Trong 24 giờ qua, nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất là Mỹ với 19.399 ca. Tiếp đó là Brazil với 10.981 ca và Nga với 9.200 ca. Các nước còn lại đều ghi nhận dưới 5.000 ca mắc trong 24 giờ qua.
Về số ca tử vong, Mỹ cũng ghi nhận nhiều ca nhất trong 24 giờ qua với 947 ca. Tiếp đó là Brazil với 551 ca và Anh với 468 ca.
WHO điều tra hội chứng viêm lạ ở trẻ em
Một em nhỏ đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Buenos Aires, Argentina ngày 8/5. Ảnh: AFP/TTXVN
Đáng lưu ý, trong số các ca mắc COVID-19 ở trẻ em, có một số em xuất hiện hội chứng viêm lạ khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải điều tra.
WHO cho biết đang tìm hiểu mối liên hệ tiềm tàng giữa đại dịch COVID-19 với hội chứng viêm hiếm gặp đang khiến nhiều trẻ em ở châu Âu và Mỹ đổ bệnh, thậm chí tử vong. Phát biểu họp báo trực tuyến, Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus cho biết các báo cáo sơ bộ cho thấy hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em có thể liên quan đến COVID-19.
Chính vì thế, điều quan trọng là phải nhanh chóng và cẩn trọng tìm hiểu hội chứng lâm sàng, hiểu biết về nguyên nhân hậu quả cũng như các biện pháp can thiệp điều trị. Tuy nhiên, giới khoa học vẫn chưa thể xác định mối liên hệ rõ ràng giữa COVID-19 với hội chứng mới, do nhiều trẻ em mắc hội chứng mới lại không dương tính với virus SARS-CoV-2.
Cho đến nay các nước châu Âu và Mỹ đã ghi nhận hàng trăm ca bệnh nhi hiếm gặp như vậy. Trong diễn biến mới nhất, Pháp thông báo một bé trai 9 tuổi dương tính với virus SARS-CoV-2 đã qua đời do hội chứng mới. Trước đó, một trẻ em đã qua đời ở Anh.
Hội chứng đã ảnh hưởng tới 230 trẻ em ở châu Âu. Tới nay, dịch COVID-19 tác động xấu nhất tới người cao tuổi và những người mắc bệnh mãn tính, song những báo cáo về hội chứng ở trẻ nhỏ đã làm dấy lên quan ngại rằng nó có thể ảnh hưởng không nhỏ tới những người trẻ so với đánh giá ban đầu.
Tình hình tại Mỹ chưa bớt nghiêm trọng
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Washington, DC, Mỹ ngày 14/5. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Mỹ, tính tới 6 giờ ngày 17/5 (giờ Việt Nam), Mỹ có tổng cộng 1.503.684 ca mắc COVID-19, trong đó 89.454 ca tử vong.
Trong khi đó, New York và 3 bang láng giềng gồm New Jersey, Connecticut and Delaware đã quyết định cho phép các bãi biển và khu vực ven hồ được mở lại ở mức hạn chế kể từ ngày 22/5.
Thống đốc New York Andrew cho biết các chính quyền địa phương được tùy ý quyết định có mở hay không mở nhưng phải đảm bảo quy định giãn cách xã hội. Quyết định của thống đốc Cuomo được đưa ra một ngày sau khi giới chức các bang New Jersey và Delaware tuyên bố sẽ mở lại bãi biển. Tuy nhiên, các môn thể thao bãi biển như bóng đá và bóng chuyền sẽ vẫn bị cấm; các khu vực thường thu hút đông người như công viên giải trí, sân chơi, bể bơi sẽ vẫn đóng cửa; và các nhà hàng, quán ăn chỉ được bán đồ để mang đi. Những người ra chơi bãi biển vẫn phải đeo khẩu trang.
Tại những khu vực của bang New York chưa đáp ứng đủ 7 tiêu chí do Thống đốc Cuomo quy định để được mở cửa lại sẽ phải tiếp tục đóng cửa các hoạt động kinh tế đến ngày 28/5. Năm khu vực của bang New York đã được phép mở lại một phần hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, sản xuất và bán lẻ là Finger Lakes, Central New York, Southern Tier, Mohawk Valley và North County.
Còn tại thành phố New York, Thị trưởng Bill de Blasio cho biết các bãi biển tại đây sẽ chưa thể mở lại vào cuối tháng Năm. Thành phố New York thậm chí vẫn đang phải nỗ lực giảm bớt đám đông ở các công viên, nhất là tại Công viên Trung tâm. Thị trưởng New York cũng cho biết cảnh sát của thành phố sẽ thực thi nhiệm vụ giải tán đám đông nhưng không bắt giữ người dân không đeo khẩu trang như trước nữa sau khi có nhiều vụ việc ồn ào trong mấy tuần qua cho rằng cảnh sát đã lợi dụng quyền hạn để phân biệt đối xử với cộng đồng người da màu.
Châu Âu có nước đầu tiên công bố hết dịch COVID-19
Slovenia
Slovenia đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên tuyên bố hết dịch COVID-19 sau khi ghi nhận dưới 7 ca mắc mỗi ngày trong hai tuần qua. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước châu Âu khác cũng bắt đầu mở cửa biên giới hay nới lỏng hạn chế đi lại.
Một nhà hàng mở cửa phục vụ khách tại Ljubljana, Slovenia sau khi nước này tuyên bố hết dịch COVID-19 ngày 15/5. Ảnh: THX/TTXVN
Sau khi công bố hết dịch COVID-19, Slovenia đã mở cửa biên giới cho toàn bộ công dân Liên minh châu Âu (EU), nhưng những đối tượng nhập cảnh không phải công dân EU sẽ phải bị cách ly.
Slovenia cũng tiếp tục duy trì một số biện pháp như cấm tụ tập đông người và người dân vẫn phải tuân thủ giãn cách xã hội và đeo khẩu trang nơi công cộng.
Thủ tướng Slovenia Janez Jansa khẳng định nước này là quốc gia thành công nhất ở EU trong đối phó đại dịch COVID-19, rằng tình hình kiểm soát dịch bệnh đang thuận lợi và chính phủ sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế và phục hồi sau khủng hoảng.
Slovenia, với dân số khoảng 2 triệu người, đã ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên hôm 4/3. Tính đến 6 giờ sáng 17/5 (giờ Việt Nam), nước này đã xác định 1.465 ca mắc với 103 trường hợp thiệt mạng.
Kể từ ngày 20/4, chính phủ Slovenia đã dần gỡ bỏ các lệnh phong tỏa. Dự kiến, ngày 18/5, các trung tâm thương mại, mua sắm, các khách sạn, nhà trọ, cửa hàng cà phê và nhà hàng, cũng như các trường mẫu giáo và các lớp 1-4 thuộc cấp tiểu học sẽ được mở trở lại.
Tây Ban Nha
Nhân viên y tế động viên tinh thần bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 7/5. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 16/5, Tây Ban Nha ghi nhận 104 ca tử vong vì COVID-19. Đây là số ca tử vong trong ngày thấp nhất mà quốc gia này ghi nhận từ giữa tháng 3.
Thông báo của Bộ Y tế Tây Ban Nha nêu rõ tổng số ca tử vong vì dịch bệnh của nước này hiện là 27.563 ca, trong khi tổng số ca mắc bệnh là 276.505 ca, tăng 2.138 ca so với một ngày trước đó. Tây Ban Nha là quốc gia thành viên EU chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 16/5 cho biết chính phủ nước này sẽ tìm cách gian hạn tiếp tình trạng khẩn cấp. Theo đó, lệnh này sẽ kéo dài khoảng một tháng cho đến khi giai đoạn chuyển tiếp dỡ bỏ phong tỏa được hoàn tất. Trong bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình, ông Sanchez nói: "Nên kéo dài giai đoạn tình trạng khẩn cấp và sẽ tiếp tục cho đến khi kết thúc nới lỏng. Với lý do đó, thay vì (gia hạn 15 ngày), lệnh này sẽ kéo dài khoảng một tháng".
Italy
Trong khi đó, Italy, quốc gia từng là tâm dịch của châu Âu, đang dần mở cửa trở lại nền kinh tế sau thời gian phong tỏa để kiềm chế tốc độ lây lan dịch bệnh. Trong một nỗ lực nhằm sớm mở cửa nền kinh tế với bên ngoài, Chính phủ Italy vừa công bố sắc lệnh cho phép các du khách từ các quốc gia khác trong EU và Khu vực Schengen đến quốc gia này từ ngày 3/6 và dỡ bỏ những hạn chế về đi lại giữa các vùng của Italy vào cùng thời điểm này.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Rome, Italy ngày 20/4. Ảnh: AFP/TTXVN
Các nguồn tin chính phủ cho biết du khách, công dân các nước đến Italy sau ngày 3/6 sẽ không phải tự cách ly. Mặc dù vậy, chính phủ vẫn chưa đề cập cụ thể những biện pháp y tế khác dự kiến sẽ được áp dụng đối với các đối tượng này.
Trong khi đó, những hạn chế về đi lại trong phạm vi nội bộ từng vùng ở Italy sẽ kết thúc vào ngày 18/5. Các quán bar, nhà hàng, các cửa hiệu cắt tóc, làm đẹp sẽ bắt đầu được phép mở cửa trở lại vào đầu tuần tới nhưng phải tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội và vệ sinh dịch tễ. Chính phủ cho biết các chính quyền địa phương vẫn có quyền áp đặt trở lại những hạn chế ở địa phương nếu dịch bệnh tái bùng phát.
Việc cho phép tự do đi lại đến Italy cũng như giữa các vùng bắt đầu từ ngày 3/6 được coi là một động thái quan trọng giúp phục hồi nền kinh tế, vốn được Bloomberg dự báo có thể sụt giảm tới 13% trong năm nay. Đây cũng là nỗ lực nhằm cứu vãn ngành du lịch của Italy khi mùa Hè đến, thời điểm người dân Italy thường rời các thành phố đông đúc nhộn nhịp để đi nghỉ ở các khu nghỉ mát.
Italy trở thành tâm dịch ở châu Âu kể từ hồi cuối tháng 2/2020 và nước này đã phải ban bố lệnh phong tỏa trên phạm vi toàn quốc bắt đầu từ ngày 9/3. Tính đến thời điểm hiện tại, Italy vẫn đang là quốc gia có số ca tử vong do dịch bệnh nhiều thứ ba thế giới, sau Mỹ và Anh, mặc dù số ca nhiễm mới mỗi ngày ở nước này đang có chiều hướng giảm dần.
Nhằm tìm hiểu mức độ lây lan của dịch bệnh, bắt đầu từ tuần tới, Italy sẽ xét nghiệm 150.000 người tại 2.000 thành phố và thị trấn trên cả nước. Đây là chương trình xét nghiệm lấy mẫu đại diện để xác định quy mô của đại dịch, từ đó chính phủ có thể tiếp tục các biện pháp phòng chống thích hợp.
Một cuộc khảo sát mới được công bố của trường Đại học Milan cho thấy 25% dân số Italy, tương đương 15 triệu người, đã có các triệu chứng COVID-19 trong khoảng thời gian từ ngày 7/3 đến 4/5 và 8 triệu người trong số đó có thể đã mắc bệnh.
Bulgaria
Bộ trưởng Tư pháp Bulgaria Danail Kirilov cho biết từ ngày 15/5, nước này sẽ chuyển sang chế độ tình hình dịch bệnh khẩn cấp tới ngày 14/6.
Khử trùng một nhà thờ ở thủ đô Sofia, Bulgaria nhằm ngừa dịch COVID-19 ngày 11/4. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ trưởng Kirilov cho hay trong tình hình dịch bệnh khẩn cấp, các biện pháp áp dụng phải dựa trên đảm bảo quyền công dân theo luật pháp hiện hành. Các chính sách đưa ra hiện nay chủ yếu sẽ tập trung vào việc áp dụng các biện pháp y tế để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19. Bộ trưởng Kirilov nêu rõ: "Trong trường hợp cần thiết, Quốc hội có thể sẽ lại thông qua và tuyên bố tình trạng khẩn cấp".
Việc Bulgaria chuyển sang chế độ tình hình dịch khẩn cấp đã dỡ bỏ biện pháp hạn chế đi lại do nhu cầu cấp thiết của đời sống kinh tế-xã hội. Ông Kirilov cũng hy vọng dịch COVID-19 sẽ không diễn biến xấu hơn do các biện pháp nới lỏng.
Chính phủ Bulgaria cho phép mở cửa các siêu thị kể từ ngày 18/5, sau 60 ngày áp dụng tình trạng khẩn cấp quốc gia. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Bulgaria Kiril Ananiev cho biết biện pháp cách ly 14 ngày áp dụng đối với tất cả những người nhập cảnh vào Bulgaria sẽ không được bãi bỏ, kể cả với công dân Bulgaria.
Nga
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Moskva, Nga ngày 14/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của LB Nga ngày 16/5 cho biết nước này đã ghi nhận 9.200 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại 83 chủ thể liên bang trong 24 giờ qua, thấp hơn so với một ngày trước đó, nâng tổng số người nhiễm tại LB Nga lên 272.043 ca. Đây là số ca nhiễm trong ngày thấp nhất kể từ ngày 2/5. Trong số các ca mới, có 44,8% bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng.
Trong 24 giờ qua, số ca tử vong đã tăng 119 ca lên 2.537 ca. Đây là số ca tử vong trong ngày cao nhất từ trước đến nay.
Thủ đô Moskva vẫn là địa phương có số người nhiễm SARS-CoV-2 nhiều nhất, song số ca mới đã giảm hẳn.
Châu Á: Ấn Độ vượt Trung Quốc về số ca mắc
Ấn Độ
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nghi mắc COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ ngày 27/4. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 16/5, Chính phủ Ấn Độ thông báo tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này ở mức 85.940 ca, lần đầu tiên vượt số ca mắc bệnh Trung Quốc (82.941 ca), nơi dịch bệnh khởi phát.
Từ ngày 7/5, quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới đều ghi nhận trên 3.000 ca mắc mới mỗi ngày, có khi còn vượt 4.000 ca mới/ngày. Trong khi vẫn tiếp tục áp dụng biện pháp phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt, vốn được áp đặt từ ngày 25/3 nhằm kiềm chế tốc độ lây lan dịch bệnh, Chính phủ Ấn Độ cũng đang dần cho phép nối lại các hoạt động kinh tế. Do đó, các ca mắc mới được dự đoán sẽ tiếp tục tăng.
Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 2.752 ca tử vong vì dịch bệnh, thấp hơn tổng số 4.633 ca tử vong ở Trung Quốc.
Iran
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tehran, Iran ngày 9/5. Ảnh: AFP/TTXVN
Iran ngày 16/5 đã ghi nhận 35 ca tử vong do mắc COVID-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên thành 6.937 người. Đây là số ca tử vong thấp nhất trong ngày tại Iran kể từ ngày 7/3 vừa qua.
Trong buổi họp báo trực tuyến, Giám đốc Trung tâm thông tin và quan hệ công chúng thuộc Bộ Y tế và Giáo dục Y khoa Iran, ông Kianush Jahanpur đã xác nhận, nước này cũng có thêm 1.757 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở đây lên thành 118.392 người.
Tỉnh Khuzestan, Tây Nam Iran là nơi có số ca nhập viện mới cao nhất và tình hình dịch bệnh tại phần lớn các huyện thuộc tỉnh này đều nghiêm trọng. Tỉnh giàu dầu mỏ nằm ở biên giới giáp Iraq này đã trở thành tâm dịch mới của Iran. Đây là tỉnh duy nhất mà nhà chức trách phải tái áp đặt lệnh đóng cửa doanh nghiệp sau khi tiến hành nới lỏng trên toàn quốc vào tháng 4 vừa qua. Hãng thông tấn Iran (ISNA) cho hay lệnh đóng cửa tại hơn nửa số huyện của tỉnh Khuzestan đã được gia hạn đến ngày 18/5.
