Cụ thể, chỉ có 4 bệnh viện được trang bị hệ thống xử lý nước thải, rác thải hoàn chỉnh là Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tháp Mười và Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngự.
Các hệ thống xử lý nước thải của các bệnh viện còn lại do thời gian sử dụng quá lâu nên hệ thống vi sinh bị đã chết mà không có kinh phí thay mới. Hậu quả là nước thải vẫn còn lẫn một số tạp chất như photphat, amoni, coliform...
Trong số những bệnh viện hàng ngày đầu độc môi trường thì Bệnh viện Phổi Đồng Tháp (xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh) là đáng quan ngại nhất.
Hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện này không còn hoạt động nhiều năm nay, nước thải chỉ đưa lên bồn được xử lý sơ sài bằng hóa chất sau đó thải ra khoảng đất trống bên cạnh.
Riêng lò đốt rác thải cũng xuống cấp nghiêm trọng, phát sinh nhiều khói đen.
Ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đồng Tháp cho biết, mặc dù hệ thống xử lý nước thải lẫn lò đốt rác đã “quá đát” nhưng việc kiểm soát vi khuẩn lao vẫn đảm bảo.
Vì có hệ thống xử lý an toàn sinh học riêng chứ không xử lý cùng với nước thải bệnh viện hay chất thải rắn. Do đó người dân có thể yên tâm.
“Về giải pháp lâu dài bệnh viện đang được đầu tư hệ thống xử lý nước thải và chất thải mới, kinh phí 32 tỷ đồng. Đến giữa năm 2017 hệ thống này vận hành sẽ khắc phục triệt để tình trạng hiện tại.
Trước mắt thì chuyển rác thải rắn sang bệnh viện lân cận để đốt nhờ”, ông Thành nói.
Cách Bệnh viện phổi Đồng Tháp vài trăm mét là khu dân cư đông đúc.
Hàng ngày, cả trăm hộ dân ăn ngủ không yên khi phải hít thở không khí có pha lẫn khí thải của bệnh viện và sử dụng nước kênh nghi ngờ có lẫn nước thải chưa qua xử lý của bệnh viện.
Ông Đỗ Văn Việt, nhà gần Bệnh viện Phổi Đồng Tháp, than thở: “Thứ nhất là cái lò đốt rác, mùi chịu không có nổi. Còn cái ống cống xả thải của bệnh viện nước đen ngòm mà hôi dữ lắm.
Người lớn có sức đề kháng chứ mấy đứa nhỏ cứ bệnh rề rề hoài”.
Theo ông Trần Văn Lườm, sắp tới Sở sẽ đàm phán với công ty chuyên xử lý rác thải rắn nguy hại để xử lý số rác thải của những bệnh viện chưa có lò đốt đạt chuẩn.
Các bệnh viện chấp nhận tốn kém hơn để đảm bảo môi trường sống cho người dân xung quanh. Riêng hệ thống xử lý nước thải sẽ tranh thủ các nguồn vốn từ từ nâng cấp, thay mới cho các bệnh viện.
“Sở Y tế cũng quan tâm đi khảo sát nhưng tìm nguồn kinh phí thì khó quá nên đôi lúc xử lý cũng chưa kịp thời”, ông Lườm cho hay.