Đại họa dưới biển sâu: Tính mạng 110 triệu người bị đe dọa nếu "bom khổng lồ" này phát nổ

Trang Ly |

Núi lửa Kikai Caldera ngầm dưới biển có nguy cơ thức giấc trong tương lai sau hơn 7.000 năm "ngủ yên".

Đại họa dưới biển sâu: Tính mạng 110 triệu người bị đe dọa nếu bom khổng lồ này phát nổ - Ảnh 1.

Kikai Caldera là tên một miệng núi lửa ngầm khổng lồ, cao 600m, đường kính 10.000m, nằm bên dưới quần đảo Ōsumi thuộc tỉnh Kagoshima, Nhật Bản.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản, Kikai Caldera là tàn tích của một vụ siêu phun trào cổ đại Akahoya khổng lồ cách đây 7.300 năm.

Đại họa dưới biển sâu: Tính mạng 110 triệu người bị đe dọa nếu bom khổng lồ này phát nổ - Ảnh 2.

Mô hình 3D núi lửa ngầm Kikai Caldera. Nguồn: Đại học Kobe.

Vụ siêu phun trào Akahoya đã giải phóng ra khoảng 150 km3 vật liệu núi lửa. Vụ nổ khủng khiếp đến mức giải phóng lượng dung nham lớn, nóng hàng nghìn độ C đến tận phía Nam đảo Kyūshū, cách đó 100km, làm biến dạng đáng kể thảm thực vật nơi đây. Tro bụi bị bắn phá bay xa tới tận đảo Hokkaidō.

Tính trong 10.000 năm trở lại đây, vụ siêu phun trào Akahoya trở thành một trong những thảm họa núi lửa khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người, sánh ngang cùng các thảm họa núi lửa nổi tiếng khác như Tambora, Santorini, Changbaishan, Hồ Crater và Hồ Kurile.

Điều đáng nói là, Kikai Caldera là một núi lửa còn hoạt động, có khả năng tái diễn vụ phun trào khổng lồ trong lịch sử, mặc dù với mức độ yếu hơn, những vẫn có khả năng đe dọa tính mạng của hàng trăm triệu người.

Đại họa dưới biển sâu: Tính mạng 110 triệu người bị đe dọa nếu bom khổng lồ này phát nổ - Ảnh 3.

Nhận thức được mối hiểm họa đáng sợ từ tự nhiên này, trường Đại học Kobe (Nhật Bản) đã thành lập Trung tâm thăm dò đáy biển trực thuộc trường ĐH Kobe (KOBEC) năm 2015. Từ đó đến nay, các nhà khoa học thuộc Trung tâm đã tiến hành 3 chuyến khảo sát núi lửa ngầm Kikai Caldera - bên dưới một trong những quần đảo chính ở phía nam Nhật Bản.

Dựa trên các dữ liệu thu thập được trong 3 năm qua bằng phương pháp khảo sát địa chất, cho robot tiếp cận miệng núi lửa và phân tích mẫu đất đá, vào tháng 2/2018, các nhà khoa học Nhật Bản khẳng định, bên dưới quần đảo Ōsumi là một "ổ" mắc-ma khổng lồ với thể tích lên đến 32 km3. Ổ mắc-ma này được tạo nên từ vụ siêu phun trào Akahoya cách đây 7.300 năm.

Đại họa dưới biển sâu: Tính mạng 110 triệu người bị đe dọa nếu bom khổng lồ này phát nổ - Ảnh 4.

Nghiên cứu núi lửa bên dưới quần đảo Ōsumi. Nguồn: NHK

Trải qua hàng nghìn năm, các hoạt động vật lý bên trong Kikai Caldera vẫn diễn ra, mà theo dự đoán của các nhà địa chất, Kikai Caldera đang chuẩn bị cho một vụ phun trào khủng khiếp tiếp theo trong tương lai. Kikai Caldera được ví như "quả bom khổng lồ" đang chờ phát nổ.

Các vụ phun trào nhỏ tại núi lửa này đã được nhà khoa học ghi nhận. Đặc biệt, vào ngày 4/6/2013, những rung động yếu đã được ghi lại. Ngay sau đó, xuất hiện các đợt phun trào và kéo dài liên tục trong vài giờ.

Nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng xác suất của thảm họa Kikai Caldera phun trào trong 100 năm tới là khoảng 1%.

Tuy nhiên, việc tìm ra ổ mắc-ma khổng lồ đã phần nào khiến cho dự đoán trên sai số. Rất có thể, Kikai Caldera sẽ thức giấc sớm hơn và khi đại họa này xảy ra, tính mạng của 110 triệu người sẽ gặp nguy hiểm.

Trung tâm thăm dò đáy biển trường Đại học Kobe lên kế hoạch tiến hành cuộc khảo sát quy mô lớn, với sự tham gia của Cơ quan Khoa học và Công nghệ Biển-Trái đất Nhật Bản, nhằm theo dõi tiến trình hoạt động của núi lửa Kikai Caldera, từ đó đưa ra dự đoán của một vụ siêu phun trào tiếp theo.

Bài viết sử dụng các nguồn: Đại học Kobe (Nhật Bản), Sciencedaily, Listverse

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại