Theo đó, đối với khối lượng rác thải trên địa bàn quận Thanh Xuân (405 tấn/ngày đêm), huyện Hoài Đức (165 tấn/ngày đêm) phân luồng tiếp nhận về xử lý tại Nhà máy xử lý chất thải Xuân Sơn, Sơn Tây của HTX Thành Công.
Đối với các quận Ba Đình (300 tấn/ngày đêm), Hoàn Kiếm (215 tấn/ngày đêm), Hai Bà Trưng (350 tấn/ngày đêm), Đống Đa (430 tấn/ngày đêm), Nam Từ Liêm (265 tấn/ngày đêm), Bắc Từ Liêm (250 tấn/ngày đêm), Tây Hồ (197 tấn/ngày đêm), Cầu Giấy (320 tấn/ngày đêm) thực hiện phương án phân luồng về ô chôn lấp tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn.
Đối với các quận Hà Đông (455 tấn/ngày đêm), Hoàng Mai (453 tấn/ngày đêm), Long Biên (313 tấn/ngày đêm) và các huyện như Thanh Trì (210 tấn/ngày đêm), Gia Lâm (186 tấn/ngày đêm), Đông Anh (178 tấn/ngày đêm), Sóc Sơn (159 tấn/ngày đêm), Mê Linh (115 tấn/ngày đêm) thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường lưu chứa tại các điểm trung chuyển, tập kết tạm thời của địa phương.
Nếu trong thời gian từ 3 – 7 ngày sau khi chặn rác, trên địa bàn các quận, huyện này hết chỗ lưu chứa tạm thời sẽ báo cáo Sở Xây dựng tiếp tục cho vận chuyển về Khu xử lý chất thải Xuân Sơn, Sơn Tây.
Thời gian thực hiện từ ngày 23/12/2019 đến khi khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn vận hành trở lại.
Trong thời gian thực hiện kế hoạch phân luồng tạm thời, để đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn, Ban Duy tu đề nghị UBND các quận, huyện lập kế hoạch lưu chứa vận chuyển, tăng cường công tác phun hóa chất khử mùi trên địa bàn và chủ động theo dõi, phối hợp, cập nhật liên tục diễn biến tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn.
Chuẩn bị đầy đủ phương tiện, thiết bị nhân lực để giải tỏa nhanh các điểm tập kết khi thông bãi.
Sau khi bãi Nam Sơn tiếp nhận trở lại, chỉ đạo các đơn vị vận chuyển hết khối lượng rác đã tập kết tạm thời tại đây về Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn.
Nhà máy xử lý chất thải Xuân Sơn của HTX Thành Công lập kế hoạch đảm bảo an toàn tiếp nhận, xử lý thêm phần khối lượng từ quận Thanh Xuân, cử người phân luồng từ xa đảm bảo ATGT tránh ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh bãi.
Đối với Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội – Chi nhánh Xuân Sơn (U6), Ban Duy tu yêu cầu đơn vị lập kế hoạch, bố trí đầy đủ nhân lực, phương tiện tiếp nhận thêm phần khối lượng phân luồng từ địa bàn các quận; tăng cường công tác phun khử mùi, có các biện pháp đảm bảo an toàn khi tiếp nhận khối lượng rác tăng cao.
Chuẩn bị ngay các điều kiện cần thiết như nhân lực, vật tư, thiết bị để có thể vận hành tiếp nhận rác của địa bàn 4 quận nội thành gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa vào ô chôn lấp (khoảng 1ha) tại khu 4,6ha Ba Vì từ ngày 24/12/2019.
Đối với các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường, đảm bảo các biện pháp lưu chứa tại địa bàn, tránh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân; tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh phương tiện trong quá trình vận chuyển, tránh gây bức xúc dân sinh.
Từ chiều tối 23/12, người dân xã Hồng Kỳ và Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) lại dựng lều bạt trên đường, chặn xe chở rác vào Khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (hay còn gọi bãi rác Nam Sơn) để phản đối việc chậm thực hiện di dời giải phóng mặt bằng, đơn giá đền bù đất và giá đất phải nộp để nhận suất tái định cư.
Việc chặn xe của người dân đã khiến nhiều xe chở rác của Công ty TNHH Một thành viên Môi trường Hà Nội phải nằm chờ ở ngoài bãi rác Nam Sơn hoặc quay đầu đi nơi khác.
Trước đó, vào tháng 1 và tháng 7/2019 bãi rác Nam Sơn cũng bị chặn nhiều ngày cũng với lý do tương tự. Sau đó UBND TP đã yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đẩy nhanh công tác lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân, tuy nhiên đến nay việc giải phóng mặt bằng chưa thực hiện đúng tiến độ đề ra.