Sự kiện này giống như một cú sốc trong ngành giáo dục và đào tạo, để lại vô số bức xúc của giới trí thức trong nước khi bởi một lần nữa cái "cơ chế" lại làm vuột mất cơ hội để giáo dục ĐH Việt Nam có một nhân tài tràn đầy tâm huyết.
Trong thời gian làm việc ở Việt Nam nói chung, tại ĐH Hoa Sen nói riêng với tư cách Phó Hiệu trưởng điều hành, GS Trương Nguyện Thành đã để lại nhiều thành tựu. Sau đây chúng tôi xin điểm lại một số dấu ấn có thể nhìn thấy được thông qua các phương tiện truyền thông trên báo chí.
1. Xuất thân từ gia đình lao động nghèo khó, nhận thức sâu sắc được điều này, GS Trương Nguyện Thành đã nỗ lực trên con đường học vấn để quyết tâm thay đổi số phận của chính mình.
Với tâm nguyện "thành công sẽ về giúp người khác", GS trở về quê nhà sau một thời gian dài học tập, nghiên cứu và giảng dạy ở Đại học Utah, Mỹ. Dấu ấn đầu tiên khi về nước của ông chính là thành lập Viện Khoa học công nghệ tính toán TP HCM (2009).
Tại đây, GS đã giúp đỡ rất nhiều bạn sinh viên giỏi từ Việt Nam sang Mỹ du học bằng nguồn từ quỹ nghiên cứu của mình. Tới năm 2017, ông có một quyết định gây bất ngờ cho cả gia đình lẫn bạn bè trong giới khoa học khi quyết định trở về gây dựng lại Trường ĐH Hoa Sen.
GS Trương Nguyện Thành sử dụng chính bản thân làm giáo cụ trực quan cho sinh viên trong một giờ học về sự đột phá, sáng tạo. Ảnh: VNTB
2. Tại ngôi trường này, ông đảm nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng điều hành, với dấu ấn thứ hai khiến mọi người không thể quên được, thậm chí nhận được nhiều ý kiến trái chiều, khi mặc quần đùi, áo vest trong 1 giờ giảng về sáng tạo.
GS Trương Nguyện Thành cho biết, mục đích ban đầu của ông là giúp sinh viên vượt lên giới hạn của bản thân và xã hội, thậm chí không đi theo lối mòn, đi ngược số đông để sáng tạo mà không bị giới hạn bởi khuôn khổ, những điều được xã hội mặc định.
Một lần khác, khi đang giảng dạy bài học sáng tạo thì ở khoa Ngôn ngữ có mời ông lên phát biểu giới thiệu về chương trình thạc sĩ Anh, vì bất ngờ và không có thời gian chuẩn bị nên ông vẫn mặc nguyên áo thun, quần ngắn mà vào hội trường.
Thế nhưng sau đó, nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí miệt thị ông, nói ông đi quá giới hạn và làm mất hình ảnh nghiêm túc của một người thầy. Ông trả lời chính những người đang chỉ trích mới là những người sai lầm khi cho rằng phải nghiêm túc, chỉn chu mới là một người thầy.
Ông sử dụng chính mình làm giáo cụ giảng dạy, truyền đạt và cho biết ở nước ngoài việc một giáo sư vẽ lên mình các mạch máu, xương sống… để dạy cũng không phải chuyện hiếm.
Thậm chí trong khóa học về Lộ trình sáng tạo ở Đại học Bách Khoa, ông còn mặc quần soóc, áo thun để giảng dạy khiến các sinh viên rất thích thú, hào hứng tham gia buổi học, và họ còn được phát mỗi người một chiếc áo thun trắng để tùy hứng sáng tạo với nó.
Sinh viên được tùy hứng sáng tạo với chiếc áo thun. Ảnh: VNTB
3. Nếu trước kia, ông được rất nhiều người thầy giúp đỡ, định hướng con đường cho bản thân thì khi về nước, ông đã làm điều tương tự nhằm giúp đỡ, tạo điều kiện tối đa cho sinh viên Việt Nam, những con người hiếu học nhưng gặp muôn vàn khó khăn.
Đây cũng chính là dấu ấn thứ ba của ông khi làm quản lý, giảng dạy ở trường ĐH Hoa Sen, mọi ý tưởng mang tính đột phá, sáng tạo của các sinh viên đều được xem xét kỹ lưỡng để tài trợ vốn nếu nó mang tính khả thi cao.
Bên cạnh đó, ông hỗ trợ tối đa không gian làm việc, phát huy đề án khởi nghiệp, đồng thời truyền đạt được những kinh nghiệm trong thời gian ông học tập nghiên cứu ở Mỹ để các bạn sinh viên tránh được những sai lầm.
Ông cho biết có tới 95% ý tưởng khởi nghiệp hay nhất trên thế giới tới từ các trường ĐH, nếu biết khai thác và phát huy những sáng kiến này, chúng ta sẽ tìm ra những con đường mới cho riêng mình.
4. Dấu ấn thứ tư của ông chính là làm nên cuộc cách mạng cho ngôi trường ĐH Hoa Sen, đó cũng chính là lý do ông chọn ngôi trường này, một ngôi trường mà ông cảm nhận được nó đang muốn thay đổi. Mục tiêu của ông chính là quốc tế hóa ĐH Hoa Sen.
Phong cách quần đùi áo thun của vị GS khiến nhiều người ngạc nhiên khi lần đầu tiên tham dự buổi dạy của ông. Ảnh: VNTB
Nếu nhiều người thấy rằng đây là ngôi trường đang diễn ra một "cuộc chiến" và bất ổn thì GS lại thấy cơ hội thay đổi tích cực cho giáo dục Việt Nam, ông nói trên báo An Ninh Thế giới: "Nhiều người hỏi tôi tại sao về ĐH Hoa Sen giai đoạn này, tôi trả lời rằng, nếu một trường học ổn định sẽ không thể thay đổi.
Vì không thể thuyết phục được người nào thay đổi và không ai muốn thay đổi khi đang ổn định, dù sự thay đổi này có cách mạng hóa đi chăng nữa. Hoa Sen vừa ra khỏi "cuộc chiến".Một trường đại học sau "cuộc chiến" sẽ rất muốn thay đổi. Tôi nhìn thấy ngôi trường này đang muốn thay đổi là cơ hội cho chính bản thân tôi".
"Muốn sáng tạo, phải vượt qua rào cản" chính là điều mà "giáo sư quần đùi" muốn truyền tải cho sinh viên của mình nói riêng và sinh viên Việt Nam nói chung.
* Tham khảo nhiều nguồn