Đâu là đấu trường tầm cỡ "bom hạt nhân" giúp Nga nói chuyện ngang cơ với Mỹ?

Linh Nguyễn |

Theo Washington Post, cáo buộc Nga tấn công mạng cuộc bầu cử Mỹ vừa qua dường như chỉ hé lộ một phần nhỏ của kế hoạch chạy đua toàn diện trên một lĩnh vực hoàn toàn mới.

Hồi tháng 2/2016, một quan chức an ninh mạng cấp cao của Nga công bố trước hội nghị an ninh tại Moscow rằng, Nga đang thiết lập các chiến lược mới trong "đấu trường thông tin" có tầm cỡ ngang bằng thử nghiệm bom hạt nhân, và có khả năng giúp Nga "nói chuyện ngang hàng với người Mỹ."

Theo Washington Post, cố vấn cấp cao của Điện Kremlin, ông Andrei Krutskikh đưa ra tuyên bố nói trên tại diễn đàn an ninh quốc gia Nga Infoforum 2016. Lời bình luận này có thể là chìa khóa giúp giải thích động cơ đằng sau các động thái can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ vừa qua của Nga, cũng như thái độ quay lưng với châu Âu thời gian vừa qua.

Một quan chức cấp cao ẩn danh thuộc chính quyền Obama gọi Krutskikh là "cố vấn kỳ cựu" của Tổng thống Vladimir Putin, và thuộc hàng ngũ "rường cột trong các vấn đề an ninh mạng" tại Bộ Ngoại giao Nga. Mặc dù quan chức này không thể xác nhận cụ thể thông tin về tuyên bố của Krutskikh, ông cho rằng "điều đó nghe giống như những điều có thể chính Andrei sẽ nói".

Cũng theo Washington Post thì các ghi chép từ diễn đàn cho thấy, vị cố vấn cấp cao của Putin nhấn mạnh trước cử tọa về tầm quan trọng của việc chiếm được thế thượng phong trong lĩnh vực thông tin này. Krustskihk giải thích, nếu Nga "yếu đuối", Moscow sẽ phải chấp nhận nhiều thỏa hiệp.

Ngược lại, nếu Nga nắm được sức mạnh này, Moscow sẽ có khả năng đưa ra mệnh lệnh cho các nước phương Tây (cụ thể là Mỹ và đồng minh của Mỹ) từ vị thế quyền lực.

Đâu là đấu trường tầm cỡ bom hạt nhân giúp Nga nói chuyện ngang cơ với Mỹ? - Ảnh 1.

Đặc phái viên Bộ Ngoại giao Nga, cố vấn cấp cao của Kremlin Andrei Andrei Krutskikh. (Ảnh: Kommersant)

Miêu tả chiến lược của Nga, vị quan chức Mỹ cho hay: "Họ coi không gian thông tin như chiến trường. Ở Mỹ, chúng ta nghiên cứu xung đột từ hai phương diện – chúng ta đang hòa bình, hoặc đang chiến tranh. Lý lẽ của người Nga coi xung đột luôn luôn tiếp diễn. Chúng ta đang ở các mức độ xung đột khác nhau, lên xuống trên một trục."

Ông cũng cho rằng, động thái tấn công an ninh mạng vào cuộc bầu cử Mỹ của Nga (theo các báo cáo từ cơ quan tình báo Mỹ) là ví dụ cho việc Nga đã sử dụng các công cụ mới trong dòng xung đột tiếp diễn này.

"Chắc hẳn người Nga đang nỗ lực gia tăng tầm ảnh hưởng trong không gian mạng, vì họ nhận ra rằng họ có thể sử dụng không gian mạng để theo đuổi các mục tiêu về chính sách ngoại giao," vị quan chức cấp cao Mỹ nói.

Từ góc nhìn của Nga, Mỹ cũng đang ráo riết nâng cao năng lực trong mảng thông tin, nhưng lại chối bỏ điều đó. "Những gì chúng ta coi là tự do ngôn luận, người Nga gọi đó là hành vi hung hăng của phương Tây," ông nhận định.

Theo quan điểm của Putin, Mỹ là bên tấn công trước trong cuộc chiến thông tin này. Và hiện nay Nga đã đủ mạnh để đáp trả, như Krutskikh đã ám chỉ khi phát biểu tại diễn đàn an ninh hồi tháng 2/2016.

Krutskikh cùng các chuyên gia an ninh mạng của Nga không tỏ ra nao núng trước lệnh trừng phạt hay cảnh báo. Hãng thông tấn Nga RIA ngày 29/12 dẫn lời Krutskikh gọi các lệnh trừng phạt từ Mỹ được công bố cùng ngày là "nỗi thống khổ của giới cầm quyền", phản ánh "mối tư thù" của Tổng thống Obama, và là "nỗ lực ngăn chặn hợp tác song phương trong tương lai."

Tuy nhiên, Krutskikh không loại bỏ khả năng lệnh trừng phạt sẽ được gỡ bỏ sau khi Trump nhậm chức. Các bình luận của Krutskikh gợi nhắc về tình hình chiến tranh thông tin đang nổi lên, nơi mà "tin tức giả" và tấn công mạng lại là vũ khí chiến đấu của nhiều quốc gia.

Quan chức cấp cao Mỹ cảnh báo rằng: "Người Nga đã tiến xa trong công nghệ, cách tổ chức và cả các học thuyết họ đưa ra. Họ đang dẫn đầu. Nhưng đừng quên vẫn còn các tay chơi khác trong cuộc chạy đua này."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại