Hai người già và căn nhà kê khít một tấm phản ngủ
Cụ bà Nguyễn Thị Xóm năm nay 83 tuổi, sống trong căn nhà chừng 5m2 với người chồng gần 90 tuổi. Một buồng kê vừa khít một cái phản gỗ để nằm, buồng ngay cạnh là bếp và khu vệ sinh.
Trong buồng để nằm, hai đầu chật cứng hộp mì và tủ nhựa đựng đồ. Để leo lên tấm phản gỗ khá cao, cụ Xóm phải hết sức cẩn thận. Đêm đến, hai vợ chồng cụ nằm ngược chiều mà trở mình vẫn khó. Cụ ông nằm liệt giường còn cụ Xóm hễ trái gió trở trời là bị đau chân.
Căn nhà nhỏ của cụ Xóm và người chồng bại liệt.
Mọi đồ đạc đều chất trong căn phòng nhỏ
Người chồng bị liệt đã nhiều năm nay, mọi gánh nặng đều dồn lên vai cụ Xóm
Cánh cửa ọp ẹp che tạm cho căn nhà nhỏ của hai cụ. Cụ Xóm lấy một sợi dây buộc tạm lấy vài vòng để cửa khỏi bật.
Cụ bảo có ngày oi nóng khó chịu lắm, nhưng biết làm sao bây giờ. Cụ ước có ngày trúng xổ số để mua căn nhà khá hơn. "Chỉ cần lớn hơn đây là được rồi, cần nhiêu đó thôi", cụ móm mém tâm sự.
Căn nhà này đã che nắng che mưa cho hai cụ được 11 năm nay. Cụ Xóm kể từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn lập nghiệp từ khi mới 13 tuổi. Khi ấy, thấy người ta bỏ quê đi làm ăn xa có tiền nên cụ cũng tìm cách đi theo.
Duyên số run rủi thế nào cụ gặp được người đàn ông cùng quê, hiền lành, chịu khó làm ăn. Hai người nên duyên vợ chồng, cùng nuôi 5 người con.
Mỗi ngày, cụ thường nấu một bữa ăn cả ngày, thi thoảng có con mèo nhỏ làm bạn với cụ
Cụ cho hay các con đã lớn, lập gia đình riêng nhưng không dư dả gì. Duy chỉ có cô con gái út ở cách nhà bà khá xa vẫn lui tới để giúp mẹ bán hàng và chăm bố.
Tuy vậy, mọi sinh hoạt của ông vẫn do cụ bà lo liệu. từ miếng cơm, chén nước đến thay chăn. Trong lúc trò chuyện với phóng viên, thỉnh thoảng cụ Xóm quay ra lấy nước cho chồng, sửa lại cái chăn trên giường, dặn dò ông ở nhà cẩn thận để bà đi bán bánh.
Hành trình mưu sinh từ 4h sáng
Ngày nào cũng vậy, cụ Xóm bán bánh chuối, bánh khoai chiên, chuối luộc trong hẻm 83 đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận từ 3h chiều trở đi. Tới 6, 7 tối, cụ đẩy xe đi bán trước cổng chùa Quán Thế Âm ở đầu hẻm.
Cụ tâm sự món ăn cụ bán học từ nhiều người và làm để bán cũng đã hơn 10 năm nay. Mỗi ngày cụ dậy từ 4h sáng để chuẩn bị cho cả ngày mưu sinh. Sau khi pha sẵn ly cà phê cho chồng, cụ Xóm tất bật đi chợ cho kịp giờ về chuẩn bị chiên bánh.
"Đi xe ôm thì mất 7 chục ngàn, đi xe buýt thì phải qua 3 chặng. Ngày nào khỏe thì tôi đi xe buýt, tốn hai mươi mấy ngàn, ngày nào yếu thì phải đi xe ôm thôi. Đi chợ chủ yếu mua chuối, chứ bột và đường thì có người bỏ mối cho", cụ Xóm cho hay.
Ngày nào cũng vậy, cụ Xóm cũng đi bán bánh chuối, bánh khoai chiên, chuối luộc
Chiếc xe chở đầy ắp bánh chuối, bánh khoai chiên nóng giòn, vàng ươm chứ không vàng cháy như khi được chiên bằng loại dầu dùng nhiều lần. Vài nải chuối sứ, chuối sáp luộc được xếp gọn gàng, sạch sẽ. Cũng có ngày con gái qua phụ bán hàng nhưng cụ bảo không yên tâm vì cụ bán ở đây lâu năm, nhiều người quen mặt mới hỏi mua.
Ngày bán được thì không sao, ngày bán ế, cụ Xóm lại lo. Bánh chuối không để được lâu phải đổ đi và cụ lại xoay xở với đủ mọi chi phí lớn nhỏ. Túi thuốc treo trên cửa của cụ cũng là thuốc cấp theo bảo hiểm y tế. Cụ cười bảo: "Có ít tiền thì sống theo cách của người ít tiền".
Sau khi thông tin về hoàn cảnh của cụ Xóm xuất hiện trên mạng xã hội, nhiều người tìm đến tận nhà của cụ để gửi quà và động viên hai cụ. Khi là thùng gạo, gói đường, hộp sữa, khi là phong bì biếu cụ lúc đau yếu. Cụ vui mừng kể dạo gần đây bánh bán chạy hơn. Bình thường cụ phải bán đến 7h tối thì nay đến 5, 6h chiều là hết sạch.
Rất nhiều người dừng lại mua bánh của cụ.
Chẳng rõ sau nụ cười hiền mỗi lần có người đến thăm của cụ Xóm là bao nhiêu nỗi lo cho cuộc sống của 2 người già. Trong khi hạnh phúc như bao người khác là yên bề gia thất, vui hưởng an nhàn cùng con cháu thì cụ Xóm vẫn tất tả với chuyện mưu sinh nhọc nhằn.
Dù thế nào, cuộc sống vẫn cứ trôi qua bên ngôi nhà "mỏng" trong con hẻm bé xíu và 2 vợ chồng cụ vẫn phải cố gắng sống qua ngày...