1. Lần cuối cùng HAGL có được 4 cầu thủ cùng trong sân ở một trận đấu của đội tuyển Việt Nam (cả ĐTQG và đội tuyển trẻ) là khi nào? Đấy là trận đấu cuối cùng của đội tuyển Việt Nam ở Asian Cup, khi phút 75 trận tứ kết với Nhật Bản, Xuân Trường được tung vào sân. Trước đấy lần lượt là Văn Toàn và Hồng Duy, trong khi Công Phượng được đá từ đầu. Họ cùng trên sân hơn 15 phút cuối trận.
Lần trước đó? Là trước đó tròn 1 năm và 10 ngày, trong trận U23 Việt Nam gặp U23 Australia ở giải U23 châu Á vào ngày 14/1/2018. Xuân Trường, Văn Thanh và Công Phượng được ra sân từ đầu, trong khi Văn Toàn được tung vào sân thay Hà Đức Chinh ở phút 59. Họ cùng nhau đá được 12 phút trước khi Công Phượng được rút ra, thay bằng Phan Văn Đức ở phút 71.
Trước đó nữa thì sao? Chính là trận thua thảm của U22 Việt Nam trước U22 Thái Lan ở SEA Games 2017, khiến thầy trò HLV Hữu Thắng phải cúi mặt về nước ngay sau vòng loại. Trận đấu ấy, có đến 6 cầu thủ HAGL là Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn, Công Phượng, Hồng Duy và Văn Thanh đứng trong đội hình xuất phát của HLV Hữu Thắng.
Trong 4 kỳ tích đem về cho bóng đá Việt Nam suốt hơn 1 năm qua, HLV Park Hang-seo đã hai lần đích thân gặp để nói lời cảm ơn bầu Đức. Thế nhưng tại sao quân HAGL không mấy khi "đủ mặt" trên sân? Đừng hỏi thầy Park, mà hãy hỏi HLV Hữu Thắng.
Sau ngày rời Việt Nam, trong lời tâm sự của mình với báo giới Nhật Bản, HLV Miura đã nói rằng để bóng đá Việt Nam thành công, phải có được sự kết hợp giữa "lụa" và "thép". Trong bài trả lời phỏng vấn báo chí Hàn Quốc, HLV Park Hang-seo cũng đã từng nói lời cảm ơn đến HLV người Nhật này, bởi theo ông, HLV Miura là người đặt nền móng cho những thành công của bóng đá Việt Nam.
Chất lụa và chất thép và HLV Miura từng nhắc đến, đấy chính là sự kết hợp giữa khả năng chơi bóng kỹ thuật, ăn ý của những cầu thủ xuất thân từ lò HAGL, với độ vững chãi, lạnh lùng, tỉnh táo và khôn ngoan của những cầu thủ như Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh, Văn Hậu, Hùng Dũng... cũng như sự máu lửa của những Quế Ngọc Hải, Trọng Hoàng...
2. Gần 10 năm "nuôi quân", bầu Đức từng đặt niềm tin cực lớn vào lứa U19 HAGL ngày nào, với niềm tin sắt đá rằng những cầu thủ trẻ đầy tài năng của ông chí ít là có thể góp phần rất lớn vào việc chinh phục chiếc huy chương vàng SEA Games mà bóng đá Việt Nam mòn mỏi chờ đợi từ rất lâu, và xa hơn nữa là nòng cốt cho một đội tuyển Việt Nam thành công trên đấu trường khu vực và châu lục.
Niềm tin ấy được biến thành cương lĩnh khi HLV Hữu Thắng được chỉ định thay HLV Miura ngồi trên chiếc ghế nóng của bóng đá Việt Nam. Với niềm tin sắt đá của bầu Đức, với sự hưng phấn cực độ của người hâm mộ bóng đá Việt Nam với thành công của lứa U19 HAGL, nhà cầm quân xứ Nghệ liệu có lựa chọn nào khác ngoài việc kiến tạo các đội tuyển của mình bằng những nòng cốt từ đội bóng phố Núi?
Ngày ấy, chắc hẳn bầu Đức đã hình dung ra một HAGL, một đội tuyển Việt Nam được kiến tạo từ những cầu thủ của ông chơi thứ bóng đá thêu hoa dệt gấm, với lối chơi tấn công say lòng người, chinh phục cả đối thủ lẫn con tim người hâm mộ. Những gì ông làm cho các cầu thủ trẻ của mình chứng minh điều đấy. Ông tuyệt đối tin vào điều đấy.
Bầu Đức có lý do để tin vào điều ấy. Bởi những cầu thủ trẻ trong tay ông từng được lựa chọn cực kỳ kỹ càng, đều là những tài năng xuất chúng từ lứa U11 ngày ấy, đều là những ngôi sao sáng nhất của các địa phương ở giải bóng đá Nhi đồng. Họ đều có tài năng, đều có tố chất ngôi sao. Và đều được chăm bẵm, huấn luyện ở một trung tâm bóng đá trẻ hàng đầu Việt Nam.
Họ từng chơi một thứ bóng đá làm say lòng khán giả, dựa vào kỹ thuật cá nhân, vào sự tinh tế, ăn ý dựa vào sự đồng cảm khi được tập luyện với nhau suốt gần 10 năm trời, bằng một thứ bóng đá tấn công đẹp mắt, "đè đối thủ ra mà đá", thứ bóng đá đậm chất cống hiến, là bản sao của lối chơi tiqui-taca mà cả Barcelona lẫn đội tuyển Tây Ban Nha từng làm mưa làm gió suốt nhiều năm dài.
Chỉ tiếc rằng, thứ bóng đá đậm chất ngẫu hứng, kỹ thuật và ăn ý ấy thành công quá sớm, khiến các chuyên gia và người hâm mộ phải trầm trồ khi chứng kiến U19 HAGL chơi bóng cũng chính là thứ khiến các "con cưng" của bầu Đức chết chìm trong chính ánh hào quang quá sớm của mình. Để rồi khi chạm phải thực tế khắc nghiệt, không chỉ lối chơi ấy phá sản, mà rất nhiều những cầu thủ tài năng ngày nào phải rơi rụng.
3. Dùng quân HAGL làm nòng cốt cho các đội tuyển trong tay mình, HLV Hữu Thắng dường như quên mất rằng HAGL đã thất bại thảm thương đến thế nào khi đôn gần như toàn bộ lứa U19 lên chơi V.League. Sự gắn kết vốn là điểm mạnh của những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn, Văn Thanh... những nó cũng lại chính là điểm yếu "chết người" của họ khi "đập mặt" vào thực tế khắc nghiệt của bóng đá đỉnh cao.
Sự gắn kết ấy, một khi đã bị đối thủ "đánh sập" mất một mắt xích, lập tức dễ dàng bị sụp đổ. Các cầu thủ trẻ HAGL đem lên V.League một thứ bóng đá đầy bản năng, như chính cái cách mà ông thầy người Pháp - Giôm Graechen, từng dạy cho họ suốt những năm tuổi thơ, và khi gặp phải thứ bóng đá đầy toan tính, thực dụng, nó không còn là thứ bóng đá "thêu hoa dệt gấm" mà bầu Đức từng khao khát, thay vào đó là sự tội nghiệp đến thương tâm.
Lứa U19 HAGL thiếu nhiều thứ để có thể vươn tới đỉnh cao, dẫu xét trên từng cá nhân, họ đều là những ngôi sao đầy tài năng của bóng đá Việt Nam. Họ thiếu đi thể lực khi quá chú trọng vào kỹ thuật, thiếu đi tính chiến thuật khi "ông giáo làng" Graechen chỉ có thể dùng mãi 1 "bài", và thiếu đi cả sự linh hoạt khi chạm mặt phải những đối phương "bắt bài" được mình.
Và trên hết, các cầu thủ HAGL, thậm chí cả Công Phượng, Xuân Trường cũng rất khó thích nghi với các đồng đội ở cấp độ đội tuyển khi đã quá quen với thứ bóng đá đậm chất bản năng của mình. Thất bại của HLV Hữu Thắng không có gì lạ, nó đã được dự báo từ trước. Nhưng có điều, thất bại ấy giúp rất nhiều cho người đi sau.
Người đại diện của HLV Park Hang-seo từng cực kỳ gắn bó với HAGL, và cũng là người đại diện của Xuân Trường. Chắc hẳn khi đặt chân đến Việt Nam, nhà cầm quân người Hàn Quốc đã có đầy đủ dữ liệu về quân HAGL. Và đấy cũng chính là lý do ông tách các cầu thủ HAGL ra. Không phải bởi ông đá giá thấp họ, mà làm như thế mới có thể giúp họ trưởng thành, theo đúng cách mà bóng đá phải làm.
Không còn những đồng đội HAGL ở xung quanh, những Công Phượng, Xuân Trường, Văn Thanh, Hồng Duy hay Minh Vương đã dần học được cách kết hợp giữa "lụa" và "thép", học cách bỏ lại đằng sau lối chơi từng là đích đến của bầu Đức, lối chơi từng khiến HLV Hữu Thắng phải cúi mặt ra đi, để chơi thứ bóng đá thực dụng hơn, nhưng đòi hỏi nhiều chất xám và sự nỗ lực hơn. Và cuối cùng, họ thành công.
Để Công Phượng và Xuân Trường ra đi lúc này, HAGL của bầu Đức sẽ ngập tràn khó khăn. Nhưng hơn ai hết, sau hơn nghìn ngày chứng kiến những gì HLV Hữu Thắng và Park Hang-seo làm với các "con cưng" của mình, chắc hẳn ông bầu phố Núi này đã ngộ ra được rằng đã đến lúc phải để Xuân Trường, Công Phượng ra đi - ra đi là để trở về, để đem lại thành công cho bóng đá Việt Nam, cho HAGL.
Chỉ có "quăng" Xuân Trường, Công Phượng vào những môi trường khắc nghiệt như đội bóng vô địch Thái Lan hay K.League, thì họ mới bù đắp lại được những tháng ngày mà những Quang Hải, Văn Hậu, Duy Mạnh, Đức Huy, Đình Trọng... được trui rèn với những người anh lớn, đầy kinh nghiệm và "độ quái", cũng như dưới sự huấn luyện của những HLV dạn dày kinh nghiệm ở CLB Hà Nội, ở U19 Việt Nam như HLV Hoàng Anh Tuấn.
HLV Hữu Thắng từng thất bại thảm thương. Nhưng thất bại ấy - may thay, lại là bài học rất đáng giá cho HLV Park Hang-seo, và cho cả bầu Đức. Có đánh giá đúng được thất bại ấy, mới có được sự cảm thông công bằng với người tiền nhiệm của thầy Park, mới gỡ được mối hàm oan mà nhà cầm quân gốc Hà Tĩnh này phải chịu suốt bấy lâu nay.