Trải qua khoảng thời gian dài 4,567 tỷ năm kể từ khi Trái Đất hình thành, qua rất nhiều biến động địa chất cùng với sự xuất hiện của sự sống thủa sơ khai cách đây 4 tỷ năm, loài người chúng ta mới có cơ hội sinh sống và phát triển như ngày nay.
Video: Mô phỏng chuyển động của các mảng kiến tạo địa cầu, kéo theo sự hình thành các dãy núi, núi lửa và các châu lục trong lịch sử.
Video mô phỏng chuyển động của các mảng kiến tạo địa cầu trong quá trình phân chia từ siêu lục địa khổng lồ, kéo theo sự hình thành các dãy núi, núi lửa và các châu lục trên thế giới. Video: EarthByte Group.
Biểu đồ thời gian lịch sử Trái Đất. Ảnh Wikipedia.
Cùng với những tiến bộ khoa học vĩ đại, các thế hệ loài người đang thiết kế và định hình lại Trái Đất một cách nhanh chưa từng thấy: Chúng ta khai phá những ngọn núi cao, xây dựng những công trình ngầm dưới đất và làm chủ bầu trời với những bước vượt trội không ngờ.
Thế giới thủa sơ khai đang chuyển mình mạnh mẽ thành một thế giới do chính con người tạo ra và làm chủ.
Con người đang dần thay đổi thế giới...
Mặc dù được cho là "làm chủ" Trái Đất, nhưng con người vẫn chưa thể hiểu hết những bí mật bên trong lòng đất hay sâu dưới đại dương xanh thẳm.
Chỉ riêng trên bề mặt hành tinh xanh này, giới khoa học vẫn chưa thể lý giải hết những hiện tượng địa chất kỳ lạ vẫn đang hàng ngày diễn ra. Cái mà chúng ta "nhìn" được và chịu tác động trực tiếp là những trận động đất và núi lửa phun trào khủng khiếp, hệ quả mà nó mang lại có sức tàn phá và hủy diệt kinh hoàng.
Những thành quả hàng trăm năm xây dựng có thể sụp đổ trong phút chốc vì những biến động của tự nhiên. Khi đó, chúng ta lại gác tay lên trán và ngẫm nghĩ lại rằng: Hóa ra, cái mà (Trái Đất) chúng ta tưởng là đã "làm chủ" được lại đang làm chủ chính chúng ta!
Trái Đất "thống trị" loài người và vạn vật theo cách riêng của nó. Hình minh họa.
Tạm gác sang một bên những "cơn tức giận của tự nhiên" chưa bao giờ ngừng hủy hoại và tán phá con người cùng sinh vật sống trên Trái Đất, các nhà khoa học đã "bắt mạch" và cho ra những dự đoán về những biến động địa chất có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta mãi mãi.
Dưới con mắt nghiên cứu ngày đêm của các nhà khoa học, Trái Đất còn xảy ra rất nhiều biến động địa chất lớn nhỏ khác nhau, trong đó có sự kiện trọng đại: Thay vì có 5 châu lục như hiện nay, Trái Đất sẽ có thêm châu lục thứ 6!
Theo đó, các nhà địa chất dự đoán, khoảng 10 triệu năm nữa thôi, Đông Phi sẽ tách ra khỏi châu Phi để trở thành một châu lục riêng biệt.
Khu vực Đông Phi trên bản đồ thế giới.
Thảm họa nào khiến Trái Đất có 6 châu lục trong tương lai?
Cơ duyên đó mang tên "Vùng trũng Afar": Nơi hội tụ những thảm họa chết người như núi lửa, mạch nước phun, động đất và nước siêu nóng độc hại.
Theo các nhà địa chất học, vùng trũng Afar là nơi diễn ra hoạt động địa chất mạnh nhất trên Trái Đất tính cho đến thời điểm hiện tại.
Vùng trũng Afar trên bản đồ (màu đỏ đậm).
Vùng đất nằm giữa Ethiopia và Eritrea (Đông Phi) được ví là "lò bát quái" nóng nhất trên Trái Đất, nơi xảy ra 165 trận động đất với cường độ trung bình khoảng 4 độ Richter chỉ trong một năm.
Vùng trũng Afar là nơi hiếm hoi trên Trái Đất mà chúng ta có thể quan sát được các dãy núi ngầm dưới biển trồi lên.
Sâu khoảng 20km dưới vùng trũng nóng bỏng này là chảo dung nham sục sôi quanh năm, với nhiệt độ lên đến hàng nghìn độ C.
Vùng trũng Afar là có chảo dung nham nóng hàng nghìn độ C.
Do lớp đất tại vùng trũng Afar ngày càng mỏng đi vì hàng loạt các biến động địa chất xảy ra liên tục hàng năm, các nhà khoa học dự đoán, trong 10 triệu năm tới, các biến động này sẽ ngừng lại, để lại một khu vực trũng rộng lớn bị lấp đầy bởi nước biển, biến nó thành đại dương ngăn cách với đất liền.
"Tiên tri" này hoàn toàn có cơ sở khi quá trình Đông Phi bị chia cắt khỏi châu Phi bắt đầu lộ rõ từ năm 2005 khi vùng trũng này xuất hiện vết nứt trên bề mặt Trái Đất dài 60km.
Sau khi vết nứt này xảy ra, một khối lượng dung nham khổng lồ đủ phủ kín thủ đô London (Anh) đã trồi lên trong hõm chảo nóng.
Lượng dung nham trồi lên tại vùng trũng Afar có thể phủ kín thành phố London.
Như hiệu ứng liên hồi của quân cờ Domino, tại vùng trũng Afar ngày càng xuất hiện thêm những vết nứt dài đến hàng nghìn km (kéo từ Ethiopia đến tận Mozambique), tạo điều kiện cho nước biển xâm lấn, tạo thành một đại dương nước rộng lớn, chia cắt Đông Phi với châu Phi.
Quay trở lại thời điểm cách đây vài triệu năm, một vết nứt trên bề mặt Trái Đất đã chia cắt thành vùng Sừng châu Phi (ở Đông Phi) và tạo ra biển Đỏ và vịnh Eden như ngày nay.
Biển Đỏ và Vịnh Aden trên bản đồ (khoanh tròn đỏ).
Với "tiền lệ" trong lịch sử này, cộng với đặc điểm địa hình cùng động đất, núi lửa, các nhà địa chất không khó dự đoán về sự biến động địa chất trong vài triệu năm tới, khi Đông Phi rất có thể sẽ tách khỏi châu Phi hoàn toàn và tạo ra một châu lục riêng biệt.
Đọc tiếp: