Là cựu Tổng biên tập tờ Tin tức Moscow, ông Robert Bridge cho rằng, Mỹ đang ngày càng nghiên cứu và phát triển nhiều vũ khí mới để bảo vệ nước Mỹ chống lại kẻ thù, cả trong thực tế lẫn tưởng tượng.
Tuy nhiên, kẻ thù đáng gờm thực sự của quân đội nước này lại là xu hướng tự sát ngày càng tăng trong quân ngũ.
Nhà báo này chỉ ra rằng, từ năm 2004- 2008, quân đội Mỹ đã chứng kiến tỷ lệ tự sát trong lực lượng quân đội tăng 80% so với giai đoạn trước đó (từ 1977 đến 2003), theo nghiên cứu công bố trên tạp chí chuyên ngành Mayo Clinic Proceedings.
Tiếp theo đó, đến năm 2012, tỷ lệ binh lính Mỹ tự sát còn nhiều hơn tỷ lệ bị thiệt mạng trong các trận chiến với kẻ thù nước ngoài. Ông Bridge cũng suy đoán, không phải ngẫu nhiên mà có sự bùng phát lớn về các vụ tự tử chỉ một thời gian không lâu sau khi Mỹ bắt đầu 2 cuộc chiến tranh tốn kém và kéo dài ở Afghanistan và Iraq.
Cuộc chiến ở Afghanistan (2001 đến nay) và Chiến tranh Iraq (2003-2011), đã khiến một lượng lớn người thiệt mạng và tàn phá đất nước cũng như con người hai nước Afghanistan và Iraq.
Bên cạnh đó, hai cuộc chiến cũng để lại vết sẹo tâm lý sâu sắc cho các binh lính Mỹ. Như nhà triết học Arthur Schopenhauer nói: "Ngay khi những điều khủng khiếp của cuộc sống đạt đến độ mà tại đó họ vượt qua những nỗi sợ hãi của cái chết, người đó sẽ chấm dứt cuộc sống của mình".
Theo thống kê, khoảng 20 cựu chiến binh tìm cách tự tử mỗi ngày. Con số đáng kinh ngạc này chiếm 18% tổng trường hợp tự sát trong cả nước, trong khi các cựu chiến binh chỉ chiếm 8,5% dân số trưởng thành. Đây dường như là một cái giá đắt phải trả cho các hoạt động quân sự gây tranh cãi ở Trung Đông và Trung Á.
Chỉ trong tuần này, tổ chức phi lợi nhuận Cựu chiến binh Mỹ tham chiến Iraq và Afghanistan đã đặt 5.520 lá cờ Mỹ để khâm liệm tại National Mall ở Washington, DC cho các quân nhân đang tham gia lực lượng quân đội và cựu chiến binh đã tự sát trong năm nay.