Cuộc đảo chính tại Liên Xô vào tháng 8/1991 do Ủy ban Nhà nước về Tình trạng Khẩn cấp tiến hành nhằm lật đổ lãnh đạo Liên Xô khi ấy – Mikhail Gorbachev, cũng như sự tan rã của Liên Xô sau đó là điều hoàn toàn bất ngờ đối với Thủ tướng Đông Đức khi đó, Hans Modrow.
Ông Modrow mới đây chia sẻ thông tin này với đài Sputnik của Nga trong dịp kỷ niệm 25 năm sự kiện đảo chính năm đó.
Modrow là thủ tướng cuối cùng của chính quyền Cộng hòa Dân chủ Đức (XHCN) và hiện là Chủ tịch danh dự của Đảng Tả (tức đảng Die Linke, một chính đảng dân chủ xã hội ở Đức).
Năm 1991 ông Modrow chứng kiến Ủy ban Nhà nước về Tình trạng Khẩn cấp của Liên Xô nỗ lực hạ bệ đương kim Tổng thống Liên Xô Gorbachev do không hài lòng với các đề xuất cải tổ Liên Xô.
Thủ tướng Đông Đức Modrow đã gặp gỡ Phó Tổng thống Liên Xô khi đó là Gennady Yanayev trước khi đi nghỉ dưỡng ở Crimea. Quan chức Liên Xô này nói với ông rằng đã có kế hoạch ký kết một thỏa thuận "Hiệp ước Liên minh" (nhằm thay thế Hiệp ước tạo ra Liên Xô) vào ngày 20/8/1991.
Ủy ban Nhà nước về Tình trạng Khẩn cấp tin rằng "Hiệp ước Liên minh" sẽ làm Liên Xô sụp đổ và mục đích của đảo chính là để ngăn chặn điều đó.
Ông Modrow nói: "Thế đó. Dự thảo mới đã được xuất bản trên mặt báo và tờ Pravda giúp cho người ta biết được thông tin về việc chuẩn bị một Liên minh các Quốc gia Độc lập (UIS). Tôi hoàn toàn bất ngờ khi đảo chính diễn ra".
Quan chức Đông Đức này ở Crimea cận kề Tổng thống Liên Xô Gorbachev, khi ấy đang đi nghỉ dưỡng tại một cơ sở của chính quyền Liên Xô ở Foros, cũng như các lãnh đạo nhóm đảo chính, bao gồm Bộ trưởng Nội vụ Liên Xô khi đó Boris Pugo.
Cựu Thủ tướng Đông Đức nhớ lại:
"Họ không xem đây là đảo chính. Họ cho rằng họ đang hành động trên cơ sở pháp lý, viện dẫn chi tiết pháp luật cho phép ban bố trình trạng khẩn cấp trong những tình huống đặc biệt...
Tình hình rất là hỗn loạn. Các thành viên của Ủy ban Nhà nước về Tình trạng Khẩn cấp rõ ràng đang cố gắng ngăn chặn quá trình tan rã Liên Xô và tạo ra UIS".
Theo Modrow, ông Gorbachev tin rằng ông là người có thể cứu vãn sự sụp đổ và nghĩ mình sẽ vẫn có thể làm Tổng thống.
Tuy nhiên tình hình diễn biến theo hướng khác. Tổng thống Cộng hòa XHCN Xô viết Liên bang Nga Boris Yeltsin trở thành người đứng đầu phe chống đảo chính và chống Ủy ban Nhà nước về Tình trạng Khẩn cấp.
Tất cả các cơ quan hành pháp của Liên Xô, bao gồm các cơ quan thực thi pháp luật, đều chịu sự chi phối của ông này sau khi ông ký một số sắc lệnh coi việc thiết lập Ủy ban Nhà nước về Tình trạng Khẩn cấp là một âm mưu đảo chính.
Cựu Thủ tướng Đông Đức Modrow nhận xét: "Yeltsin hiểu rằng ông ta sẽ lên nắm quyền và mở rộng cấu trúc quyền lực của mình nhờ vào cuộc đảo chính này".
Cuộc đảo chính kéo dài trong 3 ngày (19-21/8) đã thất bại. Vào ngày 24/8, ông Gorbachev từ chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Ông cũng mất nốt chức Tổng thống Liên Xô vào tháng 12/1991. Còn Yeltsin vẫn giữ được chiếc ghế Tổng thống Nga.
Ông Modrow nói thêm: "Vào tháng 12/1991, ông ta [Yeltsin] gặp lãnh đạo Ukraine Leonid Kravchuk và Belarus Stanislav Shushkevich và bàn về dự thảo thỏa thuận thành lập Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG)"./.