Địa vị của "ba ông lớn đang xâu xé Trung Đông" như thế nào?

Thủy Thu |

Ngoài "người cũ" Mỹ - Nga, "người mới" Trung Quốc cũng đang từng bước can thiệp quân sự vào khu vực Trung Đông. Thế chân vạc giữa "ba ông lớn" đã trở nên rõ ràng.

Được biết đến là "thùng thuốc súng của thế giới" - cục diện Trung Đông ngày càng leo thang căng thẳng trước sự đối đầu của Mỹ - Nga - Trung Quốc.

Washington và Moscow đang tiến hành các hành động quân sự để gia tăng ảnh hưởng ở khu vực này. Bắc Kinh tuy không gửi quân đến Trung Đông nhưng ảnh hưởng thực tế đối với khu vực này cũng đang gia tăng nhanh chóng.

Putin khẳng định sức mạnh tại Trung Đông

Theo Đa chiều (Mỹ), quân đội chính phủ Syria đại diện cho Moscow, phía bên kia lực lượng người Kurd lại bắt tay với Washington. Nếu hai bên giao tranh, Mỹ và Nga dường như đang tiến hành cuộc chiến của "nhữn người đại diện".

Tổng thống Nga Putin muốn thắng tại chiến trường Syria nhằm nâng ảnh hưởng tại Trung Đông, sẽ cần đến ba quốc gia quan trọng: Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Iraq.

Địa vị của ba ông lớn đang xâu xé Trung Đông như thế nào? - Ảnh 1.

Từ xung đột giữa phe nổi dậy và lực lượng chính phủ, nội chiến Syria dần trở thành cuộc chiến quốc tế hoá. (Ảnh: Reuters)

Bộ Quốc phòng Nga ngày 16/8 cho hay, quân đội Nga lần đầu tiên sử dụng căn cứ Hamedan tại miền Tây của quốc gia đồng minh Iran để tổ chức các đợt không kích quân nổi dậy Syria.

Mới đây ngày 20/8, tờ Tehran Times (Iran) dẫn lời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hossein Dehghan tuyên bố Iran có thể cho phép Moscow sử dụng thêm các căn cứ không quân của nước này trong cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực.

Việc Iran cho phép Nga sử dụng căn cứ quân sự của họ chứng tỏ, Tehran vừa coi trọng hành động quân sự của Moscow tại Syria vừa thể hiện quan hệ hợp tác sâu rộng của hai bên tại Syria nói riêng, và Trung Đông nói chung.

Với Thổ Nhĩ Kỳ, sau cuộc đảo chính quân sự bất thành ngày 15/7, chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nảy sinh rạn nứt quan hệ với các nước Âu - Mỹ. Ankara nhanh chóng quay sang thân Moscow - đối tác mà trước đây nước này luôn lạnh nhạt.

Cuối tháng 11/2015, Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su 24 của Nga. Nga đã tức giận thực hiện các biện pháp trừng phạt và gia tăng hành động quân sự đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Đồng thời, Moscow đã bắt tay với Washington.

Điều này chức minh tác dụng và vị trí địa chính trị chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo giới quan sát, hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ giống đồng minh của Nga hơn là một thành viên của NATO.

Trước tình hình này, Nga không cần lo lắng sức ép quân sự mà Thổ Nhĩ Kỳ đem lại. Ngược lại, quân đội của Nga có thể yên tâm thực hiện hàng loạt hành động quân sự tại Syria.

Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đều bắt tay với Nga nên không khó để giải thích vì sao Iraq mở cửa không phận có điều kiện với máy bay chiến đấu của Nga để tấn công tổ chức vũ trang ở Syria.

Mỹ tạm thời lui về phòng thủ

Quân đội Mỹ hiện hợp tác chặt chẽ lực lượng vũ trang người Kurd ở Syria và đang tiến hành xây dựng hai sân bay quân sự tại khu vực Đông Bắc Syria - nơi người Kurd nắm quyền kiểm soát.

Trước đó, trong thời gian dài chính phủ Mỹ và Ả Rập Saudi luôn gây sức ép đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đồng thời ủng hộ phe đối lập ôn hòa để lật đổ chính quyền của ông Assad.

Theo giới quan sát, giải quyết cuộc xung đột ở Syria đã trở thành vấn đề đượcquốc tế hóa. Tổng thống Obama từng phát biểu "dùng vũ trang để lật đổ chính quyền là một sai lầm", nhưng nước Mỹ hiện nay cũng chưa khẳng định sẽ từ bỏ ý định "lật đổ Assad".

Trong đợt không quân Nga tấn công không kích vào Syria vừa qua, các đồng minh quân sự thân cận của Mỹ dường như rất bàng quan.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không hề chỉ trích Nga, ngược lại những động thái ngoại giao gần đây của ông khiến người Mỹ lo lắng khi nhà lãnh đạo này đang trở thành vị khách thường xuyên của Moscow hơn là Washington.

Địa vị của ba ông lớn đang xâu xé Trung Đông như thế nào? - Ảnh 3.

Mỹ mở 2 căn cứ không quân ở miền Bắc và Đông Bắc Syria. (Ảnh: reseauinternational.net)

Điều này khiến dư luận cho rằng, dường như đang có sự thay đổi trong cán cân ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông giữa Mỹ và Nga.

Ả Rập Saudi - đồng minh chiến lược của Mỹ cử Phó thái tử kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mohammed Bin Salman đến thăm Nga nhằm bàn bạc về tương lai của Syria.

Ai Cập - một đồng minh khác của Mỹ công khai ủng hộ cuộc không kích của Nga vào Syria.

Nguyên nhân của chuỗi động thái trên được cho rằng xuất phát từ sự rạn nứt trong nội bộ đồng minh, đồng thời bản thân Washington cũng đang chịu "lép vế" trước sự hiện diện của Moscow ở Syria.

Điều này phản ánh tầm ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực này đang giảm sút, trong khi vị thế của Nga đang lên cao và dần đang thành công trong việc làm rạn nứt hệ thống đồng minh của Mỹ.

Bắc Kinh âm thầm giúp đỡ Moscow

Tân Hoa Xã (Trung Quốc) ngày 16/8 đưa tin, một phái đoàn quân sự của Trung Quốc đã tới Syria. Theo đó Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Syria Fahd Jassem al-Freij đã tiếp kiến đoàn quân sự Trung Quốc do Chuẩn Đô đốc Hải quân Quan Hữu Phi dẫn đầu.

"Quân đội Trung Quốc và Syria có mối quan hệ hữu nghị truyền thống và quân đội Trung Quốc sẵn sàng tăng cường trao đổi, hợp tác quân sự với quân đội Syria", ông Quan nói.

Hai bên đã bàn về việc huấn luyện quân nhân và "đạt đồng thuận" về việc quân đội Trung Quốc tổ chức viện trợ nhân đạo tại Syria.

Địa vị của ba ông lớn đang xâu xé Trung Đông như thế nào? - Ảnh 4.

Máy bay Nga xuất kích từ Iran, dội bom IS ở Syria. (Ảnh: Reuters)

Tân Hoa Xã tiết lộ, ngoài cuộc gặp với quan chức Syria, ông Quan cũng gặp một vị tướng Nga ở Damascus nhưng không tiết lộ nội dung chi tiết cuộc gặp này.

"Quân đội Trung Quốc có mặt ở khắp Trung Đông nhưng hoạt động rất lặng lẽ. Họ vẫn đang hỗ trợ quân sự và huấn luyện cho quân đội Syria. Tuy nhiên từ bây giờ những hoạt động này sẽ được tăng cường", ông Michael Maloof - cựu quan chức Lầu Năm Góc cho biết.

Bắc Kinh đã ra mặt can thiệp vào cục diện Syria. Trước tình hình căng thẳng leo thang, sự can thiệp trực tiếp này một mặt chứng tỏ sự phản đòn của Trung Quốc trước sức ép của Mỹ, mặt khác thể hiện sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với Moscow - "đối tác hợp tác chiến lược toàn diện".

"Trung - Mỹ - Nga bắt đầu phân chia địa bàn, thế chân vạc ở Trung Đông cũng đã lộ diện rõ ràng", Đa chiều nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại