Vì sao nói kinh tế thế giới phải trả giá đắt nếu cưỡng lại sức hút của Trung Quốc

An An |

Theo The New York Time, thoát khỏi sức hút của Trung Quốc là điều không dễ dàng và các doanh nghiệp nước ngoài sẽ phải trả cái giá rất đắt nếu chia tay Bắc Kinh.

Nhiều người từ lâu đã lo lắng về sự phụ thuộc của nền kinh tế thế giới vào Trung Quốc. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng, nhiều quốc gia đang cố gắng giảm tiếp xúc kinh doanh liên quan đến Bắc Kinh.

Nhật Bản đã phân bổ 2,2 tỷ USD để giúp các công ty chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Các Bộ trưởng Thương mại châu Âu nhấn mạnh sự cần thiết phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Một số quốc gia, bao gồm Australia và Đức, đã có hành động để ngăn chặn các quốc gia như Trung Quốc mua lại các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do lệnh phong tỏa. Phái diều hâu trong chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng tiếp tục thúc giục việc tách rời kinh tế khỏi Bắc Kinh.

Tuy nhiên, các quyết định sản xuất và bán hàng thực tế được đưa ra bởi các công ty tư nhân và việc cân nhắc của họ phức tạp hơn nhiều.

Theo The New York Time, thoát khỏi sức hút của Trung Quốc là điều không dễ dàng và các doanh nghiệp nước ngoài sẽ phải trả cái giá rất đắt nếu chia tay Bắc Kinh.

Tờ này nhận định, bất chấp thực tế, sức mạnh kinh tế của Trung Quốc vẫn là hy vọng cuối cùng để tránh suy thoái kinh tế toàn cầu.

"Khi tất cả những điều này bắt đầu [Covid-19 bùng phát], chúng tôi đã suy nghĩ, chúng tôi có thể đi đâu khác?", Fedele Camarda, ngư dân nuôi tôm hùm thế hệ thứ ba ở Tây Australianói. Hầu hết sản phẩm đánh bắt trong khu vực được bán cho Trung Quốc.

"Mặc dù [Trung Quốc] chỉ là một thị trường", ông nói, "nhưng đó là một thị trường rất lớn".

Đoàn thuyền trở về

Vào những năm 1990, Camarda bắt đầu đánh bắt tôm hùm ở bờ biển phía Tây Australia và sản phẩm đánh bắt của ông cuối cùng đã xuất hiện trên bàn ăn ở nhiều quốc gia.

Tôm hùm tươi đi Nhật Bản. Tôm đóng hộp đến Mỹ. Phần còn lại được đưa vào thị trường nội địa hoặc lân cận Australia.

Nhưng bắt đầu từ khoảng năm 2000, Trung Quốc đưa ra mức giá cao hơn cho tôm sống và tăng lượng mua. Điều này dẫn đến sự phụ thuộc gần như hoàn toàn của ngành công nghiệp tôm hùm Australia vào thị trường Trung Quốc và tạo ra cảm giác tự mãn: Đến đầu năm nay, 95% sản lượng tôm hùm gai của Australia đã được bán cho doanh nghiệp và nhà hàng Trung Quốc.

Vì sao nói kinh tế thế giới phải trả giá đắt nếu cưỡng lại sức hút của Trung Quốc  - Ảnh 1.

Fedele Camarda (ngoài cùng bên trái), ngư dân nuôi tôm hùm thế hệ thứ ba ở Tây Australia. Ảnh: NYT

"Để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, chúng tôi đã thảo luận các chiến lược khác nhau để giải quyết vấn đề này", Camarda nói. "Chỉ là chưa có cơ hội để thực hiện".

Đến ngày 25/1, khi nhu cầu đa dạng hóa được ghi nhận thì họ vẫn chưa thể hành động.

Vào thời điểm đó, do dịch bệnh bùng phát nên Trung Quốc đã ngừng thu mua tôm hùm. Việc các khu chợ hải sản chính thức đóng cửa đã khiến tất cả 234 tàu đánh bắt tôm hùm trên bờ biển phía Tây Australia ngừng hoạt động. Hơn 2.000 người mất việc.

Các doanh nghiệp chế biến tôm hùm Australia liền cố gắng nhanh chóng đa dạng hóa thị trường, liên lạc với các đối tác cũ từ mọi quốc gia, nỗ lực khôi phục các mối quan hệ cũ cách đây hàng thập kỷ. Hiệp hội các ngành công nghiệp cũng yêu cầu chính phủ giúp đỡ trong năm nay để tăng hạn ngạch, kéo dài mùa đánh bắt và tự do bán sản phẩm trực tiếp cho người dân, tất cả đều được cơ quan quản lý thủy sản phê duyệt.

