Đi vệ sinh không xả nước, vứt rác bừa bãi trong nhà nghỉ là quyền của các 'thượng đế' hay hành xử thiếu văn minh?

Duy Nam |

"Thượng đế" có quyền nhưng đôi khi "lạm quyền" dẫn đến đến kém duyên, thiếu văn minh.

Câu chuyện được nhắc đến là hành xử của khách du lịch tại khách sạn, nhà nghỉ. Đứng trên phương diện của những nhân viên phục vụ phòng, nhiều khách có phần quá đáng khi thoải mái làm mọi thứ, mặc kệ ai là người dọn hậu quả.

Bài đăng của một người làm ngành dịch vụ mới đây thu hút sự tranh cãi của dân mạng.

"Đây là một bãi chiến trường của các THƯỢNG ĐẾ sau khi đi để lại.

Bày bừa - lộn xộn - ý thức kém (Số lượng nhiều chứ không phải tất cả)

Đa phần là vì tư tưởng mất tiền mua mâm thì phải đâm cho thủng.

Sau thời gian dài làm việc, tôi thấy người Việt Nam mình trong con mắt của những người dọn phòng khách sạn là "vô cùng bê bối". Khi biết khách ở là người Việt Nam thì họ lắc đầu ngán ngẫm nếu giao họ dọn phòng đó vì vừa dơ, vừa không có tiền típ.

Tôi muốn gửi đến một thông điệp "Hãy tội nghiệp cho người dọn phòng khách sạn". Có típ hay không là tùy vào độ phóng khoáng của bạn, nhưng làm ơn đừng:

1. Xả rác đầy phòng trong khi đã có thùng rác.

2. Nếu có ăn mì ly. Làm ơn cứ để ly trên bàn hoặc để ly đứng trong thùng rác . Đừng quăng vào thùng rác một cách cẩu thả làm đổ nước mì ra thùng rác ( người dọn phòng không thích điều này).Vì như thế người dọn phòng phải đem thùng rác đi rửa ( tốn thời gian)

3. Nếu có bấm nút " Do not disturb". Thì ra khỏi phòng xin nhớ tắt. Vì người dọn phòng không thế dọn phòng bạn nếu đèn "Do not disturb" sáng. Đồng nghĩa với họ mất một phòng. Lương của họ tính theo phòng.

Tôi xin chia sẻ một chút về công việc dọn phòng để các bạn hiểu và thông cảm. Nhân viên dọn phòng được giao mỗi người một ngày dọn 17 phòng trong 8 tiếng. Khi khách trả phòng phải thay toàn bộ ga giường và mền. Nếu ngày nào có trên 10 phòng trả thì người làm phòng sẽ làm lố giờ nhưng vẫn không được tính thêm tiền. 

Đi vệ sinh không xả nước, vứt rác bừa bãi trong nhà nghỉ là quyền của các thượng đế hay hành xử thiếu văn minh? - Ảnh 1.
Đi vệ sinh không xả nước, vứt rác bừa bãi trong nhà nghỉ là quyền của các thượng đế hay hành xử thiếu văn minh? - Ảnh 2.

Cho nên những phòng khách ở sạch người làm phòng sẽ đỡ tốn thời gian dọn dẹp nên sẽ dọn nhanh hơn. Nhân viên buồng phòng phải làm nhanh và tốn nhiều sức lực. 

Công việc này không phải ai cũng làm nổi. Nó nặng nhọc và áp lực. Nếu ai không cố cố gắng thì sẽ bỏ trong thời gian học việc. Khi khách có típ thì tất nhiên sẽ được chăm sóc chu đáo hơn (như để nhiều nước, cà phê hơn quy định, thay áo gối mỗi ngày, thay ga giường thường xuyên hơn...) .

Người Nhật ngăn nắp, lịch sự, ấm áp và luôn tôn trọng người khác. Có những người khách típ tiền kèm thêm một thỏi sô cô la hoặc vài viên kẹo, không quên viết chữ "thank you".

Thực sự một cái gì đó nhỏ nhỏ thôi cũng là động lực lớn sẽ làm họ vui cả ngày cả tuần và tiếp tục công việc này. Khác hẳn, người Việt thì có vẻ xem thường công việc này. Thường thì biểu hiện là không đáp lại lời chào, cao giọng trên vai và lúc nào cũng cố tỏ ra là một người cao quý sang trọng nhiều tiền.

Ít ai biết rằng, để làm được những công việc trên, chúng tôi cũng phải qua đào tạo trường lớp, có bằng cấp cực khổ mới có thể vào làm việc. 

Với thời gian làm việc 2 năm tôi chưa gặp được một người khách Việt Nam ngăn nắp, lịch sự và típ cho phục vụ phòng. Con em Việt Nam chúng ta nên được dạy tính cách ngăn nắp, lịch sự, biết tôn trọng và thông cảm với người khác ngay từ nhỏ để tương lai con người Việt Nam trở nên đẹp trong mắt bạn bè năm châu". 

Nhiều khách du lịch không đồng tình với ý kiến trên. Theo họ, tiền dọn phòng đã được tính toán đỳ đủ trong giá phòng, việc của nhân viên là làm đúng trách nhiệm.

"Thế bây giờ mình đặt phòng và cam kết sẽ giữ vệ sinh phòng sạch sẽ, không xả rác bừa bãi thì khách sạn có giảm giá phòng xuống không. Đã làm dịch vụ mà kêu ca thế này thì cũng bó tay", thành viên Tuan Nguyen bày tỏ.

"Mỗi công việc đều có cái khó riêng. Gặp khó thì tìm cách khắc phục chứ đừng xin ai phải thế này thế kia. Người ta đi chơi để được thoải mái, đây còn đòi phải nghiêm túc như ở công sở nữa chăng?", một người khác bình luận.

Tuy vậy, cũng có những ý kiến đồng tình với chủ nhân bài viết. 

"Tại sao bài viết phản ánh đúng tình trạng thiếu ý thức của các du khách mà các bạn lại không thừa nhận mà còn ‘ném đá’? Hưởng thụ thì cũng phải có ý thức chứ", nickname Hà Loan nhận xét.

"Những ai làm nghề dịch vụ như tôi đều ý thức được công việc đang làm, cũng như hoàn toàn nhận thức phận làm thuê thì không có quyền kêu ca, hay đòi hỏi bất cứ thứ gì. 

Nhưng bài viết ở đây nhấn mạnh là ý thức của khách du lịch cũng như mong muốn sự cảm thông và thấu hiểu nhiều hơn từ phía khách hàng. Khách hàng là thượng đế, nhưng các thượng đế ơi xin đừng quá vô duyên", Vương Hoàng nhắn nhủ.

Không khó để xả nước sau khi đi vệ sinh, vứt miếng giấy vào thùng rác đặt sẵn trong phòng và rất nhiều những việc nhỏ khác khi sử dụng phòng khách sạn. Nếu như những việc làm này trở thành thói quen thì sẽ chẳng có du khách nào cảm thấy phiền khi làm chúng. Du khách giữ vệ sinh phòng nghỉ trước hết để chính họ có môi trường nghỉ ngơi dễ chịu, sau mới đến chuyện nhân viên dọn phòng đỡ vất vả. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại