Cái duyên làm hài của Chí Tài có từ nét mặt "khù khờ", động tác chậm chạp đến "lù đù" của anh. Chỉ cần Chí Tài bước lên sân khấu là đã làm khán giả cười lăn cười bò, dù anh chưa nói câu gì.
Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau cái duyên ngầm với sân khấu hài ấy, Chí Tài cũng có những nỗi niềm mà bình thường anh vẫn kín như bưng...
Tuổi thơ ám ảnh
Tôi sinh ra trong một gia đình có ba là công chức và nhà rất đông anh chị em. Trước năm 1975, ba tôi là nhân viên bưu điện, còn mẹ làm nội trợ.
Mẹ tôi lấy ba tôi là người chồng thứ hai. Với người chồng đầu tiên, bà sanh được 6 người con. Lấy ba tôi, mẹ sinh 8 người con nữa tôi là thứ 6, nhưng theo cách gọi của người miền Nam thì tôi là anh Bảy.
Tổng cộng nhà tôi có tới 14 anh chị em. Chuyện của người lớn tôi cũng không rành lắm, chỉ nhớ mang máng là hình như 6 người con đầu của mẹ không ở chung nhà với 8 chị em tôi.
Thời đó, lương công chức rất eo hẹp. Nhà lại quá đông con nên tôi được cho đi học đã là may lắm rồi. Tôi cứ nhớ mãi mỗi lần được đi coi cine (rạp phim - pv) thì mừng lắm vì vào đó vừa mát vừa được ngửi mùi thơm của khói thuốc lá.
Ngày xưa nghèo, đâu có tiền hút thuốc, có nhiều cái mình muốn mà không được. Nhiều người nghĩ được ăn được học đã là may rồi vì thời đó khó khăn. Nhưng không phải thế.
Nhà bạn tôi bán vải ở Chợ Lớn, gia đình cậu ấy rất khá, đi học vẫn chạy xe vespa, còn tôi đi xe bus, xe lam.
Nhà đông anh em quá mà lương của ba thì ba cọc ba đồng, thế là ba tôi xin người ta cho qua Mỹ để kiếm tiền gởi về nuôi đám con.
Ba mẹ tôi đi nước ngoài từ khi tôi còn rất nhỏ. Ở nhà mấy chị em tôi đùm bọc lấy nhau sống qua ngày. Toàn bộ nguồn sống của chị em tôi đều trông chờ vào viện trợ từ nước ngoài gởi về.
Tiền nhiều khi gởi về chậm, có tháng chị em tôi còn không có đồ ăn, phải ăn tầm bậy tầm bạ qua ngày hoặc chạy đi mượn tiền người ta. Vì thế tôi chẳng dám nghĩ, dám mơ tới chuyện đi đâu chơi.
Tôi cứ nhớ hoài những tháng tiền gởi về chậm, chị tôi phải chạy đầu này, chạy đầu kia mượn tiền. Mượn tiền thì phải trả tiền lời mà có khi họ còn căng không cho mượn, chỉ vì chị em tôi chẳng biết lúc nào mới có tiền mà trả cho họ.
Lúc mấy bà chị lấy chồng, vì không thể bỏ mặc các em nên các chị vẫn ở chung nhà. Anh rể tôi là lính, đi miết, lâu lâu mới về một lần. Tính cộc cằn nên thường đánh vợ. Tôi thấy cả.
Con cái thì khóc lóc um sùm. Nó khóc tôi không học được bài nhưng vì là cháu mình nên mình đâu làm gì được. Đành chịu.
Tánh tôi rất ghét mấy người đàn ông đánh đàn bà. Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, phụ nữ chân yếu tay mềm, mình là đàn ông mà đánh họ là sai.
Ngay từ lúc còn nhỏ xíu thấy ba đánh mẹ, tôi đã không phục rồi. Ba đánh mẹ trước mặt tôi. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh đó. Nó ám ảnh tôi tới chết.
Sau này tôi cũng nói thẳng với ba về những suy nghĩ ấy của mình. Tôi bảo, có chuyện gì ba không hài lòng về mẹ thì cùng lắm là chửi bới, đập đồ thôi, đừng có đánh mẹ.
Cuộc sống những năm tháng ấy đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý một đứa trẻ là tôi. Từ chuyện của ba mẹ đến chuyện của anh chị làm tôi rất sợ. Nó ám ảnh tôi đến tận khi tôi lập gia đình, tôi sợ có con luôn.
Có lẽ tôi không có nợ về đường con cái
Chuyện không có con có lẽ trước tiên là do tôi. Tôi bị ám ảnh cái tuổi thơ nghèo khó, nhà đông con, vợ chồng gây lộn hoài nên tôi nhát con. Nhiều người cũng cho là tôi ích kỷ nhưng tôi không nghĩ thế.
Tôi quan niệm rằng, người đàn ông quan trọng nhất là sự nghiệp. Nếu muốn con cái hạnh phúc thì cần đảm bảo kinh tế vững bền rồi mới sanh con.
Mình không thể sanh con ra rồi để con lê lết không lo cho nó đầy đủ. Rồi vợ chồng gây lộn, li dị, khiến con không cha không mẹ. Nếu vậy thà đừng sanh con tốt hơn.
Cũng may là vợ tôi không thèm khát con đến mức có thể để ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình. Nếu là vợ người ta, có lẽ họ đã bỏ đi rồi nhưng vợ chồng tôi đều đồng lòng về chuyện con cái.
Cuộc đời làm nghệ thuật của tôi cứ đưa đẩy tôi đi từ bước ngoặt này sang bước ngoặt khác. Tôi bị cuốn theo đến khi nhìn lại, kinh tế ổn định, muốn có con thì lại lớn tuổi mà vợ tôi cũng chỉ nhỏ hơn tôi có 1 tuổi.
Tôi đã thấy nhiều người lớn tuổi mới sanh con, con bị yếu, bị bệnh, đứa trẻ không được bình thường. Thế nên tôi càng sợ.
Tôi cũng chứng kiến một ông nhạc sĩ già khi mất chỉ có con nuôi mà không có con đẻ bên cạnh. Tôi cũng hình dung được lúc về già có thể mình sẽ cô đơn, sẽ chạnh lòng… nhưng tôi chấp nhận.
Vợ chồng tôi không bị tác động bởi những ý kiến của người khác. Bởi tôi nghĩ rằng, nếu mình để những góp ý của người ngoài về chuyện này rất có thể mình sẽ suy nghĩ rồi buồn rồi gây lộn với vợ.
Tôi có suy nghĩ rằng, vợ mình là người ở với mình 24/24h chứ không phải bất cứ ai khác thì tại sao mình lại để những lời nói bên ngoài làm ảnh hưởng đến gia đình mình?
Tôi nhớ có lần Hoài Linh nói với tôi rằng: “Anh đừng có buồn, chắc số anh không có nợ về đường con cái nên kiếp này anh không có con thôi”.
Có lẽ Hoài Linh nói đúng. Thế nên tôi vẫn lắng nghe, vẫn trân trọng mọi góp ý của mọi người nhưng tôi không để điều đó làm ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi. Vợ chồng tôi vẫn rất vui vẻ với nhau.