Ngày 15/1, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhỹ Kỳ Mevlut Cavusoglucho biết, nước này và Nga đã quyết định sẽ mời Mỹ tham dự vòng đàm phán về Syria dự kiến diễn ra ở Astana, Kazakhstan.
Trong khi đó, theo Đa chiều (Mỹ), một quan chức trong đội ngũ cố vấn của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề nghị Washington cần hỗ trợ cho Ankara trong cuộc chiến tại Iraq.
"Trong bối cảnh khó khăn khi đang phải đối phó với lạm phát kinh tế và cuộc chiến chống khủng bố, Thổ Nhĩ Kỳ với vị trí địa chính trị đặc biệt bất ngờ đã trở thành "trung tâm" của Nga-Mỹ. Cục diện này đối với Ankara là cơ hội, cũng là một thách thức lớn", Đa chiều bình luận.
Vì sao Nga nhiệt tình giúp Thổ Nhĩ Kỳ?
Theo giới phân tích, thái độ ủng hộ Ankara trong thời gian gần đây, ví như hồi cuối tháng 12/2016 khi Nga-Thổ đã nhất trí với kế hoạch ngừng bắn hoàn toàn trên toàn bộ lãnh thổ Syria cho thấy Moscow đang rất coi trọng Ankara.
Và theo một số chuyên gia, thái độ của Nga có thể xuất phát từ ảnh hưởng của tình hình kinh tế chính trị hiện nay tại Thổ Nhĩ Kỳ đối với Moscow.
Bởi hiện tại, kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với nhiều khó khăn như đồng Lia mất giá, tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp tăng cao. Bên cạnh đó, từ sau cuộc đảo chính hồi tháng 7/2016, tình hình chính trị của quốc gia này hiện vẫn bất ổn định.
Được coi là cửa ngõ phía Đông của châu Âu, nếu Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào khủng hoảng, làn sóng người tị nạn chắc chắn sẽ bùng nổ và lan rộng sang các nước thuộc khối Liên minh châu Âu EU. Điều này có thể dẫn đến một cuộc xung đột ở các nước láng giềng với Nga.
Tuy nhiên, dù nguy cơ khủng hoảng tiền tệ đối với Thổ Nhĩ Kỳ là có thật, nhưng khả năng xảy ra là khá nhỏ, vì Nga - nước chịu ảnh hưởng trực tiếp nếu Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào khủng hoảng - sẽ nhanh chóng phải ra tay can thiệp để tránh ảnh hưởng tới Moscow..
Do đó, việc Moscow bắt tay với Ankara trong thời gian gần đây cũng là điều dễ hiểu.
Một số ý kiến cho rằng, Nga không giúp không Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Reuters/VCG)
Mỹ tận dụng thời cơ
Đa chiều nhận định, điều trùng hợp là hiện nay Mỹ cũng có động thái tích cực tác động đến Thổ Nhĩ Kỳ dù cho hai nước trước đó đã từng xuất hiện rạn nứt.
Ví như, hồi cuối tháng 12/2016, Tổng thống Recep Erdogan cáo buộc Washington đã lợi dụng danh nghĩa của liên quân do Mỹ dẫn đầu để ủng hộ cho các nhóm khủng bố, bao gồm IS.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, Ankara chỉ đang lên án một Washington đang trong thời kỳ chuyển giao quyền lực, chứ thực chất, đội ngũ cố vấn của Trump đã có động thái nắm bắt tình hình Trung Đông.
Đa chiều cho hay, hồi đầu tháng 1/2017, Thiếu tướng Mỹ Ernie Audino - người từng có thời gian dài hoạt động tại Iraq đã có cuộc thương lượng về vấn đề người Kurd với đội ngũ cố vấn của Tổng thống đắc cử Mỹ.
Theo ông Audino, chính quyền Trump sẽ dốc toàn lực ủng hộ như cử chi viện cho lực lượng dân quân người Kurrd Peshmerga - lực lượng có mối quan hệ thân thiết với Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống IS.
Vì thế, động thái này của Washington trong tương lai đối với Ankara chính là sự trợ giúp lớn.
Cũng theo Đa chiều, trước đó trong khi quân đội Nga tổ chức tấn công dồn dập vào khu vực phía Tây Syria như Aleppo thì quân Mỹ lại thông qua việc chi viện có hạn cho Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd ở Syria (SDF) trong các cuộc phản công IS để nâng cao địa vị tại Trung Đông.
Tuy nhiên, sau khi lực lượng SDF tuyên bố, bản thân sẽ không chịu sự kiểm soát từ bất cứ thế lực nào thì việc Washington quay về với "đồng minh" lâu năm như Thổ Nhĩ Kỳ là một lựa chọn hợp lý.
Cho nên, hành động "chữa cháy kịp thời, san sẻ gánh nặng trong cuộc chiến ở Iraq" của Mỹ đối với chính quyền Tổng thống Erdogan - vốn đang phải xử lý hệ quả của cuộc đảo chính trong nước hồi tháng 7/2016 - cũng là một sự hợp tác.
"Vai trò quốc gia chủ trì cuộc hội đàm Astana đã giúp Ankara bất ngờ nâng cao địa vị và uy tín tại Trung Đông, dù điều này cơ bản dựa trên uy tín của Nga...
Bên cạnh đó, Mỹ hiện tại cũng đang bày tỏ thiện chí với Ankara. Có thể thấy, với vai trò và hiện trạng đặc thù, Thổ Nhĩ Kỳ đã giành được sự hỗ trợ chắc chắn từ các nước lớn", Đa chiều kết luận.