Chuyện đời của danh hài Minh Nhí cứ thế hiện ra một cách nhẹ nhàng nhất, ngay cả khi anh kể về những biến cố cuộc đời mình...
Hai nỗi buồn lớn trong đời
Nghe nói anh đang xây nhà. Một ngôi nhà khá lớn và do chính anh thiết kế từ A đến Z. Em nghe nhiều người nói rằng, mỗi lần anh đổi nhà to hơn đều xảy ra chuyện. Sự thật là thế nào thưa anh?
Quả là có chuyện này. 3 lần anh đổi nhà mới là 3 lần gặp nạn. Mua cái nhà nhỏ thì ba mất, mua cái nhà lớn chút xíu thì má mất, mua cái nhà lớn chút xíu nữa thì bị vụ sân khấu kịch Trần Cao Vân, lỗ nặng rồi bị đình chỉ công tác giảng dạy, cấm diễn.
Nhưng lần này thì suôn sẻ. Nhà cũng sắp xong rồi. Anh mua ở Cù Lao gần đường Phan Xích Long, P.2, quận Phú Nhuận. Nhà cũng không quá lớn. Được cái là khi mình đi làm về, mệt nhọc thì có ngôi nhà khang trang của mình.
Anh có một mình, không vợ, không con. Xây nhà lớn làm chi cho mình thêm cô đơn hả anh?
Ba mẹ anh mất rồi. Anh xây nhà này là muốn đùm bọc các anh chị em trong gia đình. Nhà anh có tới 8 anh chị em lận. Anh là áp út. Hiện giờ anh ở chung với một ông anh và một bà chị, cùng mấy đứa cháu. Một rừng người em à.
Anh chị của anh cũng có nhà ở quê nhưng anh muốn họ lên ở với anh cho sướng, vì họ cũng có bệnh. Bệnh người già đó em.
Có anh chị lên ở cùng thứ nhất là có người trong nhà, thứ hai là mình quan tâm được. Vì nếu họ ở quê thì lâu lâu anh mới về, không quan tâm thường xuyên được.
Ngoài 50 tuổi, cùng với những danh tiếng trong nghề, anh cũng đã đi qua bao nhiêu giông tố trong đời. Đã từng có vợ rồi anh chị lại chia tay khi anh vẫn chưa có con. Giờ nhìn lại, điều gì làm anh buồn nhất?
Điều làm anh buồn nhất là ba mẹ anh mất sớm quá, không hưởng được gì từ sự báo hiếu của anh.
Khi xây cái nhà mới này, anh cứ tưởng tượng là, phải chi ba má còn, thì ba má ở cái phòng chính mà mình đang ở, mình ở phòng nhỏ thôi. Ba má anh mất cũng gần 20 năm rồi nên giờ anh thương anh chị em mình là vậy đó.
Cái buồn thứ hai là tối diễn xong thì học trò tụi nó túm tụm lại đưa anh về nên an toàn thì anh không sợ. Nhưng khi tụi nó về rồi còn có một mình thì anh cũng buồn.
Bù lại, anh có cả rừng cháu. Anh thương cháu như con vậy đó, nó là con của anh chị mình, ruột thịt cả. Tụi nó sợ và cũng thương anh lắm. Tất nhiên, mình cũng vẫn buồn. Cuộc sống mà không phải cái gì cũng vui hết.
Một thời cũng là tâm điểm báo chí như Minh Béo
Năm 2003, lúc tên tuổi sự nghiệp đang rần rần, anh bỗng chốc mất tất cả chỉ vì chuyến đi Mỹ. Anh trở thành tâm điểm của báo chí với hàng trăm bài báo chửi anh. Điều đó có ảnh hưởng đến tâm lý và tính cách anh sau này không?
Tính anh bây giờ trầm hơn ngày xưa nhiều. Có lẽ do là nhiều sự cố xảy ra với mình quá nên mình lớn hơn.
Ngày xưa anh nóng tính lắm. Lúc mình ở trên đỉnh cao, mình không cần người ta mà mình nghĩ là người ta cần mình. Đó là cái dại.
Sau vụ ở Mỹ đó, các báo chửi anh nhiều quá, anh ngại gặp báo chí luôn. Anh bị cấm diễn, anh cũng bị chạnh lòng, bị tự kỷ. Nghệ sĩ mà khi xảy ra sự cố thì sẽ là tâm điểm cho tất cả các báo, cũng như Minh Béo bây giờ đó.
Ngày xưa anh chỉ nghĩ tới anh thôi. Bây giờ anh nghĩ cho người khác nữa. Ngày xưa, chỗ nào nhiều tiền anh làm.
Còn bây giờ, anh sắp xếp lịch diễn cho phù hợp. Nếu vai diễn của anh không có ai thay thế được thì anh không nhận show bên ngoài.
Hồi đó vì cái tính ấy, anh không bị ghét mà người ta sợ anh nhiều hơn. Trước mặt nịnh dữ lắm nhưng mình đi cái người ta sẵn sàng nói xấu mình liền.
Còn bây giờ người ta không sợ mà trọng, nể. Bây giờ anh không nghe ai nói xấu mình mà có nghe anh cũng thấy bình thường, không sùng lên như trước.
Tự anh có những thay đổi tốt hơn thì điều anh nhận lại có tốt đẹp không?
Ở tuổi của anh vẫn làm nghề được, thậm chí không có đủ thời gian để làm là niềm vui. Khán giả vẫn yêu thương mình nên bầu show cũng vẫn mời mình.
Đến bây giờ khán giả tới sân khấu kịch Hồng Vân vẫn hỏi vở này có Minh Nhí không? Đó là niềm vui thứ nhất.
Anh cũng chuẩn bị cho viễn cảnh già không đứng trên sân khấu, không đứng trước ống kính nữa thì anh chọn nghiệp dạy, đào tạo nghệ sĩ trẻ. Nếu anh không lên sân khấu nữa thì cũng còn học trò anh.
Sau này, những lứa học trò anh đứng trên sân khấu diễn và được khán giả yêu thích thì đó chính là niềm tự hào của anh.
Niềm vui thứ ba là bây giờ mình đi tới đâu: Từ các đoàn làm phim, các game show, người ta ai cũng kêu anh bằng thầy. Dù những người đó không học mình. Họ thậm chí là đối tác với mình.
Ví dụ như những nhà sản xuất, họ đâu cần kêu mình bằng thầy nhưng họ vẫn kêu tiếng thầy rất trân trọng. Ngay cả những người quay phim, ánh sáng, âm thanh, họ không có học mình cũng kêu mình bằng thầy nên anh rất vui.
Niềm vui thứ tư anh nhận được là anh còn được mời làm ban giám khảo của các game show. Điều đó có nghĩa là mình còn được trọng dụng, học thuật kinh nghiệm của mình cũng được nhà sản xuất đánh giá cao.
Cách đây vài năm, anh và chị Hồng Vân mở lớp đào tạo diễn viên ở ngay chính sân khấu Super Bowl. Bị ngưng dạy tới 10 năm sau anh mới mở lớp lại. Có lý do nào không anh?
Có hai lý do. Thứ nhất, anh muốn truyền nghề. Khi bị ngưng dạy bên trường anh không hụt hẫng vì mình có lỗi, mình chấp nhận bị kỷ luật, phê bình.
Trường không có mình về dạy nữa thì đó là phần của trường. Cũng có người phỏng vấn anh hỏi là anh có nghĩ rằng, khi anh không về trường dạy nữa thì trường bị mất mát không? Anh nghĩ là không. Vì trường có nhiều thầy.
Người mất mát là anh. Nên anh bù sự mất mát đó bằng lớp dạy ở sân khấu kịch Hồng Vân. Bây giờ thì anh yên tâm rồi.
Lớp đào tạo diễn viên của anh và chị Hồng Vân cũng đào tạo được 4 khóa rồi và đang có thương hiệu. Anh mời rất nhiều thầy về dạy như Hồng Vân, Đức Hải, Quốc Thảo, Hữu Châu, Phi Phi, Xuân Trang. Các em được đào tạo như ở trường sân khấu điện ảnh.
Từ môn biểu diễn, tiếng nói sân khấu, hình thể, thanh nhạc đến hóa trang, vũ đạo. Trong quá trình học là các em đã được biểu diễn rồi.
Các thầy ai cũng giới thiệu cho học trò đi quay, đi diễn ở bên ngoài. Chị Vân cho các em lên sân khấu diễn làm uy tín của anh bên lớp được mạnh hơn. Rất nhiều học trò anh đang tham gia Đấu trường tiếu lâm, Cười xuyên Việt và cũng được khán giả yêu mến.
Lý do thứ hai chính là ba anh. Anh còn nhớ là lần đầu tiên anh đưa mấy đứa học trò về quê chơi. Buổi tối, ba anh bắc ghế bố ra nằm trước nhà, thấy tụi nó ríu rít kêu, thầy thầy thầy. Ba anh cười mãn nguyện, vì cuối cùng anh cũng được kêu bằng thầy.
Ba anh lúc nào cũng muốn anh làm thầy. Nhưng vì chuyến đi Mỹ về, anh bị trường kỷ luật, không cho dạy nữa, giống như mình phụ lòng ba mẹ.
Nên khi muốn dạy tiếp, anh nghĩ là cho ba mình vẫn thấy mình làm thầy. Dù ba mất rồi thì anh vẫn nghĩ là chắc ba vui lắm, vì đi tới đâu người ta cũng kêu anh bằng thầy hết.
Không so đo cát-xê với trò
Anh còn có rất nhiều học trò nổi tiếng như Việt Hương, Thúy Nga, Thu Trang, Cao Minh Đạt, Hạnh Thúy... Tuy nhiên, anh truyền nghề cho học trò, học trò lại giàu có hơn anh, nổi tiếng hơn anh. Anh có chạnh lòng không?
Anh không, có gì mà chạnh lòng. Anh tự hào chứ. Việt Hương thấy anh xây nhà còn bảo, thầy ơi, em phụ thầy. Vậy là mình vui rồi.
Việt Hương dâng 100 triệu lên để xây bàn thờ tổ ở nhà anh. Lúc đầu anh không lấy, sau Việt Hương nói, đây không phải em đưa cho thầy mà em dâng lên bàn thờ tổ thì anh mới nhận.
Cái nghề của anh, làn sóng sau chồm lên làn sóng trước. Đã có lúc mình rất nổi tiếng, những người đi trước cũng đã có lúc không bằng mình lúc đó thì bây giờ mình phải nhường cái vị trí đó cho người khác, rồi sẽ có những người khác hot hơn nữa.
Có những người làm ban giám khảo tới mấy trăm triệu nhưng anh không quan trọng chuyện đó. Anh không so đo xem Trấn Thành bao nhiêu, Việt Hương bao nhiêu. Mình lớn rồi, không làm thế. Cát-xê vừa với công sức lao động của mình là được.
Tại sao phải ganh tị với học trò. Học trò mình có nổi bao nhiêu nhưng nó làm sai mình vẫn la nó được, nó không dám cãi lại.
Cũng chưa bao giờ có đứa học trò nào của anh nói với nhà sản xuất là thôi đừng mời ông ấy. Có ông ấy, ông ấy chửi tui nữa mất công.
Có bữa anh đi quay chung với Việt Hương, đến trường quay anh thấy mọi người đang ăn mít. Anh rất thích mít. Thế là Việt Hương gọi điện về cho chị gái kêu lấy một hộp lên cho ông thầy.
Có lần Việt Hương đang ngồi make-up thì anh tới. Thời của Hương mà, người này người kia bu quanh, phụ Hương. Vậy mà thấy anh vô, Hương đứng lên dạ thầy, thầy ngồi đây, trước mặt mọi người. Tình cảm đó rất là vui.
Anh nổi tiếng như vậy, tại sao đến giờ vẫn chưa làm live show cho riêng mình?
Anh không thích. Nhiều người cũng đòi đầu tư, hỗ trợ cho anh làm liveshow nhưng anh không tính.
Nếu anh có làm thì sẽ làm kỷ niệm mốc bao nhiêu năm làm nghề hoặc đến lúc nào anh không làm nghề nữa. Đó là anh ví dụ, chứ giờ thì anh không làm, chưa có suy nghĩ làm luôn.
Nhà anh chỉ có mình anh theo nghệ thuật. Ở chuyện này là anh chọn nghề hay nghề chọn anh?
Nguyên dòng họ chỉ có mình anh làm nghệ thuật. Anh không mê sân khấu từ nhỏ như người ta. Hồi nhỏ anh cũng làm tới liên đội trưởng của một xã gồm 3, 4 ấp đó nha.
Nguyên một rừng thiếu nhi, dữ dội lắm à. Nhưng anh không hề chú tâm rằng lớn lên mình làm nghệ sĩ.
Có lẽ là số phận đưa đẩy, nghề chọn mình chứ không phải mình chọn nghề. Anh thi tốt nghiệp phổ thông xong anh thi y khoa, mà rớt. Anh lên Sài Gòn ôn luyện để thi lại.
Tình cờ anh đạp xe đạp lóc cóc đi ngang trường sân khấu thấy đông quá trời luôn, tò mò, vô coi. Té ra người ta mở lớp, mình đăng ký vô học.
Hồi đầu vẫn vừa học vừa luyện thi nhưng rồi học bên này thích quá, vui quá thế là thời gian học cứ lấn lấn lấn.
Anh thi đậu mà anh cũng không nói gì với gia đình. Đến khi có giấy báo gởi về, thì ba anh mới nói anh là "con muốn người ta kêu con bằng thầy hay kêu con bằng thằng".
Ba anh không muốn cho anh theo nghề này vì nghệ sĩ bị người ta kêu bằng thằng này thằng nọ, dù mình lớn tuổi cũng thế. Còn bác sĩ thì ai cũng kêu bằng thầy, bằng bác hết.
Anh mới nói là, thôi để cho con thử một năm, nếu không được thì con ôn thi lại bên kia. Anh học được 1 năm, ở trường phổ thông tổ chức chương trình văn nghệ, các thầy cô mời về.
Thay vì hát, anh diễn kịch. Anh dạy lại cho các bạn ở dưới quê diễn với anh. Đêm đó có gia đình anh đi coi. Ba mẹ anh đi coi thấy người ta thích quá, về không nói nữa, kệ cho anh học luôn.
Anh có hài lòng về cuộc sống hiện tại không?
Anh tạm hài lòng, anh không bon chen. Hồi xưa anh là vua tấu hài mà. Nhưng giờ anh ít tấu hài. Anh không muốn bon chen với những đứa nhỏ, học trò mình như Trấn Thành, Trường Giang, Thu Trang...
Chưa nói đến chuyện là mình diễn có thể khán giả chưa chắc hài lòng. Mình diễn hay thì khỏi nói, còn giữ được cái tên, cái vị trí của mình mà lỡ diễn không hay là tiêu nên anh ít tham gia.
Anh chỉ tham gia live show của một nghệ sĩ nào đó hoặc chương trình lớn. Và khi xuất hiện thì anh phải đầu tư. Đó phải là tiết mục xuất sắc, vai phải vui, kịch bản vui.
Còn kịch anh tham gia thường xuyên. Anh học kịch mà, đó là nghề của mình. Mình phải trau dồi thường xuyên mới có kỹ năng kinh nghiệm dạy lại cho học trò mình. Kịch tiền ít hơn chạy show nhưng nó ổn định.
Cám ơn anh về cuộc trò chuyện và chúc anh luôn vui vẻ với nghề, với cuộc sống!