Đại sứ Triều Tiên "cô độc", Mỹ - Nga - Trung bất đồng gay gắt vì Bình Nhưỡng ngay giữa LHQ

Tất Đạt |

Cuộc họp tại trụ sở LHQ không đạt được nhiều kết quả tích cực. Bình Nhưỡng tiếp tục từ chối đối thoại và đồng thời tuyên bố Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân.

Tại cuộc họp ngày hôm qua, Triều Tiên đã lên tiếng chỉ trích Mỹ, Nhật Bản và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ), cho rằng các bên đã quá "hung hăng" trong việc ngay cản chương trình phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng mà nước này coi là giải pháp duy nhất để bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền của mình.

Những lời bình luận trên được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson kêu gọi Trung Quốc và Nga tiến hành những chính sách nghiêm túc hơn đối với Triều Tiên, và cho biết Mỹ sẽ không đàm phán với Bình Nhưỡng cho tới khi quốc gia này ngừng "các động thái đe dọa" an ninh, bình ổn khu vực.

Tiếng nói đơn độc của Triều Tiên

Tại cuộc họp đặc biệt do HĐBA LHQ chủ trì, Đại sứ Triều Tiên tại LHQ Ja Song Nam phát biểu: "Chúng tôi tự hào vì ý chí tuyệt vời của người dân Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã đạt được thành tựu lịch sử trong việc hoàn thiện sức mạnh tên lửa hạt nhân hồi tháng 11 vừa qua."

Đại sứ Triều Tiên cô độc, Mỹ - Nga - Trung bất đồng gay gắt vì Bình Nhưỡng ngay giữa LHQ - Ảnh 1.

Ông Kim Jong Un theo dõi vụ phóng tên lửa. Ảnh: Reuters

"Việc sở hữu và phát triển vũ khí hạt nhân là hình thức tự bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, là quyền hợp pháp của chúng tôi trước mối đe dọa hạt nhân của Mỹ. Nếu cộng đồng thế giới muốn chỉ trích, hãy chỉ trích Mỹ," ông Ja lên tiếng.

Đại sứ Triều Tiên cũng cho biết: "Hiện nay thế giới có nhiều cường quốc hạt nhân, nhưng không nước nào như Mỹ. Quốc gia này đã công khai đe dọa và chèn ép các nước khác bằng vũ khí hạt nhân của mình."

Cuộc họp tại trụ sở LHQ không đạt được nhiều kết quả tích cực. Bình Nhưỡng tiếp tục từ chối đối thoại và đồng thời tuyên bố Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân.

Hành động này đã làm gia tăng sâu sắc sự khác biệt giữa hai bên liên minh: một bên là liên minh Mỹ - Hàn Quốc – Nhật Bản và bên còn lại là Nga và Trung Quốc.

Mỹ thúc giục tăng cường tối đa áp lực lên Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nguồn: Arirang News

Với hơn 20 quả tên lửa được bắn thử - 2 quả trong số đó bay qua các lãnh thổ đông dân cư của Nhật Bản, năm 2017 đã trở thành thời điểm mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết kể từ sau thỏa thuận ngừng bắn chấm dứt giao tranh vũ trang trên bán đảo Triều Tiên từ năm 1953.

Trả lời Bưu điện Hoa nam Buổi sáng, Annelise Riles, giáo sư nghiên cứu các vấn đề Viễn Đông tại trường Luật Cornell, nhận định: "Tôi không nghĩ chúng ta có thể trông đợi sự tiến triển trong các hội nghị như vậy. Các bên đều tự bảo vệ lập trường của mình. Có thể nhiều quan chức cấp cao Triều Tiên cũng đã nghĩ tới các biện pháp ‘hạ nhiệt’ căng thẳng với Mỹ, nhưng điều này khó có thể được Nhà lãnh đạo Kim Jong Un chấp nhận."

Bất đồng giữa các cường quốc

Tại cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng tuyên bố "Triều Tiên phải dừng ngay lập tức các động thái hung hăng trước khi các bên có thể ngồi vào bàn đàm phán."

"Mỹ cũng mong muốn Nga và Trung Quốc tăng cường áp lực [bên cạnh những nghị quyết đã được HĐBA ban hành] lên Bình Nhưỡng. Việc dầu thô Trung Quốc tiếp tục được vận chuyển tới Triều Tiên đã khiến LHQ phải đặt ra nghi vấn về cam kết của Bắc Kinh trong việc tuân thủ các nghị quyết quốc tế," ông Tillerson phát biểu.

Ngoại trưởng Mỹ cũng nói thêm: "Trong khi đó, Nga cũng cho phép người lao động Triều Tiên tại Nga làm việc trong điều kiện ‘tồi tệ’ để kiếm tiền chuyển về quê hương, phát triển các chương trình vũ khí."

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và Ngoại trưởng Hàn Quốc Cho Tae-yong ủng hộ phát biểu của ông Tillerson, yêu cầu xử lí toàn vẹn vấn đề tình hình bán đảo.

Các đại diện Trung Quốc và Nga đã phản ứng lại lời cáo buộc của ông Tillerson, và cho rằng chính hành động tập trận của Mỹ tại bán đảo Triều Tiên đã làm gia tăng căng thẳng.

Đại sứ Triều Tiên cô độc, Mỹ - Nga - Trung bất đồng gay gắt vì Bình Nhưỡng ngay giữa LHQ - Ảnh 3.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại buổi họp. Ảnh: Robert Delaney

Đại sứ Nga Vasily Nebenzya nói: "Người lao động Triều Tiên không hề làm việc trong tình trạng ‘tồi tệ’. Họ được đảm bảo mọi quyền lợi theo thỏa thuận liên chính phủ với chính quyền Bình Nhưỡng."

"Tình hình hiện tại trên bán đảo Triều Tiên không phải là trách nhiệm của một bên duy nhất. Việc dựa hoàn toàn vào Trung Quốc không phải là lối thoát cho rắc rối khu vực," Đại sứ Trung Quốc Wu Haitao lên tiếng.

"Trung Quốc đã nỗ lực rất nhiều và phải chịu nhiều thiệt thòi hơn bất kì quốc gia nào [đặc biệt nếu xét tới cấm vận của LHQ vào Triều Tiên]. Thật là vô trách nhiệm khi nghi ngờ hay thách thức Trung Quốc."

Kết thúc cuộc họp, ông Tillerson lại một lần nữa khẳng định "Mỹ vẫn mở các kênh đối thoại với Triều Tiên," nhưng "sẽ không chấp nhận đàm phán vô điều kiện" như đã nói trước đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại