Địa chính trị châu Âu lung lay: Mỹ bị đồng minh thân thiết quay lưng, TQ mở rộng chân rết

Thủy Thu |

Theo NYT, sự nhạy bén về lịch sử và nhận thức về sự dịch chuyển của các cường quốc có liên quan đến thỏa thuận giữa Italy và Trung Quốc

Sau nhiều thập kỷ, giờ đây Italy là nước đầu tiên chịu ảnh hưởng của nền kinh tế lớn - Trung Quốc, trong khi Mỹ tin rằng nền kinh tế Trung Quốc là mối đe dọa đối với tương lai tài chính và chính trị của phương Tây.

"Các doanh nghiệp sản xuất được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ, hoạt động ở quy mô với chi phí rẻ, ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp nhỏ về chế tạo máy móc, dệt may và dược phẩm của Italy. Hàng giả của Trung Quốc cũng tác động mạnh mẽ các thương hiệu thời trang cao cấp của Italy", The New York Times viết.

Nhưng trong tháng trước, trong khi Mỹ và Trung Quốc đang tiếp tục đàm phán để giải quyết mâu thuẫn thương mại, các nhà lãnh đạo EU hợp lực để yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động kinh doanh thiếu công bằng, thì Italy đã chọn một con đường khác - Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc.

Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở châu Âu

Trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tháng trước, Italy đã trở thành quốc gia đầu tiên trong khối G7 chính thức ký kết, tham gia vào sáng kiến Vành đai và con đường - dự án xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu khổng lồ của Trung Quốc, đánh dấu sự thay đổi địa chính trị từ tây sang đông.

"Đây không phải là cô lập khỏi châu Âu, đây là sự đi đầu của Italy", Thứ trưởng Bộ phát triển kinh tế Michele Geraci nói.

"Khi bạn đi đầu, bạn thực sự cần khoảnh khắc cô đơn nhưng giai đoạn này sẽ rất ngắn", ông nói thêm.

Theo NYT, sự nhạy bén về lịch sử và nhận thức về sự dịch chuyển của các cường quốc có liên quan đến thỏa thuận giữa nước này và Trung Quốc, dù từ Thế chiến thứ II đến nay, Mỹ luôn là đồng minh thân thiết của Italy, nước này cũng có một số lượng lớn người nhập cư vào Mỹ nhưng Italy cũng không xa lạ với Trung Quốc.

Địa chính trị châu Âu lung lay: Mỹ bị đồng minh thân thiết quay lưng, TQ mở rộng chân rết - Ảnh 1.

Du khách chụp ảnh trước du thuyền - sẽ khởi hành từ cảng Trieste và đi dọc theo tuyến đường mà Marco Polo đến Trung Quốc. Ảnh: NYT

Người La Mã cổ đại từng đánh giá rất cao lụa Trung Quốc và người Trung Quốc cũng đề cao mặt hàng thủy tinh của Roma. Câu chuyện về thương mại của Marco Polo với phương Đông giàu có vào thế kỷ 14 đã thu hút phương Tây. Matteo Ricci - người đã tạo ra bản đồ thế giới bằng chữ Trung Quốc đã tiết lộ cuộc thám hiểm Đông Á của người châu Âu.

Và hiện nay, khi Mỹ dần rút khỏi các sự vụ quốc tế, Trung Quốc một lần nữa có vị trí quan trọng nhất trên bản đồ Italy, NYT bình luận.

Thủ tướng Giuseppe Conte tuyên bố trong tuần trước rằng, song song việc tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế thế giới, Trung Quốc "cũng sẽ gây ảnh hưởng ngày càng lớn hơn ở về chính trị".

Trước một nhóm các nhà ngoại giao cấp cao, giáo sĩ và quan chức chính phủ - những người mong muốn tìm hiểu thêm về Trung Quốc, ông Conte đã ca ngợi những nỗ lực của Trung Quốc để trở thành một "nhà lãnh đạo thế giới về công nghệ và sáng tạo". Ông nói, "Chúng ta biết rằng Mỹ đang cạnh tranh cho vị trí lãnh đạo này."

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, ông "rất buồn" về sự phát triển của tình hình hiện nay. Hôm thứ Năm vừa qua, Phó Thủ tướng Italy Luigi Di Maio cũng đã gặp Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John R. Bolton tại Nhà Trắng.

Ông Di Maio chia sẻ, ông đảm bảo với Washington rằng thỏa thuận với Trung Quốc thuần túy về thương mại và nước này vẫn kiên quyết đi theo quỹ đạo chính trị của Mỹ. Đầu tư của Mỹ vào Italy vẫn vượt xa Trung Quốc.

Giới chức Italy cho biết, vào thời điểm trước khi có thỏa thuận, ông Di Maio đã nhiều lần đi thăm Trung Quốc và gần như đạt được thỏa thuận vào tháng 11 năm ngoái và trong toàn bộ quá trình đó, họ không nhận được tuyên bố liên quan nào từ Washington, chỉ khi người phát ngôn của ông Bolton lên tiếng phản đối vào khoảng đầu tháng vừa qua thì mọi việc đã trở nên quá muộn.

NYT dẫn lời một quan chức cao cấp của chính phủ Mỹ tiết lộ, nếu Washington biết được ý định của Italy là chính thức tham gia vào Vành đai và Con đường - sáng kiến mà họ coi là mối đe dọa chiến lược - thì Washington sẽ lên tiếng sớm hơn.

Ông này cho biết thêm, do các đặc điểm phức tạp trong nền chính trị của Italy và các chuyến thăm Bắc Kinh đã trở thành bình thường đối với các lãnh đạo châu Âu nên Washington không dễ nắm bắt được toan tính của Roma.

Trên thực tế, 16 quốc gia Trung và Đông Âu, bao gồm 11 thành viên của EU đã thiết lập mối quan hệ thương mại chính thức với Trung Quốc.

NYT cho hay, về cơ bản Bắc Kinh đã "mua" cảng Piraeus, bên ngoài Athens và thỏa thuận với Italy cũng sẽ cho phép Trung Quốc tiếp cận với các cảng quan trọng ở Italy như Genève, Trieste, trong đó Trieste có một tuyến được sắt nối với trung tâm Trung Âu.

Thị trưởng thành phố Trieste, Roberto Dip Arena, nhìn ra cửa sổ trên một con tàu du lịch sắp khởi hành theo con đường của Marco Polo đến Trung Quốc cho biết, bất chấp sự chỉ trích của người Mỹ nhưng "nếu người Trung Quốc đến thì đó là một cơ hội tuyệt vời để phát triển và tạo công ăn việc làm không chỉ cho thành phố của tôi, mà còn cho đất nước tôi và thậm chí đối với cả một bộ phận quan trọng của châu Âu".

Nhưng không phải ai cũng đồng ý với tuyên bố này.

Bởi ngay khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến Italy, Tổng thống Pháp Macron vẫn chỉ trích chính sách thương mại của Trung Quốc tại hội nghị chung của EU. Sau đó, ông mời Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đến gặp ông Tập Cận Bình ở Paris.

Tại đây, bà Merkel - Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại Châu Âu - dường như cởi mở vớ triển vọng châu Âu hợp tác hơn nữa với Trung Quốc, nếu Bắc Kinh cạnh tranh bình đẳng.

"Là một người châu Âu, chúng tôi hy vọng sẽ đóng vai trò tích cực trong dự án Con đường tơ lụa mới", bà nói sau cuộc họp.

Pháp cũng đang cố gắng tăng thị phần tại Trung Quốc, họ tuyên bố đã bán 300 máy bay mới cho Trung Quốc và đạt được loạt hợp đồng trị giá hàng tỷ euro, từ xuất khẩu gà Pháp đến các thỏa thuận giữa các công ty Pháp và Trung Quốc về lưới điện và đóng tàu.

"Trật tự đã lung lay", Tổng thống Pháp khẳng định.

Theo NYT, ông Macron đang ám chỉ rằng, việc chính quyền Tổng thống Donald Trump rút khỏi các hiệp định đa phương đã đẩy Pháp và Trung Quốc đến gần nhau hơn.

"Cuộc gặp với ông Tập Cận Bình không phải đều chống lại Trung Quốc. Nó dường như cũng thể hiện sự quay lưng với Mỹ", NYT bình luận.

Đại sứ Mỹ tại Đức dự báo, rằng năm tới sẽ đánh dấu thời điểm châu Á vượt qua phần còn lại của thế giới với tư cách là nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời đó cũng là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Italy - Trung Quốc.

"Trung Quốc đang trỗi dậy", ông Richard Grenell nói, "Chúng ta không thể ngăn chặn họ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại