Màn kịch của Mỹ: Ông Trump, Tillerson "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" về Triều Tiên

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Khả năng thực tế là có sự phân vai diễn kịch giữa Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Rex Tillerson trong tuyên bố trái ngược về đàm phán với Triều Tiên vừa qua.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson vẫn còn nóng hổi thì gáo nước lạnh đã đến từ phía Nhà Trắng. Chuyện liên quan đến Triều Tiên. Ông Tillerson khiến công chúng ngỡ ngàng khi tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng đàm phán vô điều kiện với Triều Tiên. Người ngoài không bị bất ngờ sao được khi như thế có nghĩa là chính phủ Mỹ đã thay đổi rất cơ bản chính sách đối với Triều Tiên.

Cho tới nay, quan điểm chính thống và rất kiên định của chính phủ Mỹ, ở thời những người tiền nhiệm cũng như trong gần một năm cầm quyền vừa qua của ông Trump vẫn là đàm phán với Triều Tiên nhưng có điều kiện tiên quyết. Điều kiện ấy là Triều Tiên phải từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân hoặc chấp nhận đàm phán về chương trình này.

Nga và Trung Quốc lập tức thể hiện thái độ ủng hộ. Nhưng rồi Nhà Trắng lại cài số lùi. Nhà Trắng cho rằng ông Trump chưa thay đổi quan điểm chính sách về Triều Tiên, hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp cho đối thoại với Triều Tiên và Triều Tiên vẫn còn thử hạt nhân, phóng tên lửa.

Màn kịch của Mỹ: Ông Trump, Tillerson trống đánh xuôi, kèn thổi ngược về Triều Tiên - Ảnh 1.

Ông Kim Jong-un bắt tay với những thành viên tham gia thử nghiệm tên lửa Hwasonhg-15. Ảnh: KCNA

Màn kịch của Nhà Trắng

Ở lần này, giữa ông Tillerson và Nhà Trắng có khác nhau, nhưng cũng vẫn có cái giống nhau. Khác nhau ở chỗ Nhà Trắng phủ nhận mọi thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên trong khi ông Tillerson phát đi thông điệp là phía Mỹ đã thay đổi quan điểm. Giống nhau ở chỗ lập lờ giữa giữ và bỏ điều kiện tiên quyết.

Ông Tillerson tuyên bố Mỹ sẵn sàng đàm phán vô điều kiện với Triều Tiên nhưng trước đó Triều Tiên phải ngừng thử hạt nhân và phóng tên lửa. Nhà Trắng cho rằng hiện chưa phải là thời điểm thích hợp để đàm phán trực tiếp với Triều Tiên và vì Triều Tiên vẫn còn thử hạt nhân và phóng tên lửa, nhưng không nhắc lại những điều kiện tiên quyết vẫn bám giữ lâu nay.

Đây không phải lần đầu tiên bộc lộ sự khác biệt quan điểm giữa ông Tillerson và ông Trump. Chỉ cần nhìn vào trật tự quyền lực trong chính phủ Mỹ và tính cách cá nhân của ông Trump thì sẽ thấy tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược giữa ông Trump và ông Tillerson không thể tồn tại được, trong chuyện bình thường thôi đã không thể có chứ chưa nói đến những "chuyện tày đình" như vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Nếu đúng có khác biệt quan điểm như thế và nếu đúng là ông Tillerson đã manh động thì chắc chắn đã bị ông Trump sa thải ngay rồi.

Cho nên khả năng thực tế hơn là có sự phân vai diễn kịch giữa ông Tillerson và ông Trump, tức là đã có trao đổi trước với nhau giữa hai người này rồi. Tuyên bố nói trên của ông Tillerson giống như một sự thăm dò và phép thử để nếu Triều Tiên chấp nhận thì đấy sẽ là bước tiến. Còn nếu nó bị Triều Tiên làm ngơ thì phía Mỹ cũng không bị tổn hại gì đến thể diện khi chỉ cần biện luận rằng đó là ý riêng của cá nhân ông Tillerson chứ không phải là chủ trương của ông Trump.

Lời lý giải này càng thêm có lý khi để ý đến thời điểm ông Tillerson tung ra mời chào đàm phán kia sau chuyến đi của "nhân vật quyền lực thứ hai" trong ban lãnh đạo Liên hợp quốc đi thăm Triều Tiên. Ông Jeffrey Feltmann, sau khi rời Triều Tiên cho biết, phía Triều Tiên rất quan tâm đến việc ngăn ngừa xảy ra chiến tranh.

Màn kịch của Mỹ: Ông Trump, Tillerson trống đánh xuôi, kèn thổi ngược về Triều Tiên - Ảnh 2.

Xem ra, chỉ có thể là Mỹ chủ ý tạo ra tình huống nửa thật, nửa vờ để thăm dò Triều Tiên, làm như thế giúp cho cả hai bên đều không ngại là sẽ bị mất thể diện và bị coi là yếu thế nếu chấp nhận đàm phán trực tiếp với nhau. Ngoài ra cũng còn có thể nhận ra được từ đó hai điều đáng chú ý sau.

Thứ nhất, ông Trump và cộng sự, trong đấy đương nhiên không thiếu ông Tillerson, hiện vẫn trong tình trạng bế tắc đối sách đối với Triều Tiên và tác dụng của những biện pháp chính sách mà Mỹ đã và đang tiếp tục áp dụng đối với Triều Tiên đã đến giới hạn của nó khiến Mỹ dẫu không muốn cũng phải thấy rằng không thể ngăn cản được Triều Tiên tiếp tục chương trình hạt nhân và tên lửa.

Thứ hai, ông Trump và cộng sự đang dò dẫm cách thức kìm hãm thôi chứ không chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Cái mô hình giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran mà ông Trump vốn vẫn phản đối quyết liệt rất có thể sẽ được thích ứng hoá cho Triều Tiên bởi đấy là một trong số ít cách thức thực tế nhất có thể giúp Mỹ không phải công nhận Triều Tiên là cường quốc hạt nhân.

Rất có thể cũng vì thế mà Quốc hội Mỹ khi đến thời hạn đã không quyết định lật ngược thoả thuận mà Mỹ đã cùng ký kết năm 2015 về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran.

Qua chuyện này có thể thấy Mỹ chưa mạnh bạo tiến nhưng ý thức được rằng không thể cứ đứng tại chỗ được mãi nữa trong chuyện này.

Quý bà áo hồng Triều Tiên - Người phụ nữ quyền lực khiến "kẻ thù run sợ"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại