Tổng thống Nam Tư Josip Broz Tito (trái) gặp "Đại sứ Costa Rica" Iosif Grigulevich tại Nam Tư. Ảnh: Russia Beyond
Ngày 25/4/1953, Tổng thống Nam Tư Josip Broz Tito đã gặp mặt Đại sứ Costa Rica mới được bổ nhiệm trong Bạch cung ở Belgrade sau buổi lễ trình ủy nhiệm thư chính thức.
Tờ Russia Beyond (Nga) cho biết Tổng thống Tito không hề biết rằng vị đại sứ đứng ngay cạnh ông thực chất là một điệp viên Liên Xô.
Ông Iosif Grigulevich được coi là một trong những điệp viên tài năng của tình báo Liên Xô, đồng thời là một nhà văn và học giả quan tâm tới lĩnh vực lịch sử. Ngoài ra, ông còn được đánh giá là nhà ngoại giao, viện sĩ nổi bật và sát thủ tàn nhẫn. Đây là những đặc điểm hiếm khi cùng hội tụ trong một con người.
Cơ duyên với tình báo Liên Xô
Ông Grigulevich sinh năm 1913 tại Litva. Ông lớn lên trong cộng đồng người Do thái Karaite. Khi còn trẻ, ông ủng hộ những tư tưởng cấp tiến của chủ nghĩa cộng sản quốc tế và cách mạng thế giới. Năm 18 tuổi, ông tham gia các phong trào cộng sản ngầm tại Ba Lan-Litva. Sau đó, ông bị bắt, cầm tù và đày ải tới Paris (Pháp). Tại Pháp, ông Grigulevich học ngành khoa học xã hội tại Đại học Sorbonne và tham gia các hoạt động Quốc tế cộng sản.
Nhận lệnh từ Quốc tế cộng sản, ông Grigulevich chuyển đến Argentina năm 1934 để vận động cộng đồng người Do thái và Ba Lan địa phương vì lợi ích của phong trào cộng sản quốc tế.
Năm 1936, ông Grigulevich đến Tây Ban Nha để gia nhập lực lượng Cộng hòa do Liên Xô ủng hộ. Không lâu sau, tình báo Liên Xô đã để mắt đến ông. Một năm sau khi đặt chân đến Tây Ban Nha, ông Grigulevich được ông Alexander Orlov thuộc Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô (NKVD) hoạt động tại quốc gia Tây Nam Âu này tuyển dụng.
Cuộc đột kích ban đêm
Đêm 24/5/1940, một nhóm 20 tay súng bao vây ngôi nhà ở Mexico City (Mexico), nơi Leo Trotsky sinh sống. Joseph Stalin đã trục xuất ông Leo Trotsky khỏi Liên Xô vĩnh viễn. Những tay súng này đột nhập vào căn nhà, xác định phòng Trotsky đang ngủ rồi nổ súng. Iosif Grigulevich là một trong 20 tay súng này.
Nhưng ông Trotsky may mắn sống sót khi trốn dưới gầm giường. Những tay súng ám sát đã không kiểm tra nạn nhân mà thay vào đó nhanh chóng rời hiện trường trước khi cảnh sát đến. Sau một nỗ lực ám sát Trotsky thất bại nữa, Grigulevich được điều về Argentina và sống tại đây thêm 8 năm.
Ngài đại sứ
Giáo sư Andrei Znamenski tại Đại học Memphis (Mỹ) cho biết ông Grigulevich được nhập quốc tịch Liên Xô và nhận nhiệm vụ mới ở Italy vào cuối năm 1949.
Đóng vai đứa con bất chính của một quý tộc Costa Rica đã qua đời, ông Grigulevich nhận quốc tịch Costa Rica và bắt đầu hòa nhập với cộng đồng người Costa Rica ở Italy. Điều đáng nói là ông thậm chí leo lên được chức vụ đại sứ Costa Rica tại Rome, Vatican và sau đó là Nam Tư.
Những năm sau đó, ông Grigulevich đã cung cấp cho Điện Kremlin nhiều thông tin tình báo có giá trị nhờ vai trò đại sứ.
Tuy nhiên, sau khi Stalin qua đời, lãnh đạo mới ở Moskva đột ngột triệu tập Grigulevich về Liên Xô và trục xuất ông khỏi mạng lưới tình báo. Mặc dù bị chính cơ quan mà bản thân đã dành cả đời để cống hiến bỏ rơi, ông Grigulevich lại dành thời gian cho đam mê khác là nghiên cứu lịch sử.
Thời gian sau đó, ông Grigulevich phát hành nhiều cuốn sách và nghiên cứu về Nhà thờ Công giáo, Giáo hoàng, Tòa án dị giáo và tiểu sử của các nhà cách mạng Mỹ Latinh.
Đến năm 1960, ông Grigulevich đảm nhận vai trò nhà văn và học giả đồng thời trở thành nhà nghiên cứu tại Viện Nhân học, nay là Viện Nhân chủng học và Dân tộc học tại Nga.
Ông Iosif Grigulevich qua đời năm 1988 tại Moskva.