Đằng sau quyết định của ông Biden chấm dứt sứ mệnh chiến đấu của Mỹ tại Iraq

Hồng Anh |

Không giống như quyết định của Tổng thống Biden rút toàn bộ binh sỹ Mỹ ra khỏi Afghanistan, việc chấm dứt sứ mệnh chiến đấu của Mỹ tại Iraq là do chính quốc gia Trung Đông này thúc giục.

Thủ tướng Iraq al-Kadhimi và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp tại Phòng Bầu Dục. (Ảnh: Reuters)

Thủ tướng Iraq al-Kadhimi và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp tại Phòng Bầu Dục. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi đã đạt được thỏa thuận chấm dứt sứ mệnh chiến đấu của quân đội Mỹ ở Iraq vào cuối năm nay, một bước đi mới nhằm rút Mỹ ra khỏi các cuộc chiến dài bất tận sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9.

Phát biểu trong cuộc họp báo cùng với Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi tại Phòng Bầu dục, Tổng thống Biden nói:

“Tôi nghĩ mọi thứ đang diễn ra rất tốt đẹp. Vai trò của chúng tôi ở Iraq sẽ là tiếp tục đào tạo, hỗ trợ, giúp đỡ và đối phó IS nếu chúng trỗi dậy, nhưng đến cuối năm chúng tôi sẽ không tham gia nhiệm vụ chiến đấu".

Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết thêm: “Chúng tôi ủng hộ việc củng cố nền dân chủ của Iraq cũng như mong muốn cuộc bầu cử tại nước này sẽ diễn ra suôn sẻ vào tháng 10 tới.

Chúng tôi cam kết hợp tác về an ninh và hợp tác trong cuộc chiến chống IS. Điều này rất quan trọng đối với sự ổn định trong khu vực”.

Không giống như quyết định của Tổng thống Biden rút toàn bộ binh sỹ Mỹ ra khỏi Afghanistan, việc chấm dứt sứ mệnh chiến đấu của Mỹ tại Iraq là do chính quốc gia Trung Đông này thúc giục.

Chính phủ Iraq đang rơi vào thế khó khi phải tìm cách cân bằng giữa các phe phái phản đối Mỹ, lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn và sự hiện diện ổn định và lâu dài của quân đội Mỹ.

Việc Mỹ rút quân khỏi Iraq sẽ không giống như việc nước này rút quân khỏi Afghanistan. Mỹ hiện có 2.500 binh sỹ đang đồn trú tại Iraq và các quan chức nước này không cho biết con số đó sẽ thay đổi như thế nào sau thỏa thuận giữa hai bên ngày 26/7.

Quyết định của Tổng thống Biden rút binh sỹ Mỹ khỏi Iraq và Afghanistan là minh chứng rõ nét nhất cho nỗ lực của ông nhằm thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ được đưa ra cách đây gần 2 thập kỷ. Thay vào đó, ông muốn tập trung đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc.

Chính quyền Tổng thống Barack Obama từng tuyên bố rút quân ra khỏi Iraq vào năm 2011, nhưng họ đã phải điều quân trở lại vào năm 2014 để đối phó với các phần tử khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Ông Biden lúc đó còn là phó tổng thống chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề liên quan đến Iraq. Ông đã thăm quốc gia này nhiều lần và tiếp xúc với các phe phái chính trị tại Iraq.

Trước cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi, chính phủ hai nước đã tổ chức các cuộc đàm phán kỹ thuật vào tuần trước trong khuôn khổ cuộc đối thoại chiến lược song phương.

Tổng thống Biden cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ ngoại giao và nhân đạo cho Iraq, trong đó có kế hoạch cung cấp cho nước này 500.000 liều vaccine Covid-19 của Pfizer.

Việc chấm dứt sứ mệnh chiến đấu không phải là một sự điều chỉnh lớn đối với sự hiện diện của Mỹ trong khu vực bởi trước đó nước này đã tập trung nhiều nỗ lực cố vấn và hỗ trợ quân đội Iraq.

Trong những năm gần đây, các căn cứ của quân đội Mỹ tại Iraq đã bị nhiều lần bị tấn công bằng máy bay không người lái mà Washington cáo buộc do Iran và lực lượng được nước này hậu thuẫn tiến hành, dẫn đến các hành động đáp trả qua lại giữa hai bên.

Giống như ở Afganistan, có nhiều đánh giá trái chiều về kết quả 18 năm quân đội Mỹ hiện diện tại Iraq.

“Không ai tuyên bố sứ mệnh đã hoàn thành”, một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ cho biết. “Mục tiêu là đánh bại IS lâu dài. Chúng ta phải tiếp tục gây sức ép lên tổ chức này khi chúng tìm cách trỗi dậy nhưng vai trò của Mỹ và liên quan có thể giảm đi rất nhiều”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại