Đây là lý do khiến Triều Tiên làm giả cả Đô la Mỹ lẫn Nhân dân tệ?

Thủy Thu |

Chính quyền Triều Tiên bị cáo buộc là đã sản xuất lượng lớn tiền giả phục vụ giới nhà giàu mới nổi nhằm đổi lại sự ủng hộ chính trị từ giới này.

Báo tiếng Hoa Đa Chiều dẫn nguồn từ truyền thông Nhật Bản tiết lộ, chính quyền Triều Tiên đã sản xuất tiền giả bao gồm đô la Mỹ và nhân dân tệ, sau đó mang sang Trung Quốc mua hàng xa xỉ để cung cấp cho giới nhà giàu nước này nhằm duy trì sự ủng hộ của họ.

Theo The Diplomat (Nhật Bản), giới nhà giàu Triều Tiên thường sống trong những căn hộ cao cấp ở khu Pyonghatten, thủ đô Bình Nhưỡng.

Một ngày cuối tuần của họ bắt đầu bằng một ly cà phê thượng hạng, đến trưa diện đồ Adidas, buổi chiều đi gặp bác sĩ thẩm mỹ và buổi tối xuất hiện với hình tượng sang trọng nhất.

Do đó, một số ý kiến cho rằng, nếu nhà lãnh đạo Kim Jong Un không thể đáp ứng nhu cầu vật chất cho tầng lớp này thì họ rất dễ trở thành nhân tố quan trọng khiến Triều Tiên thay đổi.

Giới quan sát đánh giá, do quyền lực được xây dựng từ lòng trung thành truyền thống đang dần mai một cùng với việc chính sách quốc gia ngày càng nhận nhiều sự nghi ngờ cho nên ông Kim Jong Un chỉ có thể nhận sự ủng hộ chính trị nếu dựa vào giới nhà giàu hiện tại.

Vì thế, không quá khó để thấy tầng lớp này đảm nhận nhiều vị trí quan trọng từ các cơ quan chính phủ đến các đơn vị quân sự. Họ thao túng sự phát triển kinh tế đối ngoại và cũng là lực lượng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Triều Tiên.

Một số ý kiến cho rằng, chính phủ và giới nhà giàu Triều Tiên thực sự tồn tại một mối quan hệ "giao dịch chính trị".

Bên cạnh đó, những lệnh trừng phạt và cấm vận kinh tế của các nước, bao gồm cả Trung Quốc áp đặt khiến kinh tế Triều Tiên càng gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc giới nhà giàu nhận được "quà báo đáp" từ chính phủ càng trở nên khó khăn nên sự rạn nứt trong mối quan hệ "giao dịch chính trị " này rất dễ xảy ra.

Hơn nữa, do nguồn thu nhập từ bên ngoài eo hẹp, để thỏa mãn mong muốn của giới nhà giàu, chính phủ Triều Tiên buộc phải thử tất cả các "thủ đoạn" để đạt được kết quả mong muốn.

Do đó, trước tình trạng khan hiếm tiền tệ, Triều Tiên buộc phải sản xuất tiền giả.

Tháng 6 vừa qua, Bắc Kinh đã thu giữ một lượng lớn tiền Nhân dân tệ giả trong một vụ mua bán lớn giữa một công ty sản xuất điện tử Trung Quốc với cơ quan tình báo Triều Tiên.

Được biết, số đồ điện tử đắt tiền này được dùng để tặng các đảng viên trong lễ sinh nhật cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và dịp tổ chức Đại hội đảng lao động lần thứ 7.

Đây không phải là lần đầu tiên Triều Tiên sản xuất tiền giả của các nước khác. Trước đó, năm 2007, một quan chức chính phủ Mỹ đã tố Triều Tiên sản xuất đô la Mỹ giả.

Giới phân tích nhận xét, dù cho trong tình hình lạc quan nhất thì lòng trung thành của giới nhà giàu Bình Nhưỡng dành cho chính quyền Kim Jong Un đã bắt đầu có những dao động. Tầng lớp mới nổi này khi đang hưởng thụ cuộc sống xa hoa sẽ không chấp nhận gánh vác tránh nhiệm nặng nề từ hậu quả cấm vận kinh tế.

Nhận thức được mối quan hệ này sẽ dễ dàng rạn nứt trước sức nặng của sự cấm vận, chính phủ Triều Tiên đã cho sản xuất tiền giả để mua hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu vật chất của giới nhà giàu nước này.

Kim Jong Un thậm chí bằng lòng dùng số tiền giả lớn để thể hiện tầm quan trọng của giới này đối với nền tảng chính trị, thậm chí không tiếc đánh đổi bằng những rạn nứt trong quan hệ ngoại giao với các nước khác.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, những biện pháp trừng phạt kinh tế khiến phương thức "dùng vật chất đổi lấy sự ủng hộ chính trị" của chính phủ Triều Tiên bị vỡ kế hoạch nên giới nhà giàu dễ nảy sinh nghi ngờ đối với sự đáp ứng vật chất từ chính quyền Kim Jong Un.

Chính vì thế, giới này có thể sẽ khiến ông Kim đưa Triều Tiên vào công cuộc cải cách mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại