Đây là lý do đáng sợ phía sau việc tại sao TV càng ngày càng rẻ

Bảo Nam |

Bạn xem TV, nhưng ngược lại TV cũng đang "xem" bạn, hàng ngày.

Bạn ngồi một mình trong căn phòng kín, trên ghế sofa, trước TV để theo dõi chương trình truyền hình hay bộ phim mà mình yêu thích. Mọi việc hết sức bình thường, trừ chuyện bạn không hề đơn độc.

Cứ sau vài phút, TV của bạn sẽ phát ra một bản báo cáo về những gì hiển thị trên màn hình TV của bạn cho nhà sản xuất. Đó có thể là Samsung, LG hay bất cứ thương hiệu TV nào đã tạo ra nó. Và rất có thể, chiếc TV của bạn cũng đang theo dõi bạn, chỉ thông qua một vài pixel nhỏ xíu trên màn hình.

Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao TV đang trở nên ngày càng rẻ như vậy chưa? Hiệu quả sản xuất đóng một vai trò quan trọng, nhưng còn một nguyên nhân thú vị hơn. Đó là dữ liệu.

Đây là lý do đáng sợ phía sau việc tại sao TV càng ngày càng rẻ - Ảnh 1.

Hàng chục triệu người dùng đang bị theo dõi mỗi ngày, qua màn hình TV.

Giống như các trang web, ứng dụng hay thậm chí cả thẻ tín dụng, TV đang gia nhập hàng ngũ ngành kinh doanh sinh lợi, từ việc thu thập và chia sẻ thông tin của người dùng. Người Mỹ dành trung bình 3 tiếng rưỡi trước TV mỗi ngày, theo eMarketer. Còn theo một báo cáo cuối năm 2018 thì người Việt dành trung bình 1,5 giờ mỗi ngày trước TV.

Tất nhiên, các bản ghi từ TV có thể không chứa các truy vấn tìm kiếm nhạy cảm hoặc dữ liệu tài chính, nhưng lịch sử các chương trình cũng đại diện cho sở thích, tính cách, thói quen và nhiều yếu tố khác liên quan tới cá tính của người dùng. Và các nhà sản xuất đang thu thập chúng, một cách hợp pháp, vì hầu hết người dùng đã vô tình cho phép điều đó xảy ra.

Đây là lý do đáng sợ phía sau việc tại sao TV càng ngày càng rẻ - Ảnh 2.

Geoffrey A. Fowler, chuyên gia công nghệ của The Washington Post, đã thực hiện một thử nghiệm trên các TV kết nối Internet của các thương hiệu bán chạy nổi tiếng là Samsung, TCL, Roku, Vizio và LG.

Kết quả cho thấy dù người dùng đang xem nội dung qua tín hiệu phát trực tiếp, hay ứng dụng phát trực tuyến thì mỗi giây, các TV đều gửi báo cáo thường xuyên về cho nhà sản xuất. Không quan trọng là nguồn nội dung được phát từ cáp, ứng dụng, đầu DVD hay bộ giải mã tín hiệu (set-top box).

Nhiều nhà sản xuất TV cho biết việc theo dõi những gì người dùng xem giúp họ cung cấp các đề xuất nội dung hữu ích, theo hướng cá nhân hóa. Nhưng còn một điều được che giấu, đó là việc theo dõi TV đóng góp việc điền vào một đoạn dữ liệu còn thiếu về cuộc sống của mỗi người dùng, cho các nhà quảng cáo và công ty truyền thông.

Giống như trên Facebook, mọi thứ có thể trở nên đáng sợ. Các công ty dữ liệu sử dụng lịch sử TV của bạn để liên kết những gì bạn xem với những gì bạn làm trên điện thoại, máy tính bảng và máy tính xách tay. Điều đó giống như thể những chiếc TV có thể tự rời khỏi bức tường để chạy quanh xem bạn đang làm gì.

Đừng ngạc nhiên nếu quảng cáo trên máy tính, hoặc smartphone hiển thị nội dung liên quan tới chương trình thể thao hoặc dạy nấu ăn mà bạn xem mỗi tối. Cũng như không nên quá bất ngờ nếu sau khi mua một món đồ ngoài cửa hàng, quảng cáo của nó bắt đầu xuất hiện tràn ngập quanh bạn, từ trên TV cho tới máy tính bảng, điện thoại di động.

Nhưng các nhà sản xuất TV làm việc đó như thế nào?

Đây là lý do đáng sợ phía sau việc tại sao TV càng ngày càng rẻ - Ảnh 3.

Chẳng có nhà sản xuất nào đứng ngoài cuộc vui này, từ Samsung cho tới LG, TCL...

Công nghệ này gọi là ACR. Mỗi giây một lần, TV sẽ ghi lại dấu vết của những gì hiển thị trên màn hình. Nó trông giống như khoảng hai chục điểm ảnh, nằm rải rác xung quanh màn hình, thứ mà thiết bị có thể chuyển đổi thành một chuỗi số. Chuỗi số này được chuyển về cho nhà sản xuất.

Nó giống như một dạng "dấu vân tay", cho phép nhà sản xuất so sánh chúng với cơ sở dữ liệu về nội dung đã biết, giống như Shazam, một ứng dụng lắng nghe đoạn âm thanh để tìm bài hát gốc. "Dấu vân tay" này được bán cho khoảng 30 công ty khác nhau.

Nhiều nhà sản xuất nói rằng họ không vi phạm quyền riêng tư của người dùng, vì về mặt kỹ thuật, dữ liệu ACR không phải là thông tin nhận dạng cá nhân. Nhưng đi kèm với nó là địa chỉ về giao thức Internet của TV người dùng. Nó giúp cho các công ty quảng cáo liên kết được những gì mà bạn thấy trên TV với các nội dung khác mà người dùng tiếp xúc.

Đây là lý do đáng sợ phía sau việc tại sao TV càng ngày càng rẻ - Ảnh 4.

TV của Samsung và Roku kết hợp dữ liệu để xác định sở thích của một hộ gia đình, sau đó chèn quảng cáo ngay trên màn hình TV. Các công ty khác như sử dụng dữ liệu để quảng cáo nhắm mục tiêu trên máy tính và điện thoại. Ngoài ra, các dữ liệu này cũng giúp cho các nhà tiếp thị khớp thông tin từ những gì mọi người xem với các nguồn dữ liệu khác như ứng dụng, thẻ khách hàng thân thiết.. để đo lường hiệu quả quảng cáo. Họ muốn biết chính xác có bao nhiêu quảng cáo về sản phẩm mọi người đã thấy trước khi họ thực hiện hành vi mua.

Việc này về cơ bản nghe qua không có gì tai hại. Nhưng nó có thể bị lạm dụng để xen lẫn các nội dung chính trị, bởi các nhà hoạt động biết chính xác đối tượng mà họ cần nhắm tới thường theo dõi chương trình gì. Người xem sẽ bị cung cấp thông tin, quảng cáo hoặc thao túng một cách vô thức.

Đây là lý do đáng sợ phía sau việc tại sao TV càng ngày càng rẻ - Ảnh 5.

Thử nghiệm TV của Samsung cho thấy nó báo cáo dữ liệu đến một trang web có tên Samsungacr.com cứ sau vài phút. Ảnh: Geoffrey Fowler / The Washington Post

Tuy nhiên các nhà sản xuất không phạm luật, vì người dùng đã cấp quyền cho họ làm thế. Nhưng nếu hỏi, có lẽ 90% người dùng không nhớ là họ đã làm vậy. Bởi chúng là những đoạn văn bản được in rất nhỏ, nằm kẹp trong các điều khoản yêu cầu người dùng phải nhấp đồng ý khi cài đặt TV lần đầu tiên.

Vizio là công ty sản xuất TV hiếm hoi hiển thị các thông tin về việc thu thập dữ liệu này một cách rõ ràng trong phần cài đặt ban đầu. TV của Roku trộn lẫn các chức năng của thiết bị với nội dung thu thập thông tin. Samsung thì đặt các quy định này khá sâu trong phần "Điều khoản và Điều kiện", nội dung mà hiếm khi người dùng vào đọc.

Đây là lý do đáng sợ phía sau việc tại sao TV càng ngày càng rẻ - Ảnh 6.

Mọi thứ được giấu trong phần Điều khoản & Điều kiện, nơi người dùng không bao giờ mở ra đọc khi cài đặt thiết bị.

Tất nhiên, nếu người dùng có sự hiểu biết, họ có thể loại bỏ các tùy chọn này. Nhưng nó đồng nghĩa với việc sẽ phải tự tay tinh chỉnh lại các cài đặt từ ban đầu, điều không ai thực sự muốn làm. Đây cũng là cách lách luật của các nhà sản xuất.

Và cho tới khi các nhà làm luật bổ sung các điều khoản mới, nhằm cung cấp nhiều công cụ hơn trong việc bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng, chúng ta vẫn sẽ phải chấp nhận nó như một việc tất nhiên.

Ít ra thì, giá TV cũng nhờ thế mà càng ngày càng giảm, như một sự an ủi nhẹ nhàng.

Những chiếc TV đang theo dõi người dùng như thế nào?

Tham khảo Washington Post

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags

TV

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại