Tại Việt Nam, số lượng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến xúc xích là khá nhiều với những cái tên như Dabaco, Việt Hương, Canfoco…..Tuy vậy, “thế chân vạc” thực sự chỉ nằm trong tay CP (Thái Lan) cùng 2 doanh nghiệp trong nước là Vissan và Thực phẩm Đức Việt.
Thực tế, lĩnh vực kinh doanh thịt nói chung và xúc xích nói riêng có tiềm năng phát triển khá lớn và điều này đã thu hút sự nhòm ngó của nhiều ông lớn.
Như trường hợp Vissan khi trong giai đoạn đầu năm 2016, câu chuyện đấu giá cổ phần của doanh nghiệp này đã trở thành đề tài rất nóng trên thị trường khi có tới 2 “đại gia” muốn trở thành cổ đông chiến lược là Masan và CJ (Hàn Quốc). Cuối cùng, phải đến “phút 90” cuộc đua mới ngã ngũ với phần thắng thuộc về Masan.
Hiện tại, Masan đang nắm giữ 25% cổ phần Vissan và tổng số tiền đã chi ra cho thương vụ này là 2.130 tỷ đồng. Như vậy, có thể tạm định giá Vissan vào khoảng 8.500 tỷ đồng, một con số không hề rẻ chút nào.
Trước đó, Masan cũng đã chi ra 200 tỷ đồng để thâu tóm Công ty thực phẩm dinh dưỡng Sài Gòn (Saigon Nutri Food)- một doanh nghiệp chuyên về sản xuất xúc xích tiệt trùng và đồ hộp.
Sau Vissan, mới đây thị trường đang xuất hiện những thông tin về việc Daesang- một tập đoàn lớn trong lĩnh vực thực phẩm Hàn Quốc sở hữu nhãn hiệu Miwon (mì chính, bột canh, nước tương…) chi 32 triệu USD (khoảng 720 tỷ đồng) để thâu tóm Đức Việt. Điều này có nghĩa, số tiền mà tập đoàn Hàn Quốc chi ra cho mỗi cổ phần Đức Việt lên tới 55.000 đồng.
Doanh nghiệp xúc xích trở thành “món ăn” hấp dẫn
Có thể thấy, mức định giá dành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thịt nói chung và xúc xích nói riêng như Vissan hay Đức Việt là rất cao. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi Vissan, Đức Việt có những lợi thế lớn về thị phần, thương hiệu, hệ thống phân phối…mà các doanh nghiệp mới tham gia thị trường sẽ rất khó cạnh tranh.
Với Đức Việt, doanh nghiệp này đã tiên phong đưa sản phẩm xúc xích tươi đến với người tiêu dùng từ những năm 2000. Hiện tại, Đức Việt đang chiếm lĩnh phân khúc xúc xích tươi tại thị trường miền Bắc và đó là lợi thế rất lớn của doanh nghiệp trong bối cảnh người tiêu dùng đang ngày càng dịch chuyển sang sử dụng các sản phẩm xúc xích tươi thay vì xúc xích tiệt trùng.
Số liệu mà Daesang công bố cho thấy kết quả kinh doanh năm vừa qua của Đức Việt khá tích cực với doanh thu đạt khoảng 600 tỷ đồng, lợi nhuận 40 tỷ đồng.
Trong khi đó, Vissan là doanh nghiệp chiếm lĩnh mảng xúc xích tiệt trùng tại Việt Nam với thị phần 65%. Theo báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2015 được công bố, doanh thu từ mảng xúc xích tiệt trùng của công ty đạt 952 tỷ đồng, chỉ chiếm 28% doanh thu toàn công ty.
Tuy vậy, lợi nhuận gộp từ xúc xích đạt tới 306 tỷ đồng, tương đương 52% lợi nhuận gộp toàn công ty và đây cũng là mảng kinh doanh hiệu quả nhất của Vissan với tỷ suất lợi nhuận 32%. Điều này có nghĩa bán xúc xích được 10 đồng thì lợi nhuận Vissan thu về lên tới 3 đồng.
Trước xu hướng tiêu thụ xúc xích đang thay đổi, Vissan cũng không đứng ngoài cuộc đua xúc xích tươi và những sản phẩm này đã ra mắt thị trường trong vài năm trở lại đây.
Xúc xích là sản phẩm mang lại biên lợi nhuận cao nhất cho Vissan
Tại ĐHCĐ diễn ra cách đây chưa lâu, lãnh đạo Masan từng cho biết mức giá bỏ ra để mua Vissan là khá cao nếu xét trên góc độ giao dịch chứng khoán thông thường. Tuy vậy, Masan đã đánh giá đây là một bước quan trọng để rút ngắn quá trình phát triển chuỗi giá trị 3F (Feed- Farm- Food).
Hiện tại, thị trường thịt của Việt Nam trị giá khoảng 18 tỷ USD và còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng. Do đó, lãnh đạo Masan tự tin rằng quyết định đầu tư vào Vissan không phải canh bạc mà là cơ hội lớn.