Nạn săn trộm báo đốm tăng mạnh
Vào tháng 5/2019, một xác báo đốm không đầu xuất hiện trong một bãi rác ở miền Nam Belize. Đây là một trường hợp trong loạt các vụ việc tương tự, làm gia tăng sự tức giận của người dân địa phương, khiến chính quyền, người dân và doanh nghiệp có liên quan đưa ra tổng số tiền thưởng là 8.000 USD để tìm kiếm thông tin về những kẻ săn trộm.
Đây không chỉ vấn đề của một quốc gia. Vụ việc ở Belize dường như cho thấy, từ Mexico đến Argentina, nạn săn trộm động vật hoang dã trong khu vực này đang gia tăng.
Pauline Verheij, một chuyên gia về tội phạm động vật hoang dã độc lập cho biết, trong những năm gần đây, cô liên tục điều tra các hoạt động buôn bán báo đốm ở Suriname và Bolivia. "Gần đây, ở hầu hết các nước Mỹ Latinh (nếu không phải tất cả), chính sách ngăn chặn tội phạm săn bắn động vật hoang dã mới trở thành vấn đề ưu tiên".
Trong nhiều năm qua, Verheij và những người khác đã cảnh báo rằng hoạt động buôn bán báo đốm dường như đang gia tăng. Đồng thời, loài mèo khổng lồ này đang trên bờ vực tuyệt chủng , chủ yếu là do mất môi trường sống và sự trả thù vì giết gia súc.
Theo The New York Times (Mỹ - NYT), các chuyên gia nghiên cứu nạn buôn lậu động vật hoang dã cũng đã phát hiện ra rằng nhiều trường hợp săn bắn báo đốm có liên quan đến công dân Trung Quốc hoặc các điểm đến ở Trung Quốc.
Ví dụ, ở Bolivia, chính quyền đã chặn các kiện hàng chuyển đến Trung Quốc khi bên trong chứa hàng trăm chiếc răng báo đốm đã được chế tác thành đồ trang sức. Tuy nhiên, bằng chứng liên quan không đủ.
Một cửa hàng thuốc ở Peru, có bán bộ phận cơ thể báo đốm. Ảnh: NYT
Mới đây, một bài báo nghiên cứu được công bố trong tháng này trên tạp chí Conservation Biology cung cấp một cái nhìn tổng quan đầy đủ hơn về nạn buôn bán bất hợp pháp loài báo đốm, tập hợp dữ liệu từ khắp Trung và Nam Mỹ. Kết quả nghiên cứu xác nhận rằng, các vụ săn bắn, buôn lậu bộ phận cơ thể báo đốm đã tăng đáng kể trên toàn khu vực, và có một mối tương quan đáng kể giữa đầu tư tư nhân Trung Quốc với nạn buôn bán bất hợp pháp loài này.
Thaís Morcatty, nghiên cứu sinh tiến sĩ nhân chủng học tại Đại học Oxford Brookes và là tác giả thứ nhất của bài báo, nói: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi có sự hiểu biết toàn diện về tình hình buôn bán bộ phận cơ thể báo đốm ở Trung và Nam Mỹ".
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tương tự như mô hình săn bắn trộm ở Đông Nam Á và Châu Phi, sự gia tăng của các doanh nghiệp đầu tư Trung Quốc vào các dự án phát triển quy mô lớn có liên quan đến sự gia tăng các giao dịch buôn bán động vật hoang dã hợp pháp và bất hợp pháp (bao gồm cả loài mèo lớn).
"Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng, mô hình mà chúng ta thấy ở châu Á và châu Phi hiện đang bắt đầu xuất hiện ở Nam Mỹ", Vincent Nijman, đồng tác giả của bài báo cho biết. "Chỉ cần có nhu cầu thì sẽ được thỏa mãn, dù cho có phải đến một lục địa khác ở phía bên kia của thế giới."
Loài báo đốm Nam Mỹ gần như đã tuyệt chủng trong quá khứ do nạn săn trộm. Vào thế kỷ 20, săn bắn lấy lông gần như dẫn đến sự biến mất của loài này. Mỹ chiếm phần lớn trong buôn bán báo đốm, nhập khẩu hơn 23.000 miếng da báo vào năm 1968 và 1969. Ngay cả ở những vùng xa xôi của Amazon, số lượng báo đốm đang giảm mạnh; năm 1975, các nhà hoạch định chính sách đã cấm buôn bán quốc tế loài mèo lớn này.
"Trong quá khứ, vì áp lực săn bắn khổng lồ trong một khoảng thời gian ngắn, chúng ta gần như mất đi loài báo đốm", Morcatty nói. "Công tác phục hồi số lượng báo đốm đã tiêu tốn nỗ lực và đầu tư trong hàng thập kỷ của rất nhiều quốc gia và tổ chức".
Số lượng báo đốm vốn đang dần tăng lên với ước tính có khoảng 60.000 đến 170.000 cá thể . Nhưng hiện nay, chúng lại có nguy cơ giảm dần. Morcatty nói rằng, mặc dù nạn săn trộm do các giao dịch bất hợp pháp có thể không phải là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm số lượng báo đốm, nhưng nó sẽ làm tăng áp lực lên các phương diện khác. Ví dụ, nếu chủ trang trại biết rằng họ có thể nhận được tiền để giết chúng, họ rất có thể giết chết báo đốm trên đất của mình.
"Chúng ta không thể cho phép mối đe dọa mới này được kết hợp với các mối đe dọa hiện có", cô nói.
Tình hình tương tự đã diễn ra ở miền Nam Nam Phi. Ở Nam Phi, việc buôn bán hợp pháp xương sư tử nuôi xuất khẩu sang Trung Quốc đang phát triển, điều này có thể tạo ra thị trường mới cho các sản phẩm sư tử bị săn trộm.
Vấn đề trả thù sát hại sư tử đã tấn công gia súc hoặc người vốn luôn tồn tại ở miền Nam châu Phi, và bây giờ "nó không chỉ là một xác chết sư tử đã từng gây họa, mà các bộ phận cơ thể của nó đã được xử lý để đưa vào chuỗi giao dịch", Andrew Lemieux, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu về tội phạm và thực thi pháp luật Hà Lan, nói: "Như vậy có thể kiếm được rất nhiều tiền".
Đầu tư của TQ vô hình trung đẩy nhanh giao dịch
Những dấu hiệu sớm nhất về các mối đe dọa ngày càng tăng ở Nam Mỹ, bao gồm một sự cố xảy ra vào năm 2003. Một người đàn ông Trung Quốc làm việc trong một siêu thị Trung Quốc ở Paramaribo, Suriname đã tiếp cận một kiểm lâm và hỏi liệu người này liệu có thể lấy cho anh ta một cá thể báo đốm không.
"Người liên lạc của tôi nói với anh ta rằng việc giết cá thể báo đốm là bất hợp pháp", Verheij nói. "Người đàn ông này lại có thể vô tư yêu cầu quan chức chính phủ làm những việc phi pháp, điều này khiến anh ta bị sốc".
Da báo đốm bị thu giữ ở Brazil. Ảnh: NYT
Đối với quan chức này, cuộc đối thoại kết thúc ở đây. Nhưng vào năm 2005, những người thợ săn ở vùng nông thôn Suriname đã nhận được đơn đặt hàng cho răng và móng báo đốm - họ thường gửi toàn bộ đầu báo đốm cho khách hàng Trung Quốc ở thủ đô của Suriname.
Người mua chế tác móng và răng báo thành mặt dây chuyền, bán chúng tại các cửa hàng trang sức Trung Quốc ở bản địa, hoặc buôn lậu về Trung Quốc. Một số nhà hàng Trung Quốc ở Suriname cũng bắt đầu phục vụ thịt báo đốm trong thực đơn. Cuối cùng, tội phạm doanh nghiệp hóa đã phát triển đến mức tìm kiếm toàn bộ cơ thể báo đốm, nấu cao thành một sản phẩm tương tự như cao hổ truyền thống của Trung Quốc.
Để đánh giá mức độ nghiêm trọng của vấn đề, Morcatty và các đồng nghiệp đã thu thập các bài viết, báo cáo kỹ thuật và hồ sơ cảnh sát từ tất cả 19 quốc gia ở Trung và Nam Mỹ từ năm 2012 đến 2018 để tìm các bộ phận cơ thể của loài mèo lớn bị tịch thu. Kết quả là, họ đã tìm thấy hồ sơ của 489 vụ, liên quan đến khoảng 1.000 cá thể mèo lớn chủ yếu là báo đốm, ngoài ra còn có báo sư tử và mèo rừng Nam Mỹ. Họ ước tính chỉ trong 5 năm, số lượng báo đốm được thu giữ đã tăng gấp đôi.
"Thật kinh ngạc", Morcatty nói.
Trong số các trường hợp này, Brazil chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp theo là Bolivia, Colombia, Peru và Suriname. Hầu hết các hồ sơ thu giữ không cho thấy điểm đến cuối cùng và người mua tiềm năng nhưng 34% vụ án có liên quan rõ ràng đến Trung Quốc. Trung bình, số bộ phận cơ thể của báo đốm trong các vụ thu giữ liên quan đến Trung Quốc lớn gấp 13 so với số lượng lưu thông ở thị trường địa phương.
Tiến sĩ Lemieux, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết bài báo đã tiết lộ một khu vực thường bị các chuyên gia về buôn bán động vật hoang dã bỏ qua. "Trong lĩnh vực bảo tồn, Nam Mỹ - trong số tất cả các châu lục trừ Nam Cực - ít nhận được sự chú ý", ông nói.
Tương tự, báo đốm thường không được đánh giá cao bằng hổ, sư tử và báo hoa, Tiến sĩ Lemieux nói, nhưng "giao dịch báo đốm quốc tế rõ ràng đang thay đổi".
Trong thập kỷ qua, đầu tư tư nhân của Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần ở Trung và Nam Mỹ, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, khoáng sản và cơ sở hạ tầng. "Nhìn chung, chúng tôi thấy rằng các quốc gia có dòng vốn mới của Trung Quốc dường như là các quốc gia gia tăng về giao dịch báo đốm bên ngoài", Tiến sĩ Nijman nói.
Bản thân đầu tư của Trung Quốc không phải là một điều xấu. Trên thực tế, nó mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc và Nam Mỹ, Sue Lieberman, Phó chủ tịch chính sách quốc tế tại Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã quốc tế nhận định. "Nhưng chúng ta nên làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng đầu tư của Trung Quốc có lợi cho môi trường và xã hội", bà nhấn mạnh.
Ngoài việc người mua đưa các sản phẩm báo đốm về Trung Quốc thì chính sự gia tăng này, đặc biệt là việc xây dựng đường sá hoặc khai thác rừng ở khu vực nguyên sinh, chính là nơi động vật hoang dã và con người có thể tiếp xúc gần nhau hơn, thì những kẻ săn bắn bất hợp pháp càng được lợi.
Ví dụ, một nghiên cứu được công bố vào tháng 3 cho thấy, cải tạo đất nông nghiệp ở Amazon gây ra sự phát triển của nạn săn trộm báo đốm . Khi các công ty Trung Quốc đầu tư khai thác ở đây, tỷ suất săn bắn trộm và giao dịch bất hợp pháp động vật hoang dã tăng mạnh.
"Đầu tư của Trung Quốc vào việc khai thác rừng đã đẩy nhanh giao dịch - điều này có liên quan đến nhau", Morcatty nói.
Mô hình này có thể giống với tình hình ở lục địa châu Phi. Trong một báo cáo được công bố năm ngoái, Alfan Rija, một nhà khoa học bảo tồn sinh thái tại Đại học Nông nghiệp Sokoine ở Tanzania, đã phát hiện ra rằng người Đông Phi thường săn lùng động vật hoang dã nhằm đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc, và 45 loài đã bị săn bắn, từ voi, tê giác đến cá ngựa và linh cẩu - hầu hết người mua là công dân Trung Quốc.
"Hầu hết những người Trung Quốc ở đây do các công ty cử đến và chúng tôi đã thấy những tình huống tương tự ở Nam và Trung Mỹ. Có nhiều công ty Trung Quốc đang tiến hành khai thác", Tiến sĩ Rija nói." Những cơ hội khai thác này cung cấp các kênh giao dịch bất hợp pháp".
"Bản thân việc buôn lậu cơ thể báo đốm là nghiêm trọng nhất, không phải là xương để thay thế xương hổ, mà là răng để làm đồ trang sức", cô nói.
NYT cho rằng, Trung Quốc là quốc gia tiêu dùng chính của sản phẩm từ các giống mèo lớn khác, đặc biệt là hổ. Từ trước đến nay, họ ưa chuộng điều này vì xương hổ và một số bộ phận cơ thể được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc. Gần đây, răng hổ và móng hổ đã xuất hiện và được bán dưới dạng trang sức. Nhưng khi số lượng hổ giảm xuống dưới 4.000 cá thể trong tự nhiên, các thương nhân đành chuyển sự chú ý sang các nguồn khác để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Báo đốm có thể đáp ứng một bộ phận trong số họ.
Angela Nuñez, một nhà sinh vật học từng làm việc trong Bộ Môi trường Bolivia nói rằng do quy mô của vấn đề lớn hơn so với tiết lộ trong nghiên cứu mới của nhóm Morcatty và do thiếu nguồn lực nên các cuộc điều tra đang phải đối mặt với nhiều thách thức.