Bà Wang Tingyu, 80 tuổi tại vùng Jiangxi-Trung Quốc buồn bã chỉ cho các phóng viên của tờ Economist xem khoảng đất đầu giường, nơi bà từng đặt 2 cỗ quan tài cho vợ chồng bà.
Cách đây vài tháng, các quan chức địa phương đã đến gõ cửa nhà bà để tịch thu chiếc quan tài và đền bù 1.000 Nhân dân tệ (145 USD), chỉ tương đương 1/3 đến ½ số tiền mà bà Wang đã bỏ ra để sắm chúng.
Trên thực tế, câu chuyện của bà Wang không phải là cá biệt khi các quan chức đến gõ cửa từng nhà để tịch thu các quan tài mà những người già sắm sửa chuẩn bị cho hậu sự.
Theo văn hóa Trung Quốc, nhiều người cao tuổi tại đây sẽ mua sẵn quan tài, sắm sửa trang trí cho chúng khi lớn tuổi bởi quan niệm truyền thống cho rằng độ sang trọng của các quan tài đại diện cho địa vị xã hội.
Trung Quốc đang cố gắng giảm bớt diện tích chôn cất để bảo vệ môi trường, gia tăng nguồn lực đất đai, kinh tế.
Dẫu vậy, chính quyền Bắc Kinh lại không cho rằng như vậy bởi những chiếc quan tài này tương đương với việc đốn cây cối cũng như khiến người dân tốn quá nhiều tiền, diện tích đất… cho mai táng.
Vậy là các quan chức địa phương quán triệt tinh thần trung ương xuống từng nhà để tịch thu quan tài rồi nghiền chúng ra bột dùng làm nguyên liệu cho các nhà máy nhiệt điện.
Kể từ khi triều đại nhà Thanh chính thức chấm dứt vào năm 1911, quan điểm chôn cất bằng quan tài truyền thống đã bị chỉ trích, nhất là dưới thời Chủ tịch Mao Trạch Đông khi ông cho rằng những chiếc quan tài chỉ làm tốn tài nguyên đất nước.
Chính phủ Trung Quốc cũng đã tích cực cổ xúy việc hỏa táng để tiết kiệm tài nguyên cũng như đất đai trước tình hình đất chật người đông ngày càng cao.
Trong khoảng 1986-2005, tỷ lệ hỏa táng tại Trung Quốc đã tăng từ 26% lên 53% tổng số các vụ chôn cất. Tại nhiều thành phố lớn, hỏa táng đã trở thành điều hiển nhiên khi chôn cất người quá cố.
Tuy vậy, vùng nông thôn ở Trung Quốc vẫn duy trì với phong tục chôn cất bằng quan tài truyền thống khi văn hóa vẫn coi trọng những lễ nghi với người chết. Trong suốt từ năm 2005 đến nay, tỷ lệ hỏa táng có phần chững lại bởi người dân nông thôn chưa quen với việc hỏa táng người thân của họ khi qua đời.
Công chức địa phương đang thuyết phục các hộ gia đình hỏa táng thay vì chôn cất như thông thường
Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, các quan chức đã tích cực đẩy mạnh cổ xúy hỏa táng trên toàn quốc. Thậm chí vào năm 2014, chính quyền Bắc Kinh tuyên bố sẽ thúc đẩy tỷ lệ hỏa táng tăng 1% mỗi năm và tại một số vùng trọng điểm, tỷ lệ hỏa táng phải đạt gần 100% theo yêu cầu.
Bất chấp điều đó, hoạt động của các quan chức gặp rất nhiều khó khăn khi người cao tuổi tại các vùng nông thôn không chịu hợp tác. Rất nhiều video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy người già nằm trên những quan tài họ mua để ngăn các quan chức tịch thu.
Đại chiến... quan tài
Ngoài việc tốn tài nguyên, chính phủ Trung Quốc muốn thay thế chôn cất truyền thống bằng hỏa táng còn để thúc đẩy du lịch, văn hóa cũng như đời sống người dân. Rất nhiều trường hợp ở vùng nông thôn Trung Quốc có tập tục hủ lậu thuê diễn viên múa sexy đến biểu diễn ở đám tang, tạo nên những hình ảnh không hề đẹp.
Thêm vào đó, những bia mộ sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng phát triển du lịch của cả vùng bởi chẳng có du khách nào muốn ngắm những ngôi mộ. Hơn nữa, việc chôn cất người chết theo truyền thông tốn quá nhiều diện tích, làm giảm không gian phát triển kinh tế của toàn vùng.
Trái ngược lại, nhiều người dân địa phương tố cáo chính quyền tịch thu những ngôi mộ để chưng thu đất bán lại cho các doanh nghiệp để kiếm lời.
Thậm chí, một vụ việc thương tâm đã diễn ra vào năm 2014 khi 3 người cao tuổi tại tỉnh An Huy đã tự sát để được chôn cất theo nghi thức truyền thống trước khi quan chức kịp đến tịch thu quan tài của họ. Đối với người dân trong vùng, việc chôn cất bằng quan tài là thể hiện sự kính trọng với những người đã khuất.
Tại tỉnh Quảng Đông, 2 quan chức đã bị bắt giữ vì thuê kẻ trộm đào hơn 20 bộ hài cốt của tỉnh láng giềng để đem đi đốt cho đủ chỉ tiêu hỏa táng bên trên giao xuống.
Vào tháng 7/2019, gần 10.000 người xung quanh thị trấn Quanfeng đã tụ tập khi nghe tin chính quyền có khả năng cưỡng chế di dời các ngôi mộ trong vùng.
Trong khi đó tại các thành thị, người cao tuổi lại gặp vấn đề về nơi an nghỉ khi đến mảnh đất chôn cất hòm đựng tro của họ giờ cũng trở nên đắt đỏ.
Hãng tin Bloomberg cho hay hãng kinh doanh mai táng nổi tiếng Trung Quốc FuShou Yuan bán 1 m2 đất chôn tro cốt loại xịn với giá hơn 112.000 Nhân dân tệ (16.000 USD) vào năm 2017. Con số này đắt hơn 100% giá chung cư cao cấp tại Thẩm Quyến.
Trước tình hình truyền thông đưa tin về những vụ bê bối liên quan đến mai táng, chính quyền nhiều địa phương đã sử dụng các biện pháp ôn hòa hơn nhằm cổ xúy hỏa táng thay vì ép buộc. Chính quyền tỉnh Zhejiang đã quyết định thưởng hàng tháng 100-400 Nhân dân tệ (15-60 USD) cho những người cao tuổi cam kết chịu hỏa táng và rải ra biển thay vì đem chôn.