7 điều đặc biệt không giống ai của MC Đại Nghĩa

Nguyễn Hương |

Tôi định viết chân dung Đại Nghĩa nhưng cuộc nói chuyện giữa chúng tôi lại đi theo một hướng khác. Anh có những điều đặc biệt khó có thể phác họa bằng "nét vẽ" thông thường...

Và đây là Đại Nghĩa mà tôi biết.

1. "Sự tích" cái tên Đại Nghĩa

Đại Nghĩa kể với tôi rằng, tên của anh được ba mẹ đặt từ câu "Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy trí nhân để thay cường bạo" trong Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi.

"Có lẽ do ba mẹ thấy cái tên đó có ý nghĩa. Nếu tôi có một đứa em trai nữa thì chắc chắn sẽ được đặt tên là Trí Nhân.

 Ba mẹ tôi đã dự định như thế, nhưng tiếc là chỉ sinh được mình tôi", MC Gương mặt thân quen chia sẻ.

Anh cũng cho biết thêm, ba anh tên Đại Hưng nên khi sinh anh thì cũng muốn tên con bắt đầu bằng chữ đại.

Khi đặt tên này, có lẽ ba anh cũng mong cậu con trai sẽ trở thành người có nghĩa lớn, sống biết yêu thương, chia sẻ với những người xung quanh. 

Và quả thực, Đại Nghĩa đã không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ.

Đại Nghĩa trong live show Cẩm Ly.

Đại Nghĩa trong live show Cẩm Ly.

2. Được thừa hưởng gen nghệ thuật từ cha

Ba mẹ anh là nhân viên nhà nước và chỉ sinh được mình anh. 

Gia đình tuy không có ai làm về nghệ thuật nhưng Đại Nghĩa bảo "Tôi được thừa hưởng dòng máu nghệ thuật từ ba.

Ba tôi là người tài hoa cực kỳ. Ba đàn, hát, làm thơ, vẽ tranh đều đẹp, viết thư pháp đẹp hú hồn luôn. 

Từ nhỏ, ba là người dạy tôi vẽ, rèn chữ đẹp cho tôi. Tôi chỉ học được 1/10 của ba thôi".

Theo lời kể của Đại Nghĩa thì ba anh có thể viết 100 kiểu chữ đẹp khác nhau và kiểu nào cũng đẹp lộng lẫy. Ba anh làm thơ rất hay, vẽ tranh cũng vậy.

Dù không nói ra thì tôi hiểu rằng, người cha quá cố chính là thần tượng trong lòng Đại Nghĩa. Và lúc nào anh cũng muốn noi theo ba mình, không chỉ về tài năng mà cả đức độ.

Đại Nghĩa kể rằng, gia đình anh đã từng có giai đoạn khá khó khăn. Đó là lúc ba mẹ nghỉ làm ở nhà nước. 

Mẹ anh phải mở một tiệm may quần áo tại nhà. Kinh tế gia đình đều trông vào tiệm may của mẹ.

Lúc đó, chỉ còn mình mẹ cáng đáng về kinh tế nhưng ba vẫn là người trụ cột về tinh thần cho hai mẹ con, là chỗ dựa vững chắc cho gia đình.

Đại Nghĩa bảo: "Ba cũng giúp mẹ rất nhiều trong việc may. 

Tối mẹ may đồ thì ba ngồi kế bên cắt chỉ, hoặc ba phụ mẹ gấp quần xếp áo này kia, lấy cho mẹ ly nước".

Anh vẫn luôn tự hào vì mình được sinh ra và lớn lên trong một gia đình êm ấm, nhẹ nhàng, không nhiều sóng gió, không nhiều biến cố cuộc đời.

Danh hài Hoài Linh giúp Đại Nghĩa hóa trang cho vai giả gái.

Danh hài Hoài Linh giúp Đại Nghĩa hóa trang cho vai giả gái.

3. Sở thích giống... phụ nữ

Theo lời kể của Đại Nghĩa thì những lúc rảnh rỗi anh thích ở nhà tập đàn, vẽ tranh, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Và anh xem đó là một cách thư giãn.

Anh bảo "Công việc của tôi bình thường quá bận rộn, náo nhiệt nên khi về nhà tôi thích yên tĩnh. 

Tôi không cà phê bạn bè bên ngoài, không vũ trường, không quán bar, nhậu nhẹt. 

Và để cân bằng với cuộc sống quá ồn ào thì về nhà tôi thích làm những việc đó".

Những ai yêu thích Đại Nghĩa đều biết anh vẽ tranh và bán trên mạng lấy tiền làm từ thiện. 

Anh học vẽ từ ba chứ không qua bất cứ trường lớp nào. Anh cũng chơi đàn rất hay. Anh lại nấu ăn giỏi.

Lúc nói chuyện với tôi, anh mở điện thoại khoe với tôi hàng trăm món ăn do chính tay anh thực hiện, pose lên facebook cá nhân và chia sẻ cách làm. 

Nhìn những món ăn Đại Nghĩa làm, tôi cứ tưởng anh chụp ở nhà hàng. Vì anh bày biện rất đẹp.

Điều thú vị nhất là Đại Nghĩa ăn chay trường, thế nên các món anh nấu đều là món chay. 

Anh khoe: "Tôi biết nấu mấy trăm món chay. Món nào cũng ngon. Nấu ăn là cách giải trí của tôi mà còn giúp tôi tự chăm sóc sức khỏe bản thân".

Nấu ăn là một trong những biệt tài của anh. Đây là một món do chính tay Đại Nghĩa làm.

Nấu ăn là một trong những biệt tài của anh. Đây là một món do chính tay Đại Nghĩa làm.

4. Chuyện về tình bạn 20 năm với Đức Thịnh

Đại Nghĩa và Đức Thịnh học chung từ năm nhất trường Sân khấu Nghệ thuật 2 (nay là trường Sân khấu điện ảnh TPHCM). Sau khi tốt nghiệp, cả hai lại đầu quân về sân khấu kịch Idecaf thế nên đã thân lại càng thân hơn.

Kể về tình bạn 20 năm với Đức Thịnh, Đại Nghĩa bảo, con của Đức Thịnh cũng chính là con nuôi của anh.

Đức Thịnh quê ở Bến Tre. Vì học xa nhà nên Đức Thịnh được ba mẹ cho tiền theo tuần, tháng. Còn Đại Nghĩa sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn nên "lãnh lương" theo ngày. 

Mỗi ngày 10.000 đồng, còn ăn trưa thì đã có cà mên cơm ở nhà mang theo.

10.000 đồng ấy chỉ cần mua ổ bánh mì, uống chai nước là hết thế nên có những buổi chiều đi học về, xe hết xăng, Đại Nghĩa lại "chìa tay" xin bạn.

Tuy nhà ở quê, tiền ba mẹ cho cũng không có bao nhiêu nhưng Đức Thịnh lúc nào cũng sẵn. 

Những lúc như thế, Đức Thịnh lại xòe ra cho bạn khi 10.000 đồng, khi 12.000 đồng để bạn đổ xăng chạy về nhà.

Khỏi phải nói, cũng như bao nhiêu cặp bạn thân khác, vào những ngày cuối tuần, hai người lại chở nhau trên chiếc xe máy cà tàng chạy từ Sài Gòn về Bến Tre sau khi học xong 2 tiết ngày thứ 7 và quay lại Sài Gòn vào sáng thứ 2 cho kịp giờ chào cờ.

Đại Nghĩa kể: "Khi làm cùng ở Idecaf, chúng tôi hỗ trợ nhau nhiều trong diễn xuất, hai đứa góp ý cho nhau. 

Cả trong cuộc sống cũng giúp đỡ qua lại lẫn nhau. Đã 20 năm rồi, cứ vài ba bữa tôi lại chạy qua nhà Thịnh chơi hoặc rủ Thịnh qua thăm thầy".

Đại Nghĩa cũng vẽ rất đẹp và giàu ý tưởng sáng tạo.
Đại Nghĩa cũng vẽ rất đẹp và giàu ý tưởng sáng tạo.

5. Làm nhiều không phải chỉ vì... tiền

Mỗi người nghệ sĩ đều có một thời điểm để tỏa sáng và được khán giả yêu thương. 

Khi nghệ sĩ đang ở thời điểm được yêu thương nhất thì phải tận dụng cơ hội để làm việc. Đại Nghĩa cũng không ngoại lệ.

"Tôi không thể nói rằng, tôi đủ ăn 2 bữa với sơn hào hải vị rồi, tôi không cần làm gì hết. 

Tôi chỉ muốn đi du lịch, chơi game. Nếu tôi nói thế, chỉ cần 2 bữa thôi, người ta sẽ cho tôi giăng mùng ngủ luôn", Đại Nghĩa chia sẻ.

Đại Nghĩa nghĩ rằng, thời của mình thì mình phải cố gắng cống hiến. Nó không chỉ là chuyện kiếm tiền, nó là phụng sự cho cuộc đời và mọi người. 

Vì khi anh có nguồn thu nhập tốt, anh sẽ lo được cho bản thân trước tiên, cho gia đình và giúp những người xung quanh.

Hơn nữa, làm nghệ thuật là niềm đam mê của anh. Khán giả đã yêu thương anh thì anh cũng cần phải đáp lại điều đó bằng cách lao động nghiêm túc, hết mình.

Nói về quan điểm sống của mình, Đại Nghĩa bảo: "Sống để chia sẻ, yêu thương chứ không phải sống để ăn một mình cho hết"

Đại Nghĩa là một trong số rất ít nghệ sĩ âm thầm làm từ thiện ngày này qua ngày khác.

Những ai có facebook cá nhân của Đại Nghĩa đều biết, anh thường xuyên kêu gọi các tấm lòng hảo tâm cho những công trình, dự án từ thiện, giúp đỡ vùng sâu vùng xa, hay những người dân khó khăn.

Đại Nghĩa rất duyên và hài hước trong vai trò MC.

Đại Nghĩa rất duyên và hài hước trong vai trò MC.

6. Dám phạm vào điều cấm kỵ mà vẫn... bình an!

Nghệ sĩ có rất nhiều điều cấm kỵ như cho tiền người ăn xin, không ăn mía, thị, chuối, bắp, bơ...

 Rất nhiều nghệ sĩ tin vào những điều cấm này, nhưng Đại Nghĩa thì không.

Anh bảo, hồi mới vào nghề, do còn trẻ, chưa hiểu chuyện nên anh cũng kiêng kỵ theo những quan niệm từ lâu đời này. Nhưng đến khi đủ chững chạc thì anh nghĩ khác.

Anh không ăn mía, thị chỉ vì anh không thích chứ không phải vì điều cấm kỵ trong nghề. Anh vẫn ăn chuối, bắp, bơ... bình thường.

Mới đây, đi quay phim, anh còn mua bắp cho cả đoàn ăn. Mọi người cũng hỏi anh không sợ, không kiêng hả? 

Anh bảo anh không mê tín. Anh không tin chuyện nghệ sĩ ăn mấy thứ đó vào sẽ gặp sự cố, diễn dở hoặc gặp trục trặc...

Anh khẳng định, bản thân anh cũng chưa từng gặp sự cố nào do "phạm điều cấm" cả. Thậm chí, nghệ sĩ nào cũng kiêng cho tiền người ăn xin. 

Vì theo họ, làm như vậy là xúc phạm tới tổ nghề. Nhưng Đại Nghĩa vẫn cho tiền người ăn xin bình thường.

Có người cho rằng tổ nghề sân khấu là Đào Duy Từ. Cũng có người nói là 3 ông hoàng ăn mày (Tổ sư, Tiên sư và Thánh sư - những người làm nghề hát rong xin tiền).

Nhưng với Đại Nghĩa, tổ nghề là những bậc tiền nhân đi trước chứ không cố định một vị nào cả. 

Anh thắp hương tổ nghề là để cảm ơn những bậc tiền nhân đi trước đã mở đường, tạo dựng nên sân khấu, nghệ thuật để anh được tiếp bước theo sau.

Chính vì nghĩ như thế nên với anh, tổ nghề không phải nằm ở đâu, ở vị trí nào mà nằm trong tâm mình.

"Mình làm nghề một cách nghiêm túc, tôn trọng khán giả, tôn trọng công việc của mình thì đó là một cách mình đáp ơn tổ rồi", Đại Nghĩa chia sẻ.

Có lẽ vì Đại Nghĩa quá tốt nên tổ nghiệp cũng đãi anh bằng vị trí hiện nay trong lòng khán giả.
Có lẽ vì Đại Nghĩa quá tốt nên tổ nghiệp cũng đãi anh bằng vị trí hiện nay trong lòng khán giả.

Đại Nghĩa còn khẳng định: "Ông tổ không phải vì chuyện mình giúp đỡ một người nghèo khó mà phạt mình.

 Khi mình thấy người ta khó khăn hoạn nạn, giúp đỡ họ là điều cần thiết hơn là vì quan niệm nào đó mà mình bóp hầu bao mình lại.

Mình giúp một người mình chỉ có phước thôi chứ không thể giúp một người mà mình gặp tai họa được. 

Nếu có một vị tổ nào ở trên kia thấy tôi giúp người mà phạt tôi thì chắc tôi cũng không còn đủ sự kính nể với vị ấy được".

7. "Đạo đức của nghề là không được diễn hỗn"

Đại Nghĩa bảo, nghề nào cũng có đạo đức của nghề đó. Mình phải biết trên biết dưới để mình sống, cư xử cho đúng mực.

Đối với nghề diễn viên thì đạo đức của nghề là không được "diễn hỗn". 

Nghĩa là, khi diễn với bạn thì mình phải tương tác hợp lý nhất chứ không được cố tình chèn ép, lấn lướt bạn diễn. Đó là những nguyên tắc cơ bạn của một diễn viên cần phải biết.

Những người trong nghề phải tự học lấy điều này, nếu ngơ ngác không biết thì đàn anh đàn chị cũng sẽ chỉ cho biết. 

Thế hệ trước truyền cho thế hệ sau những kinh nghiệm đó và được hiểu là một luật... bất thành văn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại