Hôm 18/12 (giờ Washington), toàn thể Hạ viện Mỹ đã tiến hành bỏ phiếu thông qua hai điều khoản luận tội Tổng thống Donald Trump, đó là cáo buộc về lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội - tất cả đều có liên quan tới hành động của ông Trump trong cuộc điện đàm ngày 25/7 với người đồng cấp Ukraine Vladimir Zelensky.
Kết quả là ông Trump đã trở thành vị Tổng thống thứ 3 trong lịch sử của nước Mỹ bị Hạ viện luận tội, với đại đa số Hạ nghị sĩ thông qua cả hai điều khoản nói trên.
Tuy nhiên, CNN cho rằng trên thực tế, nhiều bằng chứng lại cho thấy việc tố tụng luận tội công khai có lợi cho ông Trump về mặt chính trị.
Ví dụ, số liệu từ cuộc thăm dò mới nhất được Gallup công bố vào sáng ngày 18/12 (giờ Washington), trước khi Hạ viện Mỹ tiến hành bỏ phiếu luận tội, cho thấy 2 sự thay đổi đáng chú ý kể từ khi phe Dân chủ của Hạ viện - đứng đầu là Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi - chính thức mở cuộc điều tra luận tội hồi tháng 10 vừa qua về bê bối điện đàm của hai ông Trump-Zelensky, đó là:
1/ Tỉ lệ ủng hộ ông Trump tăng từ 39% lên 45%, đây là lần tăng thứ 3 liên tiếp kể từ tháng 10.
2/ Tỉ lệ ủng hộ việc luận tội và bãi nhiệm Tổng thống Trump giảm từ 52% xuống còn 46%.
Không chỉ kết quả thăm dò của Gallup, mà nhiều cuộc thăm dò khác cũng thu được kết quả tương tự về vấn đề luận tội và bãi nhiệm ông Trump. Điển hình là kết quả thăm dò toàn quốc vừa được CNN công bố đầu tuần này cho thấy 45% người được hỏi ủng hộ việc luận tội và bãi nhiệm Tổng thống - trong khi dữ liệu thu được vào giữa tháng 11 vừa qua là 50%. Trong khi đó, tỉ lệ phản đối luận tội trong cuộc khảo sát tháng 12 cũng tăng so với giữa tháng 11.
Mặc dù những con số nói trên chưa thực sự là "tốt" đối với ông Trump - như ông thường ca thán trên Twitter - nếu so sánh với những Tổng thống tiền nhiệm như ông Bill Clinton (người cũng từng bị rơi vào hoàn cảnh tương tự như ông Trump), hay các ông Barack Obama và George W. Bush. Đặc biệt là khi ông Trump mới chỉ đang ở cuối nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
Thực tế, kết quả của các cuộc thăm dò về việc luận tội ông Trump trong thời gian gần đây khá giống với cựu Tổng thống Richard Nixon vào mùa xuân năm 1974. Thế nhưng, Hạ viện Mỹ thời Nixon chưa kịp đi đến bước bỏ phiếu luận tội thì ông Nixon đã chủ động từ chức trước.
Ảnh: NBC
Một nước Mỹ chia rẽ chưa chắc đã có lợi cho đảng Dân chủ?
Dẫu vậy, CNN cho rằng những thay đổi về số liệu trong những tuần gần đây cho thấy cơn bão luận tội đã phần nào giúp ông Trump, chứ không phải gây hại cho ông này. Dù đó chỉ là những thay đổi nhỏ và tạm thời, nhưng chúng cũng đủ khiến phe Dân chủ phải lo lắng về con đường họ đã lựa chọn.
Bản thân bà Pelosi cũng không muốn đi vào con đường luận tội. Mùa hè năm nay, bà Pelosi đã chống lại đảng của mình khi ngày càng có nhiều ý kiến từ phe Dân chủ ủng hộ việc điều tra luận tội Tổng thống Trump vì cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử năm 2016.
Bà này đã công khai bày tỏ lo ngại rằng một cuộc luận tội do một đảng khởi xướng - mà không có sự ủng hộ của đảng còn lại - là điều không đáng làm, bởi nó sẽ khiến nước Mỹ chia rẽ sâu sắc."Tôi cho rằng chúng ta không nên bước vào con đường [luận tội], bởi nó sẽ chia rẽ nước Mỹ. Và ông ta [ông Trump] không xứng đáng với điều đó", bà Pelosi từng nói với báo giới như vậy.
Nhưng cũng chính bà Pelosi trong phiên tranh luận tại Hạ viện hôm 18/12 vừa qua đã gọi ông Trump là "mối đe dọa" đối với an ninh quốc gia và nền dân chủ Mỹ, và nói rằng đảng Dân chủ "không còn lựa chọn nào khác" ngoài luận tội.
Điều đó không có nghĩa là bà Pelosi đã hết lo ngại về những hậu quả của cuộc luận tội Tổng thống. Bà luôn biết rằng việc luận tội sẽ gây ra sự hỗn loạn trong cuộc bầu cử Mỹ, và đảng Dân chủ của bà chưa chắc đã có lợi từ điều này. Sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc, bà Pelosi đã tuyên bố rằng Hạ viện sẽ chưa gửi gửi các điều khoản luận tội tới Thượng viện ngay trong tối 18/12, mà sẽ xem xét và thảo luận nhóm trước khi làm điều này.
Trên hết, phản ứng của những cử tri Mỹ về cuộc luận tội - đặc biệt là các cử tri độc lập và chưa quyết định - vẫn là một biến số khó đoán định, CNN kết luận.