Nhưng những điều này không mang lại nhiều lợi ích cho Camarda. Mặc dù việc xuất khẩu một số loại thực phẩm sang Trung Quốc ở các nơi khác trên thế giới đã tăng (như thịt gà của Brazil), nhưng rất ít tàu cá ra khơi vào tháng 2,3,4 và sản lượng không lớn.

Camarda ra khơi khoảng một tháng trước. Công ty của ông bắt đầu nhận các đơn đặt hàng từ Trung Quốc với mức giá bằng khoảng một nửa của tháng 1. Các đơn đặt hàng không lớn nhưng ngành công nghiệp này đã thống nhất ý kiến ​​và cố gắng xây dựng lại mối quan hệ với Trung Quốc thay vì tìm kiếm các thị trường khác.

"Dù giá thấp và số lượng giảm nhưng chúng tôi vẫn cần tìm cách phục vụ thị trường đó, bởi vì đáp ứng được thị trường đó là điều khả thi đối với chúng tôi", Matt Taylor, Chủ tịch Hiệp hội tôm hùm Tây Australia nói.

Khoảng một tháng trước, vẫn còn một thách thức lớn: Giao thông vận tải. Khi máy bay chở khách, chuyên chở phần lớn khối lượng hàng hóa của thế giới, bị đình chỉ và giảm vận chuyển, chuỗi cung ứng tôm hùm đã bị gián đoạn. Do đó, chính phủ Australia đã một lần nữa ra tay, lần này họ cung cấp khoảng 70 triệu đô la Australia để trợ cấp các chuyến bay riêng cho xuất khẩu thủy sản.

Mặc dù kêu gọi tăng cường tự cung tự cấp, đa dạng hóa thị trường trong khi Trung Quốc có hành động gây khó khăn cho ngành xuất khẩu lúa mạch và thịt bò nhưng Australia đã không thể rời thị trường Trung Quốc mà đang cố gắng quay lại thị trường này.

Không phải là cứu tinh

Khi ngành công nghiệp Đức phải đối mặt với sự suy thoái kinh tế nghiêm trọng thì sự cứu trợ đến từ Trung Quốc. Sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc và khao khát công nghệ phương Tây đã giúp các nhà xuất khẩu Đức nhanh chóng phục hồi sau cuộc suy thoái nghiêm trọng 10 năm trước.

"Tôi đã điều hành hai thị trường vào năm 2008: Trung Quốc và Trung Đông", Olaf Berlien, CEO của Osram, một trong những doanh nghiệp chiếu sáng lớn nhất thế giới có trụ sở tại Munich, cho biết.

Nhưng ông không cho rằng doanh số bán hàng ở Trung Quốc sẽ một lần nữa cứu ngành công nghiệp Đức.

Vì sao nói kinh tế thế giới phải trả giá đắt nếu cưỡng lại sức hút của Trung Quốc  - Ảnh 2.

Osram là một trong những doanh nghiệp chiếu sáng lớn nhất thế giới có trụ sở tại Munich. Ảnh: NYT

"Trung Quốc vẫn là một thị trường," Berlien nói, "Nhưng không phải là một thị trường tăng trưởng".

Ngay cả trước khi đại dịch buộc Trung Quốc phải áp dụng các biện pháp cách ly, Osram đã không còn lạc quan về thị trường Trung Quốc. Sau nhiều năm tăng trưởng hai con số, doanh số bán ô tô của Trung Quốc đã giảm trong năm 2019, chủ yếu là do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Vấn đề là không có thị trường nào khác có thể thay thế vị trí của Trung Quốc như là động lực tăng trưởng của thế giới. Berlien nói rằng Ấn Độ có tiềm năng nhưng thị trường đó quá hỗn loạn. Giá dầu lao dốc đã khiến các quốc gia Trung Đông như Ả Rập Saudi và Qatar không còn giàu có như trước đây.

Những kỳ vọng thấp hơn của Berlien đối với Trung Quốc phản ánh sự nghi ngờ ngày càng tăng ở nhiều nơi khác nhau ở châu Âu về lợi ích của việc chuyển sang siêu cường châu Á này khi cần thiết. Vào tháng 4 năm nay, khi Ủy viên Thương mại EU Phil Hogan kêu gọi thảo luận về chiến lược tự chủ, ông đã lặp lại mối quan tâm của các quan chức Đức và Pháp.

Osram là một công ty cung cấp thiết bị sáng cho xe hơi và các mục đích sử dụng khác. Berlien cho biết Osram có bốn nhà máy ở Trung Quốc nhưng do Trung Quốc không đảm bảo về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nên công ty này đã sản xuất các sản phẩm cao cấp hơn ở Malaysia, Đức và Mỹ.

"Trung Quốc không còn là công xưởng của thế giới nữa", ông nói.

Berlien nói rằng công ty của ông và các công ty Đức khác đã học được bài học từ cuộc khủng hoảng vừa qua và đã thực hiện các biện pháp để đảm bảo rằng họ không bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng, chẳng hạn như có ít nhất hai nhà cung ứng cho một bộ linh kiện hoặc nguyên liệu thô.

Ông cũng nói rằng mặc dù Osram không có kế hoạch giảm hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc nhưng đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy các công ty tăng cường nỗ lực tìm kiếm các nhà cung cấp có vị trí địa lý gần hơn với thị trường địa phương.

"Tôi đã nói chuyện với nhiều nhà quản lý và CEO ở Đức, và điều chúng tôi học được là, cần phải suy nghĩ lại về chuỗi cung ứng và hậu cần của mình", Berlien nói.

"Chuỗi cung ứng rất phân tán và rất mỏng manh", ông nói thêm. "Vì áp lực giá cả, chúng tôi chọn nhà cung cấp rẻ nhất, bất kể họ ở đâu trên thế giới. Chúng tôi không biết nhiều về các nhà cung cấp ở mình".

Kiên trì đến cùng

Toto sản xuất một vật dụng mà nhà giàu Trung Quốc mới nổi đặc biệt mong muốn: Bồn cầu thông minh.

Đây là nhà sản xuất bồn cầu lớn nhất của Nhật Bản. Hãng đã thành lập một văn phòng tại Bắc Kinh vào năm 1985 và cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc thì sự phụ thuộc của công ty vào thị trường Trung Quốc ngày càng gia tăng. Năm ngoái, một nửa doanh số bán hàng ở nước ngoài của Toto từ đến từ Trung Quốc, họ có bảy nhà máy ở Trung Quốc.

Vì sao nói kinh tế thế giới phải trả giá đắt nếu cưỡng lại sức hút của Trung Quốc  - Ảnh 3.

Toto sản xuất một vật dụng mà nhà giàu Trung Quốc mới nổi đặc biệt mong muốn: Bồn cầu thông minh. Ảnh: NYT


Mặc dù, các biện pháp cách ly của Trung Quốc được áp dụng trong tháng 1,2 đã khiến dây chuyền lắp ráp của Toto đình trệ, dẫn đến sự đình trệ trong sản xuất và mất doanh thu nhưng Toto chưa bao giờ cân nhắc rời khỏi Trung Quốc.

Một mặt, Trung Quốc là một thị trường khổng lồ với tỷ lệ người dân sở hữu nhà cao và thu nhập khả dụng không ngừng tăng cao; mặt khác, nhiều công nhân Trung Quốc sở hữu nhiều kỹ năng kỹ thuật mà Toto cần.

"Trung Quốc rất gần với Nhật Bản và Trung Quốc có nguồn nhân lực dồi dào", phát ngôn viên của Toko, Sonoko Abe nói.

Các nhà điều hành gặp nhau mỗi ngày để thảo luận về vấn đề "thích nghi với tình hình mới", bà Abe nói. Mặc dù Toto cũng có nhà máy ở một số nước Đông Nam Á nhưng công ty đã không cố gắng di dời dây chuyền sản xuất.

Nhiều công ty Nhật Bản khác chỉ từ từ rời khỏi Trung Quốc nếu họ thực sự có ý định như vậy.

Ví dụ, nhà sản xuất khẩu trang Nhật Bản Iris Ohyama có các nhà máy ở Đại Liên và Tô Châu, chuyên sản xuất hàng hóa cho thị trường Trung Quốc và Nhật Bản. Họ đang sử dụng một số nguồn tài trợ của chính phủ để mở dây chuyền sản xuất mới tại Nhật Bản để đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và tìm kiếm khả năng mở các nhà máy ở Pháp và Mỹ.

Nhưng công ty không có kế hoạch ngừng sản xuất tại Trung Quốc. "Chúng tôi cho rằng về lâu dài, thị trường Trung Quốc rất quan trọng", Atsuko Kido, phát ngôn viên của công ty cho biết

Báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF cho biết Trung Quốc sẽ là một trong số ít các quốc gia đạt được tăng trưởng kinh tế vào năm 2020, trong khi nền kinh tế Mỹ dự kiến ​​sẽ giảm sút khoảng 6% trong năm nay và khu vực đồng euro sẽ giảm 7,5%.

Kathy Matsui, chiến lược gia trưởng của Nhật Bản tại Goldman Sachs ở Tokyo, nói rằng khi nền kinh tế chịu áp lực lớn, ngay cả những người phản đối chính sách về chính trị của Trung Quốc cũng cảm thấy rằng họ cần nền kinh tế Trung Quốc để duy trì sự thịnh vượng.

"Thế giới được kết nối với nhau", bà nói. "Do đó, sự tăng trưởng không ngừng của nền kinh tế Trung Quốc thực sự rất quan trọng đối với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới".

Vì sao nói kinh tế thế giới phải trả giá đắt nếu cưỡng lại sức hút của Trung Quốc  - Ảnh 6.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại