ĐB Lưu Bình Nhưỡng: Tách luật Giao thông đường bộ như 'tách con khỏi mẹ, cắt gan lại đi ghép thận'

Hoàng Đan |

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, việc tách luật sẽ làm tăng thêm thủ tục hành chính, đi ngược lại và không phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật về cải cách thủ tục hành chính.

Nếu tách Luật, đề nghị 'giao cảnh sát giao thông về Bộ Giao thông Vận tải'

Chiều 16/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, những cơ sở để tách luật Giao thông đường bộ thành 2 luật là Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà Chính phủ nêu trong báo cáo trình ra Quốc hội là "không thuyết phục".

"Nếu nói rằng luật GTĐB điều chỉnh 2 lĩnh vực lớn nên cần tách ra thì chúng ta phải tách ra nhiều Hiến pháp chăng? Bởi Hiến pháp điều chỉnh toàn các lĩnh vực lớn. Cho nên, lý giải điều này như thế không phù hợp", ôngLưu Bình Nhưỡng nêu.

Ông phân tích, giao thông đường bộ là một lĩnh vực mang tính chuyên ngành, chuyên sâu. Bên cạnh giao thông đường bộ, chúng ta có giao thông đường thủy, giao thông hàng không...

"Bây giờ chúng ta tách luật Giao thông đường bộ thì sau này lại phải tách các luật ở các lĩnh vực khác hay sao? Hay liệu chúng ta sẽ có luật riêng về bảo đảm an toàn Hiến pháp không?", ông Lưu Bình Nhưỡng đặt câu hỏi.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng cũng nêu: "Báo cáo của Chính phủ cho rằng, hành vi của người tham gia giao thông là một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng cấu thành nội hàm, khái niệm đảm bảo an toàn giao thông. Như vậy, ở đây có hành vi con người mà chúng ta lại tách ra như thế không khác gì "tách con ra khỏi mẹ" mà "cắt gan lại đi ghép thận", vì thế là không ổn".

Về mục đích xây dựng luật, ông Nhưỡng cho rằng, "càng thấy rõ bất hợp lý" vì 6 chính sách mà Chính phủ nêu khi xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ chứ không phải thuộc về vấn đề an ninh Quốc gia, phòng chống tội phạm.

Cũng theo ông Lưu Bình Nhưỡng, việc tách luật sẽ làm tăng thêm thủ tục hành chính, đi ngược lại và không phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật về cải cách thủ tục hành chính.

Ông Lưu Bình Nhưỡng lo ngại, việc tách luật sau này sẽ dẫn tới tình trạng "quyền anh, quyền tôi" mà Thủ tướng đã nhiều lần nhắc.

"Tôi cho rằng, bây giờ chúng ta không có cơ sở gì để phá vỡ Luật mà Quốc hội đã thông qua từ 2008 đang thực hiện, trong khi chỉ được đánh giá có một số vấn đề cần khắc phục.

Tôi có lúc cũng nói đùa với mọi người là "vợ con nhà mình mà đối xử với chồng, với bố không đàng hoàng thì chuyển sang nhà khác quản lý à"?.

Cho nên, chúng ta tách hành vi của con người ra khỏi hoàn cảnh, có nghĩa chúng ta làm sai về mặt nguyên lý luật quản lý. Một anh quản lý về hạ tầng, một anh quản lý về con người, như thế không đồng bộ.

Hạ tầng và con người phải đi cùng với nhau mà chúng ta lại tách ra là không đúng", ông Nhưỡng nói thêm.

Từ đó, ông Nhưỡng đề nghị Quốc hội giao lại Chính phủ nghiên cứu lại vấn đề này và đồng thời đề nghị Bộ GTVT nghiêm túc trong quá trình cho ý kiến, đánh giá về vấn đề này, vì ông chưa thấy ngành GTVT có ý kiến.

"Nếu có tách hai luật, đề nghị ngành Công an giao lực lượng cảnh sát giao thông về cho Bộ Giao thông Vận tải, để đảm bảo giữ nguyên quyền lợi, chế độ cho anh em. Việc tăng cường cảnh sát giao thông cho ngành giao thông tăng cường xử lý vi phạm còn hiệu quả hơn là tách luật", ông Nhưỡng đề xuất.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, mục đích tối cao và linh hồn của Luật Giao thông đường bộ nhằm tạo ra những khung pháp lý, những hành lang pháp lý, những quy tắc điều chỉnh hành vi của con người để bảo đảm cho an toàn.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng: Tách luật Giao thông đường bộ như tách con khỏi mẹ, cắt gan lại đi ghép thận - Ảnh 1.

ĐB Trương Trọng Nghĩa.

Chính vì vậy, ông Nghĩa nói, không tán thành việc tách luật này ra, còn như luật hiện tại chưa tốt cần bổ sung.

"Còn lấy lý do tách luật ra sẽ giảm tai nạn, tôi chưa thấy thuyết phục. Ngoài ra, hàng không, đường thủy, đường sắt cũng đều quan trọng như vậy.

Ai nói rằng an ninh hàng không kém quan trọng hơn an ninh đường bộ, vậy chúng ta có tách không, logic này xin nói thẳng, tôi không đồng tình. Tôi đề nghị, chúng ta tập trung củng cố Luật Giao thông đường bộ bằng cách bổ sung, sửa đổi và không tách luật", ông Nghĩa nói thêm.

Bộ trưởng Tô Lâm: "Đây không phải việc tách luật, chia luật hoặc chia quyền"

Giải trình các vấn đề ĐBQH quan tâm tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm cho hay, trong báo cáo tác động cũng như trong báo cáo đề xuất xây dựng luật, các quy định cũng đã nói rất rõ trách nhiệm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông là của Bộ Công an.

"Cũng có đại biểu băn khoăn là xác định trách nhiệm như vậy rõ chưa. Xin xác định rất rõ là Bộ Công an phải chịu trách nhiệm chính và có phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan, chính quyền các cấp về tổ chức, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội", ông Tô Lâm nói.

Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ, nếu QH đồng ý ban hành luật, giao trách nhiệm cho Bộ thì như báo cáo đánh giá tác động đã nêu, sẽ không tăng biên chế, chi phí không tăng, không lãng phí, không tăng về thủ tục hành chính.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng: Tách luật Giao thông đường bộ như tách con khỏi mẹ, cắt gan lại đi ghép thận - Ảnh 2.

Đại tướng Tô Lâm.

"Chúng tôi đã thảo luận rất kỹ trong tập thể Đảng ủy Công an TƯ, các cơ quan chuyên trách nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, QH, nhân dân về vấn đề bảo đảm trật tự an toàn giao thông", ông Tô Lâm nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng khẳng định, việc xây dựng Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ không phải là tách luật.

Theo ông Tô Lâm, cùng với sự phát triển chung của mọi mặt xã hội, quá trình làm luật càng ngày càng đi vào cụ thể, càng quy định vào chi tiết. Những vấn đề luật pháp, nhất là liên quan đến quyền con người, quyền công dân thì được cụ thể hóa.

Thực tế, từ một luật sau đó phát triển lên rất nhiều luật, ví dụ như Luật Đầu tư, giờ có Luật Đầu tư, đầu tư công, hợp tác công, tư. Luật Tố cáo, khiếu nại trước đây thành Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại.

"Rất nhiều các luật chuyên ngành chuyên nghề khác càng đi vào cụ thể. Đây không phải việc tách luật, chia luật hoặc chia quyền, chúng tôi không có ý đó", Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Người đứng đầu ngành công an chỉ rõ, nếu vấn đề Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ để chung với Luật Giao thông đường bộ thì quá dài.

"Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các cơ quan thẩm định của Quốc hội, đặc biệt hai Bộ GTVT, Công an nhất trí cao, đảm bảo không làm ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình triển khai, không vi phạm Luật Ban hành các quy phạm pháp luật", ông Tô Lâm nhấn mạnh thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại