Nhà tỷ phú đầu tư Wilbur Ross, người được Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump lựa chọn cho vị trí Bộ trưởng Thương mại Mỹ, đã có một buổi điều trần suôn sẻ trước Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ.
Trump coi Ross là người dẫn đầu trong lĩnh vực thương mại và đặt khá nhiều trọng trách lên vai ông. Khi còn tranh cử, Trump đã nhiều lần cam kết sẽ thảo lại thỏa thuận thương mại với các nước như Trung Quốc và Mexico theo hướng công bằng hơn với người lao động Mỹ.
Trong buổi điều trần, ông Ross đã hé lộ một số quan điểm về cách thức nhằm hiện thực hóa cam kết này.
Trước hết là Mexico
Trump đã cam kết sẽ đàm phán lại Thỏa thuận Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) - văn kiện 25 năm tuổi đã dẫn tới sự tăng trưởng bùng nổ ở lĩnh vực sản xuất xe hơi và nhiều mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ của Mexico.
"Theo logic, NAFTA sẽ là vấn đề đầu tiên chúng tôi giải quyết", ông Ross nói trong phiên điều trần, "Chúng tôi sẽ làm việc trong phạm vi của mình trước khi tiếp xúc với các khu vực có thẩm quyền khác. Chủ đề này sẽ sớm được bàn thảo trong chính quyền sắp tới".
Hiện vẫn chưa rõ liệu ông Trump sẽ yêu cầu tiến hành những thay đổi chính yếu, dẫn tới việc hủy bỏ hoàn toàn hiệp ước, hay chỉ đưa ra một vài điều chỉnh nhỏ.
Trung Quốc sẽ phải lo lắng
Ross không đao to búa lớn như Trump, người đã nói rằng Trung Quốc đang "cưỡng bức" nước Mỹ và "cướp mất bữa ăn của chúng ta".
Tỷ phú Wilbur Ross, người được Trump đề cử làm Bộ trưởng Thương mại Mỹ.
Thay vào đó, Ross đã thể hiện những hiểu biết sâu rộng của mình về kinh tế Trung Quốc và những chính sách được đưa ra để tạo ưu thế cho nước này. Ví dụ như "những tập đoàn nhà nước" không mang về lợi nhuận nhưng lại đem những sản phẩm giá thành thấp như nhôm thép rải khắp các thị trường toàn cầu, cạnh tranh với các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu.
"Trung Quốc là đất nước nặng chủ nghĩa bảo hộ nhất trong số các nước lớn", Ross nhận định, "Họ có những hàng rào thuế quan và phi thuế quan rất cao trong thương mại. Về thương mại tự do, họ nói nhiều hơn làm".
Lời đe dọa áp thuế sẽ không thành sự thật?
Ross không "hâm mộ" thuế, thứ sẽ đẩy cao giá hàng hóa nhập khẩu và thúc đẩy lạm phát - gây ảnh hưởng tiêu cực tới người tiêu dùng thông thường.
Ross thừa nhận "thuế có mặt tích cực khi sửa chữa những thủ tục không phù hợp", nhưng ông cũng nhắc tới những thiệt hại do thuế Smoot - Hawley gây ra vào những năm 1930, quyết sách được áp dụng với mục đích thúc đẩy sản xuất nội địa Mỹ nhưng cuối cùng lại khiến cuộc Đại Suy thoái trở nên tồi tệ hơn.
"Phương án đó không hiệu quả lắm và có vẻ nó cũng sẽ không phù hợp với hiện tại", Ross nhấn mạnh.
Quan điểm này hẳn sẽ trấn an nhiều nhà kinh tế, những người vẫn sợ Tổng thống đắc cử Trump châm ngòi cho những cuộc chiến thương mại và đưa ra những chính sách lợi bất cập hại cho nền kinh tế Mỹ.
Ưu tiên thúc đẩy xuất khẩu
Ứng viên Bộ trưởng Thương mại Mỹ tin rằng thúc đẩy xuất khẩu Mỹ - mà không phải viện tới phương án thuế - là cách tốt nhất để giảm thâm hụt thương mại Mỹ và tạo ra nhiều việc làm trong ngành sản xuất.
Việc này sẽ không dễ khi đồng dollar mạnh (như mức hiện tại) bởi hàng hóa do Mỹ sản xuất trở nên đắt đỏ hơn ở nước ngoài. Nhưng thuyết phục các đối tác thương mại mua thêm hàng xuất khẩu của Mỹ để né tránh những biện pháp trừng phạt như thuế có lẽ sẽ là bản lề trong chính sách thương mại dưới thời Trump.
Đây sẽ là nước cờ đầu tiên của Mỹ với Mexico và sau đó là Trung Quốc. Một sản phẩm của Mỹ có vẻ phù hợp với hướng đi này. Đó là khí đốt tự nhiên và các loại năng lượng khác.
Ross cũng chỉ ra rằng nhiều công ty công nghệ Mỹ không thể vào Trung Quốc vì phản đối một số nội dung chưa qua kiểm duyệt mà họ đăng tải. Nếu nới lỏng các yêu cầu này, các công ty của Mỹ sẽ có thể tiếp cận được thị trường đang bùng nổ của Trung Quốc và tạo thêm nhiều việc làm ở quê nhà.
Cốt lõi của chính sách thương mại dưới thời Trump
Cắt giảm thuế và bãi bỏ quy định sẽ là một phần chủ chốt trong chính sách thương mại của Trump. Tổng thống đắc cử của Mỹ muốn giảm thuế doanh nghiệp, tăng tính cạnh tranh với mức thuế ở các nước phát triển khác.
Bên cạnh đó, Trump còn có những kế hoạch đồ sộ nhằm xóa bỏ nhiều quy định mà doanh nghiệp Mỹ đang phải chật vật đáp ứng. Nỗ lực này có thể làm tăng tỉ lệ tuyển dụng ở các công ty Mỹ bằng cách giải phóng vốn, nhưng cũng sẽ tạo điều kiện cho các công ty nước ngoài tuyển dụng nhân lực tại Mỹ.
"Nếu hạ thấp thuế doanh nghiệp, ta có thể thu hút họ", Ross nói, "Giảm bớt một số thủ tục, quy định cũng sẽ rất có lợi".