Thỏa thuận gây "chấn động phương Tây" và gây xôn xao khắp thế giới cuối cùng đã được ký kết. Trung Quốc và quần đảo Solomon vừa ký một hiệp ước an ninh gây lo ngại tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, chính xác là Nam Thái Bình Dương.
Một số quốc gia trong khu vực bày tỏ sự lo ngại khi bản dự thảo thỏa thuận bị rò rỉ chứa nhiều cụm từ không rõ ràng có thể dẫn tới việc Trung Quốc cuối cùng sẽ thiết lập một căn cứ hải quân trên quần đảo Solomon.
Theo trang tin TFI, trong bối cảnh này, Australia đang đứng trước nguy cơ thua cuộc trên tất cả các mặt trận, từ kinh tế cho tới an ninh…
Thỏa thuận an ninh Trung Quốc-Solomon khiến Mỹ và nhiều nước lo ngại. Ảnh: AP
Tham vọng của Trung Quốc
Trung Quốc, với chính sách bành trướng, đã tìm kiếm sự hiện diện của mình trong khu vực một thời gian rất dài. Năm ngoái, nước này đã ký Biên bản ghi nhớ để nâng cấp đường băng ở Kiribati - một trong những đảo quốc gần Australia, tiếp theo là quân sự hóa trái phép 3 đảo ở Biển Đông.
Còn giờ đây, thỏa thuận với Solomon ra đời nhằm đưa Trung Quốc lên vị trí quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Vị thế của Australia bị đe dọa
Australia đã bày tỏ lo ngại rằng thỏa thuận thiếu minh bạch này có thể làm suy yếu sự ổn định trong khu vực. Nó sẽ cho phép chính phủ Trung Quốc đưa quân đội đến quần đảo Solomon nếu quốc đảo Thái Bình Dương này yêu cầu. Bên cạnh đó, thỏa thuận cũng sẽ cung cấp cho các tàu hải quân của Trung Quốc một bến cảng an toàn ở quần đảo Solomon, nơi chỉ cách bờ biển Úc 2.000km.
"Chúng tôi lo ngại về sự thiếu minh bạch mà dựa vào đó, thỏa thuận này đã được phát triển. Nó có khả năng làm suy yếu sự ổn định trong khu vực của chúng ta" – Canberra đưa ra tuyên bố cho hay.
Các lợi ích kinh tế và an ninh của Australia đang bị đe dọa bởi những lý do nêu trên. Trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc thấy rằng họ bị Australia khích động. Trước đây, hai quốc gia đã duy trì các mối liên kết thương mại khá bền chặt. Tuy nhiên, sự phản đối của Australia đối với Trung Quốc trong một số vấn đề đã khiến Bắc Kinh rất khó chịu.
Vị thế của Australia đang bị đe dọa trước thỏa thuận Trung Quốc-Solomon. Ảnh: TFI
Năm 2020, một tài liệu rò rỉ được chuyển cho tờ The Age đã tiết lộ 14 tranh chấp đang "đầu độc quan hệ song phương" giữa Trung Quốc và Australia.
Danh sách bao gồm các yêu cầu của Australia đối với cuộc điều tra về nguồn gốc của COVID-19, việc Canberra đứng về phía các bên khác trong vấn đề Biển Đông, đưa ra cáo buộc "úp mở" rằng Bắc Kinh đứng sau các cuộc tấn công mạng và ngăn chặn Huawei triển khai 5G do những lo ngại về an ninh.
Giờ đây, theo TFI, khi Trung Quốc đang ở ngay khu vực lân cận, Australia chắc chắn sẽ bị áp lực, họ phải hành động dựa theo những ý tưởng bất chợt và ảo tưởng của Trung Quốc. Không chỉ khiến Canberra "nản lòng" trước áp lực quân sự, Trung Quốc còn có thể cô lập Australia về mặt kinh tế và chiến lược bằng cách cắt đứt các tuyến đường thương mại bằng sự hiện diện quân sự của nước này trong khu vực.
Về hệ quả toàn cầu, điều này sẽ báo hiệu cho phần còn lại của thế giới rằng, quyền bá chủ của Mỹ đã kết thúc ở Australia, và vì thế, vị thế của nước này về cơ bản sẽ trở nên "vô giá trị" trên toàn thế giới.
Theo TFI, có thể kết luận rằng, với thỏa thuận Trung Quốc-Solomon, Australia đang đứng trước nguy cơ mất tất cả vào tay Bắc Kinh.
Theo tờ Guardian, thông tin về một thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và Solomon bắt đầu lan truyền trên chính trường ở Honiara từ tháng 8/2021.
Hồi tháng 3, những lo ngại này đã được chứng minh là có cơ sở khi bản dự thảo thỏa thuận an ninh, cho phép quân đội và cảnh sát Trung Quốc tiếp cận đáng kể quần đảo Solomon, bị rò rỉ trên mạng.
Tin tức này đã gây ra những làn sóng chấn động ở Canberra, Wellington và Washington.
Theo các nguồn tin ngoại giao, các chính trị gia và nhà phân tích, thỏa thuận này được đàm phán trong bí mật, khiến các nhà ngoại giao và quan chức chính phủ -thậm chí trong nội các chính quyền Solomon – cũng hoàn toàn bất ngờ.
Sau vụ thông tin bị rò rỉ này, Australia đã cử hai phái đoàn đến Honiara, và trong tuần này, hai quan chức hàng đầu của Mỹ, bao gồm Kurt Campbell, điều phối viên hội đồng an ninh quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương, cũng đến thủ đô của Solomon, để thúc giục chính quyền quốc đảo này "nói không" với Bắc Kinh.
Nhưng các động thái ngoại giao vội vãn này cũng không thể cứu vãn tình thế. Vào cuối ngày 19/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo thỏa thuận đã được ký kết.
Đây là dấu hiệu cho thấy thỏa thuận đã được bảo vệ chặt chẽ đến mức nào.
Thông tin về thỏa thuận chỉ xuất hiện công khai 7 tháng sau khi những đồn đoán đầu tiên rộ lên.