UBND huyện Đắk G’long (tỉnh Đắk Nông) hôm 28/2 cho biết trên Tuổi trẻ, cơ quan này đã kỷ luật khiển trách Chủ tịch UBND xã Đắk Ha Nguyễn Đức Chiến, vì buông lỏng quản lý trong giám sát xây dựng đường giao thông cụm dân cư số 2, thôn 6, xã Đắk Ha.
Xã đã để sai phạm ở tất cả các khâu, từ họp dân, thiết kế, đến giám sát, thi công. Do đó, tuyến đường đã bị làm sai so với thiết kế ban đầu.
Dự án làm tuyến đường cụm dân cư số 2, thôn 6, xã Đắk Ha với chiều dài 1,5km, tổng mức đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng, có sử dụng nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2017.
UBND xã Ðắk Ha làm chủ đầu tư dự án. Nhà nước hỗ trợ 822 triệu đồng, người dân đóng góp 718 triệu đồng. Tuyến đường được thi công năm 2017 và hoàn thành tháng 4/2018.
Dù trong thiết kế tuyến đường không hề có nhánh rẽ, nhưng theo Tuổi trẻ, đơn vị đầu tư đã tự ý vẽ thêm 2 nhánh phụ, trong đó có 1 nhánh đường rẽ vào rẫy của ông Trần Đình Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV xây dựng HBBT (cũng là đơn vị thi công tuyến đường).
Trước đó, theo ghi nhận của Tiền phong, nhánh rẽ vào rẫy nhà Giám đốc Hạnh có chiều dài 566,5m, nhưng có 138m không thuộc địa giới hành chính xã Đắk Ha mà thuộc thị xã Gia Nghĩa. Với phần đường còn lại, dù thi công đúng với phương án ban đầu, nhưng lại có 274,5m bị lệch tọa độ sang địa giới hành chính thị xã Gia Nghĩa.
Hàng loạt sai phạm đã được UBND huyện Đắk G’long chỉ ra. Cụ thể, xã đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu khi chưa có báo cáo thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu; Công ty của ông Hạnh không có sổ nhật ký theo dõi thi công của đơn vị chủ đầu tư trong quá trình cung cấp vật liệu; Xã để ông Phó Trưởng thôn 6 Nguyễn Huy Chín ký nhận vật liệu là không đúng quy định...
UBND huyện sau đó đã thu hồi tổng tiền vật liệu hơn 467 triệu đồng của Công ty TNHH MTV xây dựng HBBT, thu hồi gần 200 triệu đồng từ ông Chín và một số người thu của dân.
Thời điểm tháng 11/2018, khi sự việc được báo giới phản ánh, một số người dân bức xúc nói, họ dành dụm tiền để làm đường đi lại cho bà con trong cụm dân cư, thoát khỏi cảnh bụi bặm và bùn lầy, thì kết cục đường đường lại vào rẫy nhà ông giám đốc đơn vị thi công tuyến đường.
"Chúng tôi phải bán cà phê “non” để đóng tiền làm đường, doanh nghiệp ông Hạnh thi công lại dùng số tiền đó sử dụng vào mục đích khác là điều không thể chấp nhận được. Bản vẽ của con đường bê tông được làm trên đường trục chính của xã Đắk Ha. Nhưng khi làm xong, đường lại dẫn vào rẫy của nhà ông Hạnh ở địa phận xã Quảng Thành, thị xã Gia Nghĩa.
Chúng tôi đã nghèo khó rồi, cái ăn còn thiếu làm gì có chuyện chúng tôi lại đồng ý đóng tiền để làm con đường mà không bao giờ đi trên đó một bước nào?", một người dân thôn 6 từng bày tỏ trên tạp chí GTVT.
(Tổng hợp)