcia cung cấp vì chúng thường sai hoàn toàn hoặc gửi quá muộn, ông sẽ giải thích là một điệp viên của mình bị MI5 bắt hoặc ám sát.
MI5 sau đó sẽ cho đăng cáo phó của các điệp viên giả này trên báo chí Anh để khiến người Đức tin tưởng Garcia.
Công việc đáng giá nhất mà Garcia đã làm là trước sự kiện D-Day, ngày quân Đồng minh đổ bộ vào bờ biển Normandy của Pháp để tấn công quân Đức. Là một nhân tố chính trong chiến dịch tình báo Fortitude, Garcia tìm cách thuyết phục Bộ Chỉ huy tối cao Đức rằng đa số lực lượng Đồng minh sẽ không đổ bộ vào Normandy mà đổ bộ vào Pas de Calais.
Binh lính, xe tăng và thiết bị tham gia cuộc lật đổ Đức quốc xã ở châu Âu tới bờ biển Normandy sau ngày D-Day. Ảnh: Wikimedia Commons
Để khiến người Đức tin tưởng, Garcia nói với họ chờ một tin nhắn quan trọng lúc 3 giờ sáng. Tin nhắn này được thiết kế để cung cấp cho quân Đức về mục tiêu thực sự của quân Đồng minh nhưng thời điểm cung cấp thông tin sẽ là muộn nên người Đức không thể ngăn chặn cuộc đổ bộ.
May mắn với Garcia là phía Đức không có ai tới để tiếp nhận thông tin lúc 3 giờ sáng và mãi tới sáng muộn hôm đó mới phản ứng. Garcia đã chỉ trích phía Đức vì bỏ lỡ thông tin quan trọng. Ông nói: “Tôi không thể chấp nhận lời viện cớ hoặc tắc trách. Nếu không vì lý tưởng, tôi sẽ bỏ công việc này”.
Sau sự việc, Garcia càng được người Đức tin cậy. Nhờ đó, ông đã thành công khi thuyết phục quân Đức tin vào sự tồn tại của “Tập đoàn Quân đội Mỹ số 1” – một đội quân tưởng tượng gồm 150.000 binh lính mà Garcia nói là sẽ do Tướng Patton chỉ huy.
Không thể tưởng tượng được là Hitler lại tin vào những gì Garcia bịa đặt. Một lý do khiến Hitler tin ngay là do MI5 đã tung tin giả mạo qua sóng vô tuyến, nói về một lực lượng Mỹ khổng lồ đang đồn trú ở miền Nam nước Anh.
Do đó, Hitler đã không huy động toàn lực lượng tại bờ biển Normandy để đối phó với quân Đồng minh vì theo lời Garcia, cuộc đổ bộ ở Normandy chỉ là đánh lạc hướng.
Ngay cả sau khi lực lượng Đồng minh đổ bộ vào Normandy, Garcia vẫn tiếp tục cung cấp tin giả cho Đức quốc xã về cuộc đổ bộ chính dự kiến diễn ra ở Pas de Calais.
Cách cung cấp thông tin giả chuyên nghiệp của Garcia cho quân Đức đã đóng vai trò quan trọng khó tin trong thành công của cuộc đổ bộ. Cuộc đổ bộ này cuối cùng đã lật ngược thế cờ trong cuộc chiến.
Quân Đức vẫn tin tưởng danh tính của Garcia và ông đã được trao huân chương Chữ Thập sắt vì phục vụ người Đức. Trong khi đó, người Anh vừa trao cho Garcia huân chương MBE. Nhờ đó, Garcia là người duy nhất từng nhận được cả hai phần thưởng cao quý này.
Sau chiến tranh, sợ người Đức trả thù, Garcia đã giả chết năm 1949 và chuyển tới Venezuela sống. Tại đây, ông sống một cuộc đời ẩn danh yên bình và mở một cửa hàng sách. Những gì ông làm vẫn được giữ bí mật suốt nhiều năm. Trong những năm 1980, ông được mời tới London và được gặp Hoàng tử Phillip. Ông qua đời trong bình yên năm 1988.
Nếu câu chuyện của điệp viên Garcia có thể dạy cho chúng ta một điều gì đó, thì đó chính là bài học rằng bất kỳ cá nhân nào nếu nhiệt huyết thì cho dù xuất thân bình thường, không tài năng đặc biệt, họ cũng có thể thay đổi bánh xe lịch sử, miễn là họ tận tâm với sự nghiệp mình theo đuổi và không bao giờ bỏ cuộc.
https://baotintuc.vn/ho-so/diep-vien-hai-mang-huyen-thoai-trong-chien-tranh-the-gioi-thu-2-ky-cuoi-20190730110121453.htm