Hàn Quốc
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 đã được chữa khỏi tại một bệnh viện ở Seoul, Hàn Quốc ngày 15/5. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ngày 16/5 thông báo nước này đã ghi nhận 19 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, mức tăng thấp nhất trong một tuần qua, khi các ca nhiễm liên quan đến ổ dịch ở quận giải trí ban đêm Itaewon, thủ đô Seoul, đã giảm bớt.
Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 9/5, số ca nhiễm hằng ngày ở dưới mức 20 ca. Theo chính quyền thủ đô Seoul và KCDC, Itaewon đã trở thành ổ dịch khi số ca nhiễm liên quan đến các quán rượu và câu lạc bộ ban đêm lên tới 153 người cuối ngày 15/5. Giới chức y tế nhận định hai ngày cuối tuần này là thời điểm quan trọng để chống virus SARS-CoV-2.
Trong 19 ca mới ghi nhận, có 9 ca lây nhiễm trong nước, và 10 ca "nhập khẩu", nâng tổng số ca nhiễm ở Hàn Quốc lên 11.037. KCDC cũng thông báo 2 ca tử vong mới, nâng số ca tử vong lên 262.
Hàn Quốc đã xét nghiệm trên diện rộng và truy vết các tiếp xúc của người bệnh, nhưng chính phủ nước này vẫn đang vất vả ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai khi xuất hiện sự ổ dịch Itaewon.
ASEAN
Khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực trong ngày 16/5.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 6/5. Ảnh: AFP/TTXVN
Đây là ngày mà Thái Lan không ghi nhận bất cứ ca mắc hay tử vong nào do dịch bệnh trong bối cảnh nước này bắt đầu mở cửa trở lại hoạt động kinh doanh và nới lỏng hạn chế. Từ ngày 17/5, Thái Lan sẽ cho phép các trung tâm thương mại và cửa hàng mua sắm được hoạt động trở lại. Nước này sẽ rút ngắn bớt 1 giờ lệnh giới nghiêm ban đêm, từ 23 giờ hôm trước tới 4 giờ sáng hôm sau, thay vì từ 22 giờ như trước đó. Đến nay Thái Lan ghi nhận tổng cộng 3.025 ca mắc và 56 người tử vong do dịch COVID-19.
Ngày 16/5, Bộ Y tế Campuchia thông báo bệnh nhân cuối cùng của nước này đã hồi phục và xuất viện. Dù không còn ca mắc COVID-19 nào nhưng Bộ Y tế Campuchia vẫn khuyến cáo người dân tiếp tục thận trọng. Campuchia ghi nhận tổng cộng 122 ca nhiễm virus và không có ca nào tử vong. Lần mới nhất quốc gia này ghi nhận ca nhiễm mới là ngày 12/4.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Surabaya, Indonesia ngày 11/5. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Indonesia, Philippines và Malaysia vẫn ghi nhận những ca nhiễm mới.
Ngày 16/5, Singapore, quốc gia đang là điểm nóng dịch bệnh của khu vực, thông báo ghi nhận thêm 465 trường hợp nhiễm virus, đưa tổng số ca mắc bệnh ở nước này lên 27.356 ca. Tính đến ngày 16/5, Indonesia ghi nhận tổng cộng 17.025 ca mắc bệnh và 1.089 ca tử vong. Malaysia cũng thông báo tổng số ca mắc và tử vong vì dịch bệnh tại đây lần lượt là 6.872 và 113 ca. Trong khi đó, Philippines ghi nhận tổng cộng 12.305 ca nhiễm virus và 817 ca tử vong. Từ ngày 16/5, quốc gia này bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa ở thủ đô Manila, tâm dịch của cả nước, và nhiều thành phố lớn khác cũng dần tái khởi động các hoạt động kinh tế sau thời gian trì trệ vì các biện pháp cách ly.