Formosa kéo lùi sự phát triển...
Phát biểu tại phiên thảo luận vào sáng nay (29/7), đại biểu Trần Công Thuật, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Quảng Bình cho rằng, sự cố môi trường do Formosa gây ra đã ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân, an ninh trật tự xã hội và lòng tin của nhân dân.
Các báo cáo của Quốc hội, Chính phủ đã đề cập đến sự cố. Tuy nhiên nhân dân và cử tri Quảng Bình cho rằng, ảnh hưởng sự cố môi trường biển do Formosa gây ra là rất nặng nề, hết sức nghiêm trọng.
"Nó kéo lùi sự phát triển của tỉnh Quảng Bình, cả về kinh tế, xã hội, an ninh trật tự mất ổn định và giảm lòng tin của nhân dân.
Trong suốt 4 tháng qua, sự cố môi trường đã làm cho kinh tế Quảng Bình điêu đứng, lòng dân không yên, bà con Quảng Bình rất bức xúc, phẫn nộ lên án hành động hủy hoại môi trường biển của Formosa vừa qua", ông Thuật nói.
Chính vì vậy, nhân dân và cử tri Quảng Bình đề nghị Chính phủ nhanh chóng giải quyết những khó khăn cho nhân dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường, trong đó có chính sách hỗ trợ ngư dân đến nay nhân dân chưa được hưởng.
Cần phải công khai, minh bạch những gì dân được đền bù, hỗ trợ cho ngư dân
Bà con cử tri đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước và xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong sự cố môi trường vừa qua, coi đây là bài học lớn, sâu sắc trong thu hút đầu tư, ứng phó với thảm họa môi trường, thiên tai, trong phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
"Tránh tình trạng lúng túng, né tránh trước sự cố xảy ra vừa rồi, dư luận và người dân cho là sự cố nghiêm trọng, rất lo lắng nhưng một số đồng chí lãnh đạo, cơ quan chức năng lại trả lời thiếu cơ sở khoa học, mơ hồ, cảm tính, không chính xác, thiếu thuyết phục khiến cho tình tình phức tạp hơn, bức xúc hơn", ông Thuật nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thuật, liên tiếp trong thời gian gần đây, phát hiện thêm nhiều sai phạm của Formosa là chôn lấp chất thải bừa bãi trái phép ở một số xã, với mức độ nguy hại hơn, cần sớm xử lý một cách kiên quyết với các hành vi này.
Cùng với đó, nhân dân và cử tri Quảng Bình cũng mong muốn các cơ quan chức năng khẩn trương, sớm trả lời khi nào thì đánh cá gần bờ được, khi nào ăn cá, hải sản được, khi nào môi trường biển an toàn được.
"Chúng ta cần tôm, cá, cần thép nhưng có cần Formosa đến 70 năm không?, một quả bom môi trường nằm sát kề ai cũng lo lắng", vị đại biểu này nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thuật, hiện nay, vấn đề môi trường biển đang bị các thế lực xấu lợi dụng để kích động nhân dân, gây rối làm mất trật tự an ninh xã hội, gây nghi ngờ trong nhân dân vào các chủ trương của Nhà nước.
Tuy nhiên, nhân dân cử tri Quảng Bình rất tin tưởng và mong muốn các kiến nghị trên được quan tâm giải quyết và đồng bào cả nước chia sẻ.
"Formosa là ai? là cái gì?"
Về nguyên nhân, giải pháp khắc phục liên quan đến sự cố môi trường do Formosa, đại biểu Thuật nêu rõ:
"Báo cáo cần nói rõ Formosa là ai? là cái gì? Tập đoàn thép của Trung Quốc, Đài Loan là ai, cổ đông nào chi phối? công khai để nhân dân được biết.
Trang 7 (báo cáo của Chính phủ về sự cố môi trường do Formosa gây ra gửi các đại biểu Quốc hội - PV) có câu "Đánh kẻ chạy đi không đánh người trở lại" thì hiểu như thế nào đối với Formosa, bà con cử tri nói với tôi là thay câu khác cho phù hợp. Đây là đạo lý của người Việt Nam nhưng không thể lạm dụng lòng tốt này của người Việt Nam trong sự việc này được".
Cũng theo đại biểu Thuật, báo cáo chỉ nêu, vai trò của các Bộ, ngành trung ương, cơ quan nhà nước, chưa nói đến vai trò của người dân, cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể địa phương.
"Vai trò của người dân là rất quan trọng, và sự tham gia của bà con nhân dân là tình cảm với Đảng, Nhà nước, chỉ một bộ phận nhỏ bị kích động còn đa số vẫn tin tưởng. Địa phương lăn lộn, trăn trở với người dân.
Báo cáo chưa phản ánh hết đâu là trọng tâm, cần xác định rõ địa bàn nào bị nhiều hay ít để có giải pháp thích hợp.
ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cũng cho rằng, sau sự cố Formosa này, bài học rút ra là cần phải có sự thay đổi, bổ sung các chính sách, quy định để ngăn chặn ngay từ ban đầu những nhà đầu tư gây ảnh hưởng đến đời sống, nhân dân.
Đồng thời, phải có biện pháp xử lý những cán bộ có liên quan kể cả không còn đương chức.