Đến Nga cũng đang thiếu: Thế lực châu Á đáng gờm bội phần với nhân tố 'thay đổi cuộc chơi'

Vy Lam |

Theo cựu chỉ huy phi đội Vijainder Thakur, khả năng tấn công tầm xa cực mạnh là một năng lực mà ngay cả những quân đội lớn như Nga cũng đang thiếu.

Tên lửa BrahMos nổi tiếng của Nga-Ấn đã gây được tiếng vang lớn với một chuỗi vụ thử thành công trong tuần này. Hôm thứ Ba, hai trong số các biến thể của tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos đã phô diễn mạnh mẽ hỏa lực của mình trong các cuộc thử nghiệm do Hải quân và Không quân Ấn Độ tiến hành.

Không quân Ấn Độ (IAF) đã bắn thử tên lửa BrahMos từ máy bay chiến đấu Su-30MKI của Nga trên vùng biển phía đông, chứng tỏ khả năng sẵn sàng hoạt động của lực lượng này.

IAF cho biết, cuộc thử nghiệm của họ được thực hiện với sự hợp tác chặt chẽ của Hải quân Ấn Độ. Tên lửa đã bắn trúng mục tiêu – một tàu ngừng hoạt động của Hải quân Ấn Độ (INF) - với độ chính xác cao.

Năm 2017, IAF đã hoàn thành cuộc thử nghiệm đầu tiên với tên lửa hành trình phóng từ trên không BrahMos, điều này thể hiện một sự tăng cường đáng kể cho khả năng tác chiến tầm xa của IAF. Những tên lửa này được phóng từ một khoảng cách đủ xa khu vực mục tiêu để cho phép IAF ngăn chặn bất cứ nguồn hỏa lực phòng thủ tiềm năng nào của đối thủ giả định.

Đến Nga cũng đang thiếu: Thế lực châu Á đáng gờm bội phần với nhân tố thay đổi cuộc chơi - Ảnh 1.

Cuộc thử nghiệm tên lửa BrahMos hôm 19/4

Trong một bài thử nghiệm khác, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường INS Delhi của Hải quân Ấn Độ đã bắn thử thành công tên lửa hành trình BrahMos. Con tàu đã sử dụng một bệ phóng module được nâng cấp để thử nghiệm biến thể chống hạm của tên lửa này.

"Việc bắn thành công tên lửa BrahMos trên tàu INS Delhi từ một bệ phóng module nâng cấp đã một lần nữa chứng minh khả năng tấn công tầm xa của BrahMos" – Hải quân Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố.

Trước đó, Hải quân Ấn Độ đã bắn thử thành công phiên bản sửa đổi của tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos ở Ấn Độ Dương vào ngày 5/3 từ tàu khu trục tàng hình INS Chennai.

INF bắt đầu trang bị tên lửa BrahMos trên các tàu chiến tiền tuyến của nước này vào năm 2005. Tên lửa BrahMos có thể bắn trúng các mục tiêu trên biển nằm ngoài đường chân trời của radar. Biến thể hải quân đã thể hiện thành công trong cả nhiệm vụ đối hải, cũng như đối đất.

Mặc dù bộ ba BrahMos đã được thử nghiệm nhiều lần, nhưng người ta vẫn tự hỏi liệu mẫu tên lửa do Nga-Ấn hợp tác phát triển này có thực sự là "kẻ thay đổi cuộc chơi" trong khu vực hay không?

Năng lực mà đến Nga cũng thiếu

Tên lửa BrahMos được thiết kế, phát triển và sản xuất bởi BrahMos Aerospace, một công ty liên doanh do Tổ chức Nghiên cứu & Phát triển Quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ và Mashinostroyenia của Nga thành lập.

Khoảng hai thập kỷ trước, vào năm 2001, phiên bản ban đầu của tên lửa BrahMos đã được thử nghiệm lần đầu tiên. Kể từ đó, các biến thể khác của BrahMos đã được thiết kế, thử nghiệm và giới thiệu, bao gồm các biến thể có thể bắn từ đất liền, tàu ngầm, tàu chiến và máy bay chiến đấu Su-30.

Đến Nga cũng đang thiếu: Thế lực châu Á đáng gờm bội phần với nhân tố thay đổi cuộc chơi - Ảnh 2.

Hệ thống tên lửa BrahMos.

BrahMos là một trong số ít tên lửa hành trình trên thế giới có khả năng bay với tốc độ siêu thanh cao. Tốc độ này khiến việc tấn công hoặc tránh tên lửa BrahMos trở nên vô cùng khó khăn. Hơn nữa, tốc độ khủng khiếp của tên lửa khiến nó nguy hiểm hơn đáng kể so với tên lửa hành trình cận âm.

Theo cựu chỉ huy phi đội Vijainder Thakur, "Hơn cả BrahMos-A [biến thể phóng từ trên không] là sự kết hợp giữa Su-30MKI và BrahMos-A, mang lại cho IAF khả năng tấn công tầm xa rất mạnh – một khả năng không chỉ các đối thủ, mà cả các đối tác của New Delhi, như Nga, cũng đang thiếu".

Ngoài Su-30MKI sửa đổi, hiện không có mẫu máy bay chiến đấu nào khác trên thế giới có thể mang được Brahmos-A. Đây là điều khiến cho tên lửa này trở thành "nhân tố thay đổi cuộc chơi".

Đến Nga cũng đang thiếu: Thế lực châu Á đáng gờm bội phần với nhân tố thay đổi cuộc chơi - Ảnh 3.

Tên lửa BrahMos được gắn dưới bụng máy bay chiến đấu Su-30MKI.

Thành công sau bê bối lớn

Trước những cuộc thử nghiệm rực rỡ gần đây, tên lửa BrahMos đã vướng vào một vụ lùm xùm khi trong tháng Ba, một tên lửa BrahMos không mang đầu đạn đã rơi xuống lãnh thổ Pakistan. New Delhi sau đó thừa nhận rằng quả tên lửa đã vô tình được phóng đi.

Là khách hàng đầu tiên mua tên lửa BrahMos, Philippines được cho là đã theo dõi sát sao vụ việc. Quốc gia Đông Nam Á này cũng yêu cầu đặc phái viên Ấn Độ làm rõ tình hình.

Ngoài ra, họ vẫn còn một mối lo ngại sâu xa hơn, đó là việc cung cấp tên lửa có thể gặp trở ngại do các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên ngành công nghiệp quốc phòng Nga do những căng thẳng gần đây.

Tuy nhiên, ông Shambhu Kumaran, đặc phái viên của Ấn Độ tại Philippines khẳng định, thỏa thuận cung cấp tên lửa BraMos giữa Ấn Độ-Philippines sẽ không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt.

"Việc Ấn Độ đưa ra sự trấn an vô điều kiện dành cho Philippines có thể mang ý nghĩa rằng New Delhi không thấy có mối đe dọa nào đối với việc sản xuất và cung cấp tên lửa BrahMos cho tới thời điểm hiện tại" - Ông Kumaran nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại