Sáng 18-12, ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Định cho biết vẫn chưa nhận được văn bản phản hồi của Công ty TNHH MTV Nam Triệu (trụ sở TP Hải Phòng) về yêu cầu bồi thường của các chủ tàu vỏ thép ở địa phương bị hư hỏng.
"Hôm nay chúng tôi sẽ tiếp tục liên lạc với Công ty Nam Triệu để yêu cầu họ có văn bản trả lời cụ thể. Sau đó, Sở NN-PTNT sẽ tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh Bình Định để có hướng xử lý tiếp theo", ông Phúc nói.
Ngư dân Bình Định bức xúc trước tình trạng tàu vỏ thép vừa hạ thủy đã hư hỏng, xuống cấp nặng
Trước đó, ngày 5-12, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định có văn bản gửi Công ty Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (trụ sở tỉnh Nam Định) về việc bồi thường và hỗ trợ thiệt hại cho 19 tàu vỏ thép bị hư hỏng của ngư dân địa phương.
Theo đó, tổng số tiền ngư dân yêu cầu bồi thường và hỗ trợ là 45,6 tỉ đồng cho 19 tàu. Trong đó, 5 tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng bị yêu cầu bồi thường hơn 9 tỉ đồng và 14 tàu do Công ty Nam Triệu đóng bị yêu cầu bồi thường gần 36,6 tỉ đồng.
Các khoản tiền mà chủ tàu yêu cầu bồi thường, gồm: nợ gốc, lãi ngân hàng; chi phí khắc phục, sửa chữa sau khi nhận tàu, mua thêm trang thiết bị, ngư lưới cụ bị hư hỏng; lỗ tổn phí, thuyền viên do tàu hư hỏng khai thác không hiệu quả; thuê tàu lai dắt do bị hư hỏng trên biển; bị hư hỏng thủy sản; chi sinh hoạt gia đình, trả phí neo đậu trong thời gian tàu nằm bờ sửa chữa; thuê thuyền viên trong thời gian tàu nằm bờ sửa chữa...
Thời hạn phản hồi chậm nhất đến ngày 15-12 để Sở NN-PTNT tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh Bình Định và Bộ NN-PTNT có hướng xử lý tiếp theo.
Giám đốc Công ty Đại Nguyên Dương tuyên bố không bồi thường cho chủ tàu vỏ thép bị hư hỏng
Sau đó, Công ty Đại Nguyên Dương có văn bản phản hồi về việc bồi thường và hỗ trợ thiệt hại cho ngư dân. Theo đó, Công ty Đại Nguyên Dương chính thức từ chối bồi thường cho 5 tàu vỏ thép do đơn vị này đóng bị hư hỏng.
Lý do từ chối là vì thời gian qua, Công ty Đại Nguyên Dương gặp rất nhiều khó khăn trong sự cố tàu vỏ thép bị hư hỏng nên không bồi thường cho ngư dân.
Cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về vụ việc trên, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết sẽ mời Công ty Đại Nguyên Dương vào làm việc một lần nữa để xem quan điểm của đơn vị đóng tàu này như thế nào rồi có hướng xử lý tiếp theo.
"Công ty Đại Nguyên Dương lấy lý do khó khăn để né tránh trách nhiệm bồi thường cho ngư dân là không thể chấp nhận được.
Trong lần làm việc sắp tới, nếu đơn vị này vẫn tiếp tục từ chối bồi thường thì tỉnh cùng các cơ quan chức năng địa phương sẽ hỗ trợ ngư dân khởi kiện ra tòa án. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ có biện pháp mạnh hơn để xử lý vấn đề này.
Hiện Bộ Công an cũng đã vào cuộc đối với vụ việc tàu vỏ thép hư hỏng. Nếu Công ty Đại Nguyên Dương không bồi thường cho ngư dân, tỉnh sẽ đề nghị Bộ Công an xử lý hình sự đơn vị này chứ không thể đẩy ngư dân vào tình thế khó khăn rồi phủi trách nhiệm được", ông Châu khẳng định.
Như Báo Người Lao Động đã nhiều lần thông tin, tháng 3-2017, hàng loạt tàu vỏ thép trị giá từ 15-20 tỉ đồng ở Bình Định được đóng mới theo Nghị định 67/CP vừa hạ thủy được vài tháng đã xuất hiện tình trạng hư hỏng, không hoạt động được.
Sau đó, các cơ quan chức năng vào cuộc, yêu cầu các đơn vị đóng tàu sửa chữa, khắc phục tàu để ngư dân sớm vươn khơi bám biển.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay vẫn còn 10 tàu vỏ thép hư hỏng chưa được hạ thủy do chưa sửa chữa xong. Trong đó, 6 tàu do Công ty Nam Triệu đóng và 4 tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